Ở làng chài nọ có hai gia đình.
Gia đình thứ nhất: Mỗi ngày người bố lặn lội ra bờ sông để câu cá về nuôi gia đình và đàn con nhỏ. Dù mưa to, bão lớn, ngày nào cũng như ngày nào không ngại gian nan, ông đều cần mẫn đi đến bờ sông và mang về đầy ắp cá cho đàn con. Một mình người bố, với vóc dáng ấy một đời hy sinh cho cả gia đình. Nhờ vậy gia đình và các con ông có được cuộc sống sung túc và an vui.
Gia đình thứ hai: Cũng giống gia đình thứ nhất, ngày nối ngày người bố gia đình thứ hai cũng tần tảo đến bờ sông câu cá chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên ngày nào ông cũng đều dắt theo một người con đi cùng. Để chỉ cho con làm thế nào câu được cá. Cứ lần lượt như vậy dù nắng hay mưa ông không quên dẫn dắt, dạy bảo đàn con những kiến thức mài dũa bao năm của mình.
Đương nhiên cả hai người bố đều yêu quý con của mình như nhau, một người thương nên không đành tâm để con chịu gian khổ, một người thì thương nhưng dù có vất vả vẫn phải truyền dạy lại cho con những tri thức cần thiết. Cả hai người bố trên đều cùng làm một công việc là câu cá giống như nhau, tuy nhiên cách làm của hai người là hoàn toàn khác nhau.
Gia đình thứ nhất: Nhờ người bố mà cả gia đình và đàn con có được cuộc sống an nhàn. Những khi người bố khỏe mạnh, vẫn câu cá nuôi sống gia đình được thì không việc gì. Tuy nhiên chẳng may người bố ngã bệnh, không đi câu cá, không còn đủ khả năng để chăm lo cho gia đình nữa thì sẽ ra sao? Ai sẽ có thể thay bố đi câu và câu được cá mang về cho gia đình?!
Gia đình thứ hai: Mỗi ngày lặn lội mưa nắng theo bố học hỏi cách câu cá, ít nhiều đàn con của gia đình thứ hai phải chịu vất vả hơn. Nhưng, nếu người bố ốm đau hay khi người bố nhiều tuổi không đi câu được nữa thì cả đàn con bất kể ai cũng đều có khả năng đi câu để nuôi bản thân và gia đình từ những kinh nghiệm được bố truyền dạy.
Theo các em thì các em muốn trở thành người bố nào?
“Không nên làm việc chỉ vì tiền lương mà hãy làm việc với lòng hăng say học hỏi để lấy về cho mình cái cần câu cơm sau này.”
Thực tập sinh kỹ năng các em hiện giờ đã được đến Nhật, nhận được mức lương rất cao, đủ khả năng để chăm lo cho gia đình mình tại Việt Nam một cuộc sống đầy đủ, thoải mái. Tuy nhiên, tiền lương của 3 năm sử dụng hết rồi khả năng quay trở lại cuộc sống như trước đó là rất cao phải không? Việc này giống hệt như việc người bố thứ nhất làm. Cuộc sống sau đó còn dài, thay vì chỉ nhắm đến số con cá có mà việc có cần câu để bắt được cá nữa hay không mới là điều quan trọng. Vì vậy, các em không nên làm việc chỉ vì tiền lương mà hãy làm việc với lòng hăng say học hỏi để lấy về cho mình cái cần câu cơm sau này. Tiếng Nhật hay hàn tiện hay cách quản lý kiểu Nhật … nếu nắm vững, hiểu rõ được một trong những kiến thức này thì chắc chắn khi về nước những kiến thức này sẽ đem lại công việc cho mình. Nếu suy nghĩ cho gia đình có được sự ổn định dài lâu thì các em hãy cố gắng chăm chỉ rèn luyện kỹ năng để biến thành cần câu cho mình sau này nhé.
“Hãy tìm cách để học lấy một kỹ năng, một kinh nghiệm cho riêng bản thân mình.”
Cũng giống thế, vì sao Việt Nam lại vẫn còn nghèo khó? Vì sao Nhật bản lại giàu có? Vì sao người Việt nam chỉ ăn cá sông. Đó là vì người Việt Nam không biết cách bắt cá sống ở biển. Hiện tại Việt nam cũng có các xưởng, nhà máy nhưng nếu chỉ dùng sức, dùng tay không để làm việc, không có kỹ thuật, không biết làm những công việc phức tạp hơn thì giá trị hàng hóa sản xuất ra chỉ là hạn hẹp và vì vậy tiền lương của nhân viên vẫn cứ thấp mãi. Tuy nhiên nếu các em nắm được kỹ thuật nghĩa là có cần câu của bản thân mình thì có khả năng sẽ nhận được mức lương cao gấp nhiều lần như thế. Ngày trước khi thầy đến Nhật, thầy cũng không có tiền nhưng mục đích lúc đó không phải là tiền. Không phải là cá mà là muốn học cách làm sao để bắt được nhiều cá. Mỗi người sẽ có cách làm khác nhau tuy nhiên hãy tìm cách để học lấy một kỹ năng, một kinh nghiệm cho riêng bản thân mình. Đã cất công đến được Nhật, cường quốc thứ 2 thế giới rồi thì các em hãy tìm cách học tập, chế độ Thực tập sinh kỹ năng chỉ cho mỗi người một lần cơ hội duy nhất. Đừng làm việc chỉ vì mức lương hấp dẫn mà hãy làm với lòng đam mê, với sự tích cực học hỏi, tinh thần vươn cao. Có như thế các em mới phát triển được bản thân một cách toàn vẹn, lĩnh hội được những tri thức quý báu và đồng thời mang lại “Cần câu” nuôi dưỡng gia đình, giáo dục con cái mình sau này nhé.
|