scroll top
Giám đốc Lê Long Sơn được mời phát biểu đóng góp ý kiến tại Quốc hội Nhật Bản
Tháng 4/2019, lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội việc làm tại Nhật Bản với chương trình mang tên “Kỹ năng đặc định”. Để có được kết quả này, chính phủ Nhật Bản đã phải trải qua rất nhiều phiên làm việc, trao đổi ý kiến và chất vấn giữa các bên. Mà trong đó, tại Hạ viện ngày 22/11/2018, Giám đốc Lê Long Sơn đã được Quốc hội Nhật Bản mời đến đóng góp ý kiến.
Nhìn lại sự kiện trọng đại này, Esuhai điểm qua những nội dung mà Giám đốc Lê Long Sơn đã đóng góp ý kiến tại Hạ viện Nhật Bản nhằm giúp mọi người có cái nhìn tổng quan và thấu hiểu hơn những giá trị mà chúng tôi đang xây dựng và phát triển cùng năm tháng.

 
Ngày 20/11/2018, sau khi tiếp Đoàn đại biểu đến từ Nhật Bản do ông Kensaku Morita Thống đốc tỉnh Chiba, Nhật Bản dẫn đầu chuyến ghé thăm công ty Esuhai – KaizenYoshidaSchool, Giám đốc Lê Long Sơn nhận được một cuộc gọi từ chính phủ Nhật Bản về lời mời đóng góp ý kiến tại Hạ viện về dự thảo luật mới. Không có nhiều thì giờ chuẩn bị, Ông lập tức đón chuyến bay sớm nhất sang Nhật để dự phiên họp Hạ viện vào sáng ngày 22/11/2018.
Không khí tại phiên họp vô cùng căng thẳng và dự thảo luật mới vấp phải sự phản đối của Đảng đối lập vì có những số liệu về mặt trái của chương trình Thực tập sinh như: bỏ trốn, vi phạm pháp luật, chế độ làm việc kém, vi phạm quyền con người… nếu triển khai một chương trình mới sẽ có khả năng làm gia tăng tình trạng trên và phát sinh nhiều vấn đề lâu dài, ảnh hưởng đến đất nước Nhật Bản.
Nhưng, khi những con số không phản ánh hết thật chất vấn đề thì chính Đảng Nhật Bản rất cần những chuyên gia trong lĩnh vực phái cử người lao động đưa ra những ý kiến để có những đánh giá khách quan và công bằng nhất. Cùng với 5 nghị sĩ Quốc hội khác, Giám đốc Lê Long Sơn chỉ có vỏn vẹn 15 phút để trình bày quan điểm của chính mình. Có lẽ vì đã có kinh nghiệm sau lần đầu phát biểu Quốc hội Nhật Bản về chương trình TTS vào năm 2016, mà lần thứ 2 này, Giám đốc phát biểu với “thần thái” tự tin hơn, đỉnh đạc hơn.
Là một người tâm huyết với lĩnh vực đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, Giám đốc Lê Long Sơn đã dẫn ra những dẫn chứng đầy thuyết phục về kết quả và ý nghĩa tốt đẹp mà chương trình Thực tập sinh Kỹ năng đã và đang mang lại cho 2 quốc gia Việt Nam – Nhật Bản.
“Nhật Bản là một trong những thị trường mà người lao động Việt Nam muốn đến để làm việc nhất. Đa số người lao động là các thanh niên còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm, tay nghề và môi trường thích hợp để thực hành.
Nếu được sang Nhật làm việc và hiểu đúng giá trị thực sự của chương trình thì đây sẽ là cơ hội thực sự tốt để người lao động được học hỏi và nâng cao tay nghề, chuyên môn, kinh nghiệm, được thực hành trải nghiệm nhiều kỹ thuật công nghệ, cách thức quản lý chất lượng, cách làm việc chuyên nghiệp và những điểm tích cực trong nhà máy Nhật Bản… và có thu nhập tốt. Số lượng người lao động tham gia chương trình tăng lên hàng năm, cùng với đó thì số lượng thực tập sinh hoàn thành chương trình trở về nước cũng tăng lên. Có rất nhiều gương thực tập sinh về nước thành công đã được báo chí chia sẻ, từ đó số lượng người muốn tham gia chương trình lại tăng lên nhiều hơn. Như vậy, chính người lao động đã cảm nhận được rằng đây là một chương trình tốt, một cơ hội tốt để phát triển trước hết là cho bản thân, sau đó là cho gia đình và xã hội mà họ sống”, trích đoạn phát biểu của Giám đốc Lê Long Sơn.
Dẫn chứng ra những lợi ích thiết thực mà chương trình Thực tập sinh kỹ năng mang lại, Giám đốc Lê Long Sơn đã khẳng định chương trình “Kỹ năng đặc định” mới cần phải tuyển chọn những người lao động có ý thức học tập và làm việc cao, có tay nghề chuyên môn kinh nghiệm nhất định và trình độ tiếng Nhật cao hơn chương trình thực tập sinh. Song song đó, chương trình thực tập sinh hiện đang được vận hành rất tốt bởi sự quản lý và kiểm soát của Nhật Bản và Việt Nam. Vì vậy mà chính phủ Nhật Bản cần có sự xác nhận và liên kết chặt chẽ với Việt Nam đối với những người muốn tham gia chương trình mới này để có những biện pháp ngăn chặn tất cả các hình thức có sự tham gia của cò mồi, các tổ chức xấu thu tiền bất chính của lao động kỹ năng đặc định tại quốc gia phái cử.
 
Với bài phát biểu chỉ 15 phút, có lẽ không thể giúp toàn bộ Nghị sĩ Nhật Bản có mặt trong phiên họp được thuyết phục hoàn toàn, do đó, sau phần phát biểu là thời gian trả lời chất vấn kéo dài đến hơn 3 giờ đồng hồ.
Căng thẳng và áp lực không hề nhỏ khi được rất nhiều Nghị sĩ đặt câu hỏi về phía mình, Giám đốc Lê Long Sơn vô cùng bình tĩnh và trả lời rất rành mạch. Ông khẳng định mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp về chế độ thực tập sinh hiện nay đã tạo ra cho đất nước Việt Nam và cả Nhật Bản.
Đồng thời khi được hỏi về những yêu cầu có của chương trình Kỹ năng đặc định nên có từ Nghị sĩ quốc hội, Giám đốc đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm rằng muốn có được một chương trình tốt thì phải có quá trình sàng lọc, giáo dục để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng tốt nhất. Ông không những kỳ vọng nguồn nhân lực tham gia chương trình Kỹ năng đặc định trở thành nguồn lao động mũi nhọn tại Nhật mà còn mong muốn chính phủ Nhật sẽ có sự hợp tác với các quốc gia phái cử để tổ chức các kỳ thi nhằm tuyển chọn ra được những con người nghiêm túc và có năng lực.
Với những điều đáng kỳ vọng về một chương trình có nhiều quyền lợi tốt hơn chương trình Thực tập sinh kỹ năng hiện tại, bên cạnh sự vui mừng, ông cũng bày tỏ nỗi lo lắng về việc nếu chương trình này không có khâu quản lý tốt và điều kiện đơn giản thì rất dễ dẫn đến việc lao động sẽ đổ xô vào chương trình mới khi chưa đủ trình độ hay chuyên môn, tạo ra nhiều hệ quả đáng tiếc.
Đặc biệt, trước quan điểm muốn bãi bỏ chương trình Thực tập sinh, ông cũng bảo vệ bằng cách đưa ra những dẫn chứng vô cùng thuyết phục khi đây là một chương trình tốt và hiện mang lại rất nhiều giá trị ý nghĩa cho người lao động nói riêng và cả hai quốc gia Việt – Nhật nói chung.
 
Trong các nội dung chất vấn đến từ các nghị sĩ Nhật Bản, đã có đề cập đến vấn đề chi phí, tiền ký quỹ và tiền chống trốn khi tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng. Câu hỏi này chắc đã đánh thẳng vào sự quan tâm của đông đảo công chúng, bởi hiện nay chi phí giữa các nơi đang chênh lệch rất nhiều khiến người lao động băn khoăn, lo ngại.
Trả lời cho câu hỏi này, Giám đốc Lê Long Sơn đã khẳng định Esuhai luôn đề cao việc chấp hành nghiêm túc mọi quy định, chính sách của luật pháp Việt Nam. Với nhiều năm kinh nghiệm, ông nhận định, với mức phí cao ngất ngưỡng mà nhiều doanh nghiệp khác đang đưa ra hiện nay sẽ rất khó có được những nhân sự nghiêm túc.
Việc không thu tiền ký quỹ, không đóng tiền chống trốn và thu phí bằng với mức sàn mà luật pháp Việt Nam quy định của Esuhai là một phương thức để những đơn vị khác có thể tham khảo và điều chỉnh cho phù hợp mà có được nguồn lao động chất lượng nhất.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh thêm những giá trị ý nghĩa mà chương trình thực tập sinh kỹ năng mang lại: Mang lại trình độ tiếng Nhật cao, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, tay nghề chuyên môn nhất định sau khi về nước. Để từ đó, người lao động sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn, đó có thể là tự tạo sự nghiệp riêng, giữ vai trò quản lý hay áp dụng những kiến thức có được vào công việc tại Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là một bước đệm tốt cho những ai muốn quay lại Nhật với chương trình Kỹ năng đặc định sắp tới.
Kết thúc phiên chất vấn, Giám đốc Lê Long Sơn đã một lần nữa đề cao việc đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ mang lại lợi ích lâu dài cho chính người lao động mà từ đó, khi tiếng tốt được đồn xa, sẽ có thêm những giá trị “vô giá” hơn trong tương lai và là cầu nối để phát triển bền vững cho mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt – Nhật.

Nửa tháng sau đó, vào rạng sáng ngày 8/12/2018, luật mới về chương trình Kỹ năng đặc định đã được toàn Quốc hội Nhật Bản thông qua và sẽ áp dụng vào tháng 4/2019 với ngành đầu tiên là khách sạn. Mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho người lao động Việt Nam trong tương lai. Điều tuyệt vời hơn hết, Quốc hội Nhật đã cân nhắc vấn đề liên kết hợp tác với các quốc gia phái cử để tạo ra những chính sách quản lý tốt nhất nhằm hạn chế tình trạng cò mồi môi giới, đồng thời đề ra những điều kiện cao hơn về trình độ tiếng Nhật và chuyên môn với đối tượng tham gia để mang lại chương trình chất lượng nhất, và đây cũng chính là những nội dung mà giám đốc Lê Long Sơn đóng góp trong phiên họp Hạ viện trước đó.
Có thể nói rằng, việc giám đốc Lê Long Sơn được mời góp ý tại quốc hội Nhật Bản là sự kiện trọng đại nhất của Esuhai năm 2018, là một minh chứng cho những giá trị mà chúng tôi tạo ra đang được xã hội Việt Nam và Nhật Bản công nhận.
Chúng tôi cam kết rằng không chỉ riêng năm 2019 mà còn là tương lai xa hơn, Esuhai – KaizenYoshidaSchool vẫn sẽ tiếp tục mang lại hạnh phúc và những giá trị ý nghĩa cho tất cả mọi người.