Sau khi tốt nghiệp khoa cơ khí trường Đại Học Bách Khoa TPHCM, năm 1995 sang Nhật học nâng cao.
Năm 2000 tốt nghiệp thạc sĩ khoa nghiên cứu công nghệ ngành cơ khí trường Tokyo Noko University.
Với mục đích đóng góp sự phát triển quan hệ Việt - Nhật thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực tiếp thu công nghệ kỹ thuật và văn hóa Nhật Bản, năm 2001 bắt đầu sự nghiệp đến nay.
Năm 1995, lần đầu tôi đặt chân đến Nhật Bản với mong ước được học hỏi và tiếp cận một nền văn hóa và khoa học kỹ thuật tiên tiến bậc nhất nhì thế giới, tôi đã tin chắc một điều rằng “Đây chính là tương lai mà Việt Nam cần vươn tới!”. Đó cũng chính là nguyên nhân khởi thủy dẫn tôi đến quyết định phát triển sự nghiệp này. Tất cả những nhân tố kết thành xã hội Nhật Bảnhiện tại như là: khoa học kỹ thuật, công nghệ, cơ cấu tổ chức doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, các loại hình dịch vụ và hơn nữa đó là hệ thống giáo dục, những tri thức, kiến thức, những giải pháp để vận hành những yếu tố này thì hầu như ở Việt Nam đều chưa đạt tới và vô cùng cần thiết cần phải phát triển được như thế. Từ đây, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và luôn luôn khâm phụcvề những thành tựu vĩ đại mà Nhật Bản đạt được chính nhờ khai thác tốt nguồn tài nguyên quý báu nhất: đó là bàn tay và khối óc của “CON NGƯỜI”.
Còn Việt Nam, sau 20 năm thực hiện chính sách đổi mới đến nay đất nước chúng ta liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, và đang tiến dần đến mục tiêu công nghiệp hóa đất nước vào năm 2020. Để thực hiện được mục tiêu này thì vấn đề lớn nhất đó là nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam phải nhanh chóng lĩnh hội, nắm bắt và ứng dụng được những kỹ thuật, công nghệ của các nước tiên tiến vào nền sản xuất của đất nước.
Bây giờ, Việt Nam chúng ta đang đứng trước cơ hội ngàn năm có một. Đó là: Nhật Bản là một quốc gia phát triển hàng đầu đang bước vào giai đoạn dân số già đi và thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Không những thế, giới trẻ người Nhật hiện tại không còn mong muốn làm những công việc về sản xuất chế tạo dẫn đến việc duy trì kế tục và phát triển sản xuất trở nên vô cùng khó khăn. Để giải quyết vấn đề này buộc Nhật Bản phải mở cửa để tiếp nhận nguồn nhân lực ưu tú từ nước ngoài đến Nhật Bản làm việc. Với dân số trẻ dồi dào ở mức tuổi trung bình là 26.5 tuổi và đang quyết tâm thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước như Việt Nam chúng ta thì đây là cơ hội ngàn vàng. Thêm nữa, Việt Nam và Nhật Bản có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ cùng sử dụng gốc từ Hán, luôn tôn trọng sự hợp tác quốc tế,...mà khi so sánh với rất nhiều quốc gia tiên tiến khác trên thế giới thì không có, do đó Việt Nam và Nhật Bản là 2 quốc gia rất dễ để hợp tác cùng phát triển.
Thế nhưng, GIÁO DỤC là một đề tài lớn ở Việt Nam. Cho dù có điều kiện rất lớn từ Nhật Bản muốn tiếp nhận thật nhiều nguồn nhân lực kỹ thuật từ Việt Nam và Việt Nam cũng muốn gởi thật nhiều thanh niên trẻ sang Nhật Bản để thực tập và làm việc, nhưng bản thân các thanh niên Việt Nam không ý thức được trọng trách và cơ hội của chính mình là tiếp thụ công nghệ của Nhật Bản để phát triển nghề nghiệp tương lai, hoặc không đáp ứng đủ yêu cầu về năng lực của nhà tuyển dụng thì cơ hội vàng này sẽ có thể vuột khỏi tầm tay. Cần phải chọn ra được những nhân tài có đủ phẩm chất và nguyện vọng muốn sang Nhật Bản để học tập và lĩnh hội những kiến thức, công nghệ và kỹ thuật cho chính bản thân mình.
Chỉ có giáo dục và đào tạo mới có thể tạo ra những nhân tài ưu tú nhất cho các doanh nghiệp Nhật Bản, để từ đó Việt Nam mới tiếp cận được nền công nghệ kỹ thuật tiên tiến và giúp 2 đất nước Việt - Nhật cùng phát triển.
Mong muốn của chúng tôi là thông qua Giáo Dục và Đào Tạo, chúng tôi tin tưởng sẽ kiến tạo ra được thật nhiều nhân tài cho đất nước tham gia sản xuất để sáng tạo ra thật nhiều giá trị thặng dư cho cuộc sống ngày càng phát triển và phồn vinh hơn.