Tại các công trường sản xuất hay các địa điểm xây dựng của Nhật Bản, người lao động không mặc trang phục thường ngày, mà phải mặc các bộ trang phục lao động theo quy định. Có rất nhiều các công ty sản xuất trên thế giới sử dụng đồng phục lao động, nhưng điều này đã được làm triệt để hơn nữa ở các công trường Nhật Bản nhằm đảm bảo sự an toàn cho người lao động.
Vậy, trang phục lao động của Nhật Bản gồm có những gì?
① Quần áo
Về cơ bản, quần áo lao động được chia làm 2 loại:
Áo khoác và Quần dài: Đây là loại trang phục lao động phổ biến nhất.
Người lao động sẽ mặc đồ lót bên trong (là trang phục cá nhân như áo thun, áo ba lỗ) rồi khoác áo khoác và quần dài đồng phục ra ngoài. Đây là trang phục được thiết kế để thuận lợi cho việc cử động, nên mặc vào rất thoải mái.
Áo All-in-one (hay còn gọi là Tsunagi, áo quần liền): là loại trang phục có thiết kế nối liền từ trên xuống dưới, nhằm để phần eo, lưng tránh bị bẩn hoặc bị xước vì các mảnh vỡ, linh kiện khi đang thao tác cùng máy móc (phần này thường sẽ bị hở ra nếu cúi xuống đối với trang phục áo quần rời).
Các thiết kế trang phục rời hay liền đều có rất nhiều túi để để dụng cụ lao động, đồng thời được thiết kế sao cho quần áo ở bên trong ít bị bẩn nhất. Ngoài ra, để tránh việc vết bẩn dầu mỡ nổi rõ lên, các trang phục này thường có màu tối như xanh đậm, ghi đậm, v.v...
② Giày an toàn
Giày an toàn là giày được làm từ da bò hoặc cao su, có gắn miếng chịu lực làm bằng kim loại hoặc nhựa có thể chịu được va chạm mạnh ở mũi giày, và có gia công chống trượt và có khả năng chịu được dầu mỡ ở mặt đáy.
Có rất nhiều loại giày bán trên thị trường, nhưng giày an toàn thường thấy chung đều có màu đậm và phần mũi giày rất cứng.
③ Khác
Hakui (đồ trắng): là loại trang phục lao động được tất cả các
công ty thực phẩm hay y dược sử dụng. Khi sử dụng trang phục này, thường người lao động sẽ mang khẩu trang, găng tay, giày trắng, đội mũ, và chỉ hở mỗi phần mắt.
Tobi-fuku: là trang phục dành riêng cho các thợ làm giàn giáo, gồm có “tobi-zubon” (quần hình chiếc diều) và “jikatabi” (giày ninja).
Tobi-zubon còn được gọi là “shichibu” hoặc “knickerbockers” (quần chẽn gối). Công việc làm giàn giáo cần phải giơ chân, gấp chân nhiều, nên với chiếc quần tobi này, thợ giàn giáo có thể làm việc mà không bị vướng víu.
Đồng thời cũng giúp cho những người thợ làm việc ở trên cao dễ dàng lấy được thăng bằng.
Ngoài ra, chỗ làm việc trên giàn giáo thường hẹp, khó để chân, nên nếu sử dụng giày an toàn sẽ rất khó đứng vững. Vậy nên thay vì giày an toàn, những người thợ giàn giáo thường sử dụng “jikatabi” (giày chia ngón kiểu ninja). Cũng có những loại giày an toàn nhẹ dùng để làm việc trên giàn giáo, nhưng không bám chắc được như giày ninja nên không được ưa chuộng bằng.
Chỉ trang phục lao động thôi mà cũng thật nhiều loại phải không các bạn?
Không biết Việt Nam mình có những loại trang phục lao động đặc biệt nào không nhỉ?
Mùa hè Nhật Bản vốn không được đánh giá là thời gian dễ chịu bởi nhiệt độ và độ ẩm khá cao.
Khoảng cách nhiệt độ khi ở trong phòng có bật điều hòa và ngoài trời khá lớn, nên rất dễ bị say nắng hay cảm cúm.
Tuy nhiên, đây cũng là một mùa có nhiều món ăn ngon ở Nhật. Trong Bản tin Kaizen số này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về những món ăn mùa hè thường được biết đến của Nhật Bản nhé.
① Dưa hấu
Dưa hấu được xem là “Vua trái cây mùa hè” của Nhật Bản.
Điều này là bởi lượng nước trong dưa hấu rất phong phú (trên 90%), đồng thời còn chứa nhiều đường, hay các khoáng chất khác như Canxi, Magiê,... Thêm một chút muối vào khi ăn dưa hấu sẽ giúp chúng ta tăng cường sức đề kháng đối với chứng say nắng, và có thể trải qua một mùa hè đầy năng lượng và sức sống.
② Đá bào
Người Nhật ăn đá bào bằng cách bào nhuyễn đá, rưới nước xi-rô, nước kẹo dẻo, hay sữa đặc lên trênđể ăn cùng.
Đây cũng là món ăn đặc trưng của mùa hè, được không chỉ trẻ em mà còn cả người lớn yêu thích.
Trước đây, để có thể làm đá bào, người ta cần phải đập bằng tay cho nhuyễn đá ra, nhưng hiện nay thì đã có máy bào đá vô cùng nhanh gọn và tiện lợi.
③ Mỳ lạnh
Mỳ lạnh ở Nhật Bản có rất nhiều loại như reimen (mỳ lạnh thường), hiyashi-chuka (mỳ lạnh kiểu Hoa), nagashi-somen (miến lạnh để trôi theo dòng nước dọc ống tre, người ăn sẽ vớt miến trực tiếp từ đó và ăn), v.v...
Chỉ cần mua mỳ và nước mỳ lạnh bán ở siêu thị, kèm một ít các đồ ăn kèm khác (như rau, kimchi, thịt, v.v...) thì chúng ta hoàn toàn có thể chế biến một tô mỳ lạnh ngon tuyệt tại nhà. Với vị ngon thanh đạm và ăn kèm nhiều rau, món mỳ lạnh rất được phụ nữ Nhật Bản yêu thích.
Ngoài ba thức ăn đã giới thiệu ở trên, còn có rất nhiều các món ăn ngon ngày hè khác nữa tại Nhật Bản. (trong hình dưới đây từ trái sang phải là mực nướng, dưa lưới, cá lạt (còn gọi là cá dưa)).
Hãy vừa nhớ lại những món ăn mùa hè Việt Nam, vừa thưởng thức nhiều những món ăn của mùa hè Nhật Bản nhé.