Bánh kẹo truyền thống Nhật Bản (Wagashi) là một trong những nét văn hóa rất được lòng các du khách nước ngoài, không chỉ vì vị ngon độc đáo mà còn bởi hình dáng vô cùng tinh tế và đẹp mắt.
Tất cả các bánh kẹo truyền thống Nhật Bản được gọi bằng cái tên chung là Wagashi, nhưng trong đó có rất nhiều các loại bánh khác nhau. Trong Bản tin Kaizen số này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về Wagashi nhé!
① Bánh nama-gashi (bánh tươi)
Nama-gashi là loại bánh chủ yếu dùng các loại đậu làm nguyên liệu chính, và lượng nước trong bánh cao, trên 40%. Vì lượng nước khá lớn, nên khi đưa vào miệng, bánh cho ta cảm giác như đang được hòa tan trong miệng, cảm giác rất nhẹ nhàng êm ái, nên rất được yêu thích. Tuy vậy, hạn sử dụng của bánh này khá ngắn, không để lâu được.
Các loại bánh tiêu biểu cho nama-gashi này là mochi-gashi (bánh bột nếp), bánh bao, yokan (bánh thạch đậu), mushi-gashi (bánh hấp), v.v...
② Bánh hannama gashi
Bánh hannama gashi được định nghĩa là các loại bánh có lượng nước chiếm khoảng từ 10~30%.
Vì lượng nước không nhiều, nên bánh có thể để lâu hơn, và có thể dùng để làm quà biếu.
Các loại bánh hannama-gashi tiêu biểu gồm có: an-iri nama-yattsubashi (bánh gối tam giác nhân đậu), ishigoromo (bánh tròn nhân đậu), kantenmochi (kẹo thạch dẻo), youkan-maki (bánh bông lan nhân youkan), v.v...
③ Bánh higashi (bánh khô)
Bánh higashi là loại bánh kẹo có lượng nước dưới 20%.
Các loại bánh higashi tiêu biểu gồm có: rakugan (bánh in), unpei (bánh bông lan cuộn), aruheitou (kẹo đường cát), kinpeitou (kẹo đường vàng), osenbei (bánh gạo), v.v...
Không chỉ rất ngon mà còn nhìn rất đẹp đúng không các bạn?
Trong thời gian thực tập tại Nhật Bản, hãy thử thưởng thức thật nhiều các loại wagashi các bạn nhé!
Mùa thu, mùa của những cơn gió mơn man mát lạnh, cũng là lúc những chiếc lá trên cành thay áo mới.
Đã đến mùa lá đỏ rồi...
Có rất nhiều người nước ngoài biết đến mùa thu nước Nhật thông qua những phiến lá momiji, nhưng chắc hẳn không nhiều người biết đến những nét đẹp ẩn đằng sau những chiếc lá ấy.
Trong Bản tin Kaizen tháng này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về momiji – vẻ đẹp của mùa thu Nhật Bản nhé.
① Nguồn gốc cái tên MOMIJI
Có nơi cho rằng từ “momiji” được bắt nguồn từ việc “ép lấy nước màu nhuộm” (momi-idu) từ loại hoa đỏ (beni-bana) của Nhật. Ngụ ý rằng vào mùa thu của Nhật, lá cây ở Nhật như được nhuộm đỏ rực. Theo thời gian, cách đọc của từ này dần biến hóa, từ “momiidu” → “momidu” → “momidi” và cuối cùng biến thành “momiji” như ngày nay chúng ta vẫn dùng.
② Momiji và Kaede (lá phong)
Cây phong là cây có màu lá chuyển đỏ đẹp nhất trong số tất cả các loại cây hồng diệp.
Khi tìm hiểu trên internet, chúng ta sẽ thấy lá momiji và lá phong khá giống nhau. Vậy, sự khác biệt của hai loại này là gì?
Đứng trên lập trường phân loại về thực vật, thì hai loại này được xem là cùng một loại. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ cây trồng cảnh, thì hai loại này được phân loại dựa trên độ chẻ trên phiến lá.
Loại lá có độ chẻ sâu thì gọi là “momiji”
Loại lá có độ chẻ cạn hơn thì gọi là “lá phong” (kaede)
Vì sự khác biệt cũng khá ít ỏi, nên nhiều người gọi chung hai loại lá này là “momiji”.
③ Ý nghĩa của hoa Momiji
Cây momiji nở hoa thường nở hoa vào khoảng tháng 4~5. Hoa momiji được cho là có ý nghĩa như sau:
・Sự biến đổi đẹp đẽ
・Kỷ niệm quan trọng
・Sự lo lắng xa xôi
Những ý nghĩa này được giải thích rằng: “sự biến đổi đẹp đẽ” chỉ sự chuyển từ màu xanh mởn của lá cây vào mùa xuân hạ sang màu đỏ của mùa thu; “lo lắng xa xôi” là vì hoa của momiji là loại hoa khá khó gặp, hiếm thấy; “kỷ niệm quan trọng” là bởi vào mùa này, khi lá đỏ rực cả một vùng trời, thì việc được đi ngắm lá đỏ với những người yêu thương sẽ tạo nên những kỷ niệm đẹp đẽ và ấm áp.
Biết thêm một vài kiến thức nữa về mùa thu Nhật Bản, thì chắc chắn đợt ngắm hoa lần này của chúng ta sẽ thú vị hơn nhiều, đúng không?
Các bạn hãy cùng đi ngắm lá đỏ, và tạo ra thật nhiều những kỷ niệm đẹp trong năm nay nhé!!!