Vào những năm 90, Việt Nam bắt đầu mở cửa đón nhận những làn sóng đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là đầu tư đến từ Nhật Bản - đất nước có nền kinh tế và công nghiệp phát triển nhất nhì thế giới thời điểm ấy.
Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí trường ĐH Bách khoa HCM, trong khi nhiều bạn cùng trang lứa chọn đầu quân cho các công ty tại Việt Nam để tìm một công việc ổn định hoặc đi du học ở trời Tây thì Lê Long Sơn đã chọn sang Nhật Bản để gửi gắm mục tiêu học nâng cao ngành khuôn mẫu và mở công ty cơ khí khi trở về Việt Nam.
Vào năm 2000, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ Khoa Nghiên cứu Công nghệ ngành cơ khí trường Đại học Tokyo Noko, Lê Long Sơn đã rẽ hướng, ở lại Nhật Bản thành lập pháp nhân: Công ty Vietnam Consulting để tìm hiểu và phát triển thị trường tại Nhật Bản nhằm tiến tới triển khai chương trình phái cử thực tập sinh kỹ năng và kỹ sư công nghệ sang Nhật Bản làm việc.
Từ đâu mà có sự rẽ hướng này?!
05 năm sống, học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về xã hội và công nghệ Nhật Bản, Lê Long Sơn thẩm nghiệm ra rằng, Nhật Bản có một nền kinh tế năng động với hơn 4 triệu công ty đan xen - hỗ trợ - hợp tác với nhau cùng phát triển. Trong số đó hơn 90% là công ty vừa và nhỏ nhưng sở hữu bề dày lịch sử và hàm lượng chuyên môn hóa cao. Các công ty này sở hữu máy móc, quy trình công nghệ chuyên nghiệp, kỹ thuật sản xuất và độ chính xác cao. Người người làm việc, mỗi người mỗi chuyên môn, mỗi công ty một sản phẩm... Tuy nhiên, cùng với đó các công ty này lại đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn lực trẻ kế thừa, buộc họ phải tuyển người nước ngoài đến làm việc.
Lê Long Sơn nhận định, để Việt Nam đi theo hướng công nghiệp hóa thì phát triển công nghiệp phụ trợ giống như Nhật Bản hiện tại là không thể thiếu. Và cơ hội để Việt Nam phát triển là rất lớn nếu đưa được các thanh niên trong nước trực tiếp vào trong các nhà máy Nhật để hàng ngày rèn luyện, mài dũa kỹ năng, tiếp nhận được công nghệ kỹ thuật thực tế trong các công ty này và đưa về Việt Nam.
Nhưng sau 01 năm làm công việc hỗ trợ cho các thực tập sinh Việt Nam làm việc tại Nhật Bản thì Lê Long Sơn nhận ra trở ngại lớn nhất của thanh niên Việt Nam chính là ngôn ngữ tiếng Nhật, ý thức tác phong làm việc chuyên nghiệp, ý thức kỷ luật và đặc biệt thiếu kinh nghiệm trong định hướng nghề nghiệp tương lai. Vì vậy, trong suốt 05 năm tiếp theo, Lê Long Sơn vừa tự mình đi tìm kiếm, gặp gỡ các ông chủ của các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản để hỏi thăm về cơ hội việc làm cho thanh niên Việt Nam sang Nhật làm việc lại vừa trở về Việt Nam từng bước tạo lập cơ sở để đào tạo tiếng Nhật, kỹ năng cũng như tác phong làm việc cho các thực tập sinh trước khi đưa sang Nhật Bản.
Cũng trong khoảng thời gian này, vào ngày 08/8, Esuhai chính thức được cấp giấy phép thành lập Cơ sở đào tạo tiếng Nhật Cải Tiến (Tiền thân của KaizenYoshidaSchool) với khởi đầu là 150 học viên và 8 nhân viên tại trụ sở ở số 79 đường Xuân Hồng, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Kể từ đây, hành trình "trồng người" Việt - Nhật của Lê Long Sơn chính thức bắt đầu.
Đầu năm 2008, Lê Long Sơn có cơ duyên gặp gỡ với ngài Yoshida Masaaki - người sáng lập tập đoàn RECOF, Chủ tịch diễn đàn kinh tế Việt Nhật đồng thời cũng là một người có quan tâm đến giáo dục đào tạo cho thế hệ trẻ. Sau cuộc gặp gỡ này, Ngài Yoshida đã tài trợ học bổng cho dự án: “Mỗi năm đào tạo 101 kỹ sư ưu tú”. Tháng 12/2008, Esuhai chính thức triển khai khóa đào tạo đầu tiên của dự án đưa thế hệ kỹ sư ưu tú Việt Nam sang Nhật làm việc. Để ghi nhận công ơn to lớn đó, Nhật ngữ Kaizen chính thức đổi tên thành KaizenYoshidaSchool và ngài Yoshida trở thành Hiệu trưởng danh dự của trường.
Tháng 9/2008, Esuhai do Lê Long Sơn thành lập là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được cấp giấy phép đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Điều này đã mở ra một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của Esuhai. Mục tiêu trực tiếp tuyển chọn, trực tiếp đào tạo, trực tiếp phái cử đã trở thành hiện thực và Esuhai bước vào giai đoạn nỗ lực xây dựng bộ máy tổ chức cho nhiệm vụ mới này.
Khi đứng trước tất cả học viên, Lê Long Sơn luôn tự nhận mình là bác nông dân và xem KaizenYoshidaSchool là khu vườn để canh tác. Suốt 13 năm qua, Lê Long Sơn đã thiết kế khu vườn Kaizen thành từng mảng nhỏ và tuyển chọn trên khắp cả nước những giống cây phù hợp nhất với từng vị trí trên khoanh đất ấy để gieo trồng. Mỗi ngày, Lê Long Sơn và hơn 100 cộng sự bao gồm cả người Nhật và người Việt cùng chăm sóc, tưới nước, bón phân, bắt sâu, tỉa lá, uốn thân cho đến ngày cây ra lá, ra cành, vững vàng đón nắng, đón gió để lớn lên và tự tin khi cắm mình ở vùng đất mới. Những cái cây ấy chính là những thanh niên trẻ Việt Nam có trình độ, có tác phong và mang đầy nhiệt huyết đến Nhật học tập và làm việc. Và những cái cây ấy cũng chính là niềm tin, là niềm tự hào, là sức mạnh của KaizenYoshidaSchool và Việt Nam trong tương lai.
KaizenYoshidaSchool mà Lê Long Sơn thiết kế mang phong cách “chuẩn Nhật” từ kiến trúc không gian tòa nhà cho đến văn hóa làm việc và đặc biệt là chương trình giáo dục đào tạo cho học viên. Chương trình đào tạo được thiết kế gần nhất với yêu cầu tuyển dụng nhân sự của công ty Nhật, gần nhất với văn hóa làm việc trong công ty Nhật và gần nhất với công việc mà các bạn sẽ làm khi sang Nhật… để các bạn học viên có thể dễ thích nghi và bắt nhịp khi sang Nhật làm việc. Theo đó, nội dung đào tạo cho học viên không chỉ tập trung vào tiếng Nhật mà còn kết hợp các chương trình rèn luyện thói quen 5S, rèn luyện thể lực nâng cao sức khỏe, rèn luyện kỹ năng và văn hóa làm việc với người Nhật, đặc biệt là rèn luyện thói quen tư duy, lên kế hoạch và định hướng mỗi việc mình làm, mỗi giai đoạn mình phát triển để làm chủ cuộc đời của chính mình…
“Cả cuộc đời, tôi chọn GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO chính là sứ mệnh để đeo đuổi. Tôi có may mắn sống và làm việc với người Nhật, đất nước Nhật hơn 20 năm. Suốt quãng thời gian đó, tôi đã học và đã được dạy rất nhiều điều ý nghĩa. Tôi nhận ra, đất nước Nhật phát triển được như ngày hôm nay là bởi vì họ đã và đang sở hữu một nguồn tài nguyên khổng lồ mang tên CON NGƯỜI. Khổng lồ ở đây không chỉ là số lượng mà là vì mỗi người dân Nhật từ thế hệ này qua thế hệ khác đều được GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO mang trong mình văn hóa vì cộng đồng, văn hóa phục vụ, văn hóa coi trọng lao động và sáng tạo. Chính văn hóa coi trọng lao động và sáng tạo đã tạo ra một xã hội người người làm việc, nhà nhà làm việc. Mỗi người mỗi ngành mỗi nghề mỗi lĩnh vực không ngừng học tập, tư duy, sáng tạo, cải tiến trong từng công việc mình làm… dẫn đến mọi khía cạnh trong đời sống xã Nhật Bản ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn, chất lượng hơn và phục vụ không chỉ người dân Nhật mà còn là người dân trên toàn thế giới.
Trong quá trình phát triển, Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều giá trị từ Nhật Bản. Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực tiên phong ý thức được trọng trách và cơ hội tiếp thụ công nghệ của Nhật Bản để kiến tạo ra thật nhiều sản phẩm, thật nhiều giá trị thặng dư cho cuộc sống và cho đất nước. Và vì vậy, Esuhai - Kaizen xem đây chính là sứ mệnh của mình - sứ mệnh tuyển chọn và đào tạo ra được những nhân tài có đủ phẩm chất, có nguyện vọng muốn sang Nhật Bản học tập, lĩnh hội kiến thức, công nghệ, kỹ thuật và đặc biệt là văn hóa coi trọng lao động và cống hiến để khi trở về, nguồn nhân lực này trước tiên là có đủ khả năng khởi nghiệp làm giàu cho bản thân, sau đó là tạo việc làm cho nhóm yếu thế, góp phần phát triển kinh tế địa phương và phục vụ cho đất nước Việt Nam phát triển”.
Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt - Nhật trực thuộc Công ty Esuhai do Lê Long Sơn sáng lập và điều hành trở thành Dự án tư nhân đầu tiên trên thế giới được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ phát triển chính thức sau 10 năm gián đoạn (từ 2001 – 2011) với nguồn vốn trên 40 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, Esuhai đã được JICA xem xét rót vốn để tiếp tục xây dựng trung tâm đào tạo thứ 2 tại TP.HCM.
Xuất phát điểm từ một căn nhà nhỏ tại đường Xuân Hồng (TP.HCM), sau 13 năm, ngoài trụ sở chính tại Ấp Bắc (TP.HCM), Esuhai - Kaizen đã mở 15 chi nhánh, trung tâm liên kết tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Vũng Tàu, TP.HCM để đào tạo tiếng Nhật, kỹ năng làm việc và tạo việc làm chất lượng cao cho hàng ngàn thanh niên Việt Nam mỗi năm.
KaizenYoshidaSchool do Lê Long Sơn làm Hiệu trưởng là một trong những trung tâm ngoại ngữ có quy mô và đào tạo số lượng học viên đông nhất tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tính đến tháng 5/2019, KaizenYoshidaSchool đã đào tạo 20.018 học viên, hiện có 4.069 học viên đang theo học các lớp tiếng Nhật tại trụ sở chính và 15 trung tâm liên kết trên cả nước.
Lê Long Sơn trở thành giám đốc doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới 2 lần được Quốc hội Nhật Bản mời đóng góp ý kiến liên quan đến chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài đến Nhật làm việc. Lần đầu tiên vào ngày 10/11/2016 và lần thứ 2 là 22/11/2018. Tính đến tháng 5/2019, Esuhai đã phái cử hơn 9.400 thực tập sinh và kỹ sư công nghệ làm việc tại các tỉnh từ Hokkaido đến Kyushu trên toàn nước Nhật.
Esuhai - Kaizen đặt mục tiêu đào tạo 01 năm cho học viên trước khi các bạn sang Nhật làm việc. Esuhai - Kaizen đang chọn đi một con đường dài, thậm chí là có sự khác biệt lớn so với nhiều “đồng nghiệp” trong cùng lĩnh vực, nhưng… Esuhai - Kaizen kiên định và tin tưởng thông qua con đường GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO thì 10 năm, 20 năm, 30 năm, 50 năm, 100 năm sau Việt Nam nhất định sẽ phát triển và phát triển vững mạnh hơn từ nền tảng nguồn nhân lực được “trồng”, được GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO từ ngày hôm nay”. Lê Long Sơn kiên định nhấn mạnh.