scroll top
Người đứng đầu doanh nghiệp đào tạo nhân lực cho thị trường Nhật Bản nhiều năm qua vẫn trăn trở tìm lời giải giúp thanh niên Việt phát triển tương lai, thay vì chỉ muốn kiếm nhiều tiền ngay.

Nằm lọt thỏm giữa một con hẻm yên tĩnh trên đường Ấp Bắc (TP.HCM), trụ sở chính của Esuhai không bề thế, rực rỡ nhưng dễ nhận diện bởi học viên, nhân viên ra vào nơi đây đều cúi chào nhau thân thiện bằng câu konnichiwa của người Nhật.
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, bảo tòa nhà do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) rót vốn và chính ông ngồi làm việc với kiến trúc sư để thiết kế từng góc nhỏ, mang đến không gian hoà quyện giữa văn hoá Việt - Nhật.
Giống như việc tỉ mỉ sắp xếp từng chi tiết trong công ty, ông Sơn cũng ngày qua ngày chăm chút cho khát vọng giúp thanh niên Việt Nam phát triển tương lai, thay vì chỉ làm việc vì tiền và “sống mòn” từng ngày ở nước ngoài.
“Có người thích sửa xe, có người thích nhảy múa. Thợ sửa xe thấy nhảy múa là rảnh rỗi, còn người nhảy múa lại thấy sửa xe vất vả. Mỗi người có một đam mê, vấn đề của xã hội nằm ở chỗ đánh đồng mọi thứ vào một khuôn khổ khiến đam mê không được khơi dậy”
ông Sơn bắt đầu câu chuyện với Zing.vn về niềm trăn trở đau đáu suốt nhiều năm.
cá mắc cạn
gặp suối đầu nguồn
24 tuổi, Hà Thị Bích Diễm là nhân viên có thâm niên tại một doanh nghiệp vốn nước ngoài. Độ tuổi không phải quá già, nhưng là ngưỡng phù hợp để cô gái quê Đồng Nai tính đến chuyện ổn định công việc và gia đình theo quan niệm truyền thống.
Biết mình thiếu vốn ngoại ngữ và không thể tiến xa hơn nếu chỉ quẩn quanh bên chiếc “ao làng”, Diễm từng bỏ công việc đáng mơ ước. Cô trở về với xuất phát điểm của một thực tập sinh kỹ năng và bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ sang Nhật Bản để cải thiện khuyết điểm của bản thân.
Gia đình, đồng nghiệp và bạn bè đều nói Diễm điên rồ. Thế nhưng hơn ai hết, cô hiểu việc mình ngược dòng dư luận không phải là câu chuyện nhắm mắt đưa chân. Hơn 6 tháng nghiêm túc trau dồi tại trung tâm Nhật ngữ KaizenYoshidaSchool, ngày 24/9, Diễm đã chính thức cầm trên tay thông báo đậu đơn tuyển chế biến thực phẩm và sẽ xuất cảnh vào giữa năm sau - bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô.
Tuy nhiên, không phải ai trong hơn nửa triệu người lao động Việt Nam tại nước ngoài cũng may mắn như Diễm và những học viên được nhóm chuyên gia đào tạo của Công ty TNHH Esuhai định hướng tương lai, trang bị kiến thức và kỹ năng hội nhập với môi trường làm việc tại những quốc gia phát triển.
Theo số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, riêng trong năm ngoái đã có hơn 134.000 người tham gia xuất khẩu lao động. Bình quân mỗi năm người lao động gửi về gia đình xấp xỉ 3 tỷ USD - một con số lớn, nhưng tương ứng với đó là những thách thức, rủi ro tiềm ẩn phải đánh đổi.
“Đời sống được cải thiện, nhưng phần lớn gia đình vẫn có hoàn cảnh khó khăn. Áp lực thoát khỏi đói nghèo từ gia đình, xã hội và chính bản thân tạo ra khiến nhiều thanh niên Việt Nam nghỉ học sớm để bước vào những ngã rẽ khác nhau. Thực tập sinh làm việc tại nước ngoài là một trong những lựa chọn hấp dẫn. Các em luôn hình dung hành trình này sẽ giúp kiếm tiền thật nhanh và thật nhiều, nhưng lại quên trả lời cho câu hỏi sau vài năm tha hương và trở về, số tiền ấy có đủ sống cả đời khi không có nền tảng định hướng rõ ràng ngay từ đầu”, ông Sơn trăn trở về việc thay đổi suy nghĩ của thanh niên Việt Nam.
xuất khẩu lao động
Mỗi người có một đam mê. Vấn đề của xã hội nằm ở chỗ đánh đồng mọi thứ vào một khuôn khổ khiến đam mê không được khơi dậy.
Người đứng đầu Esuhai hiểu rõ khát khao bước ra thế giới từ khi còn là sinh viên của Đại học Bách khoa TP.HCM. Nhận học bổng từ Chính phủ Nhật Bản và bằng thạc sĩ chuyên ngành cơ khí vẫn chưa đủ làm ông thoả mãn hành trình tìm kiếm đam mê thực sự. Năm 2000, thời điểm tiếp cận thông tin về chương trình tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, thanh niên nước ngoài được vào nhà máy làm việc mà không cần trải qua chương trình du học tốn kém, ông bảo mình như “cá mắc cạn gặp suối đầu nguồn”.
xuất khẩu lao động
Thay vì một mình làm việc của kỹ sư, tôi muốn đưa 10.000 kỹ sư Việt Nam vào nhà máy của Nhật để học cách chuyển giao công nghệ về nước nhà”
“23 năm trước, tôi muốn sang Nhật học nâng cao để vào một công ty tại Nhật làm việc, tích lũy kinh nghiệm cho tương lai trở về Việt Nam thành lập công ty cơ khí khuôn mẫu. Tôi phải mất 5 năm để học tại trường mới có điều kiện xin việc tại Nhật, nhưng chương trình Thực tập sinh đem lại cho nhiều thanh niên Việt Nam cơ hội chạm đích nhanh hơn với việc học nghề, sau đó trở về đóng góp cho quê hương”, ông Sơn bộc bạch.
Ý tưởng thành lập Esuhai - KaizenYoshidaSchool cầu nối giữa thanh niên Việt Nam và thị trường lao động Nhật Bản ra đời từ đó.
Mì ăn liền và
tương lai bất định
Vạn sự khởi đầu nan, ông Sơn luôn tự nhủ với bản thân mình như thế khi bắt đầu hành trình tìm hiểu thị trường và đàm phán những hợp đồng đầu tiên trong đời. Thế nhưng, điều khó khăn lớn nhất đối với ông không phải là những ngày ngồi chờ đối tác trong cái rét mùa đông, hay những lá thư từ chối hợp tác, mà đó là tâm lý chỉ cần thu nhập cao mà không cần tích luỹ kinh nghiệm để phát triển.
“Phần đông người trẻ sẽ chọn mì ăn liền vì ưu điểm tiện lợi, nhanh chóng. Trong khi đó, người từng trải sẽ ưu tiên cho gạo, rau thịt để tạo nên bữa ăn ngon. Đó là minh hoạ đơn giản cho triết lý mong muốn được làm việc và tìm thấy hạnh phúc trong công việc mà tôi học được từ người Nhật Bản”, ông Sơn lấy ví dụ.
xuất khẩu lao động
“Nếu không bơi ngược dòng, con cá nước ngọt sẽ đổ về biển và chết”
Khi càng muốn đi nhanh nhưng chưa hiểu ngôn ngữ, nếp sống và hoà nhập với cộng đồng sở tại thì người lao động dễ rơi vào tình trạng sốc văn hoá, khó khăn trong xây dựng quan hệ. Họ sống trong trạng thái chán nản và làm việc cầm cự mỗi ngày để có tiền gửi về cho gia đình. Khi kết thúc hợp đồng, người lao động trở về nước với tâm thế sợ hãi, không kinh nghiệm hay vốn liếng để tiếp tục một hành trình mới.
Từ lúc khởi nghiệp cho đến nay, Giám đốc Esuhai chưa một lần dừng việc tìm câu trả lời cho bài toán đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước. Một trong những tôn chỉ và nhiệm vụ tiên quyết của doanh nghiệp là vạch ra lộ trình rõ ràng cho học viên từ nhiều tháng trước khi lên đường, học hỏi và phát triển kĩ năng như thế nào trong thời gian làm việc, đến khi trở về sẽ áp dụng kinh nghiệm đã tích luỹ ra sao để phát huy tốt nhất.
Thông điệp không chỉ dừng lại ở mức lương mà phải xây dựng sự nghiệp ngày trở về và tạo ra giá trị cho đất nước cũng được ông Sơn lan toả đến gần 18.000 học viên sau chặng đường hơn 16 năm phát triển.
Giáo dục và việc làm:
cốt lõi của phát triển
“Chọn giáo dục và việc làm là cơ sở cốt lõi cho sự phát triển một xã hội phồn vinh và bền vững”

Câu tuyên ngôn của Esuhai được ông Sơn viết nên từ những đầu thành lập. Chính ông, dù lịch trình công tác dày đặc, vẫn dành thời gian ít nhất hai buổi mỗi tuần với hơn 10 tiếng đứng lớp, trực tiếp trả lời những câu hỏi của học viên và nhân viên. Buổi học không có giáo trình, mà được hình thành từng những câu chuyện truyền cảm hứng nghề nghiệp, tư duy tích cực và thực tế quá trình làm việc tại Nhật Bản.
Câu chuyện về cánh lục bình là một trong số đó. Cuộc đời cánh lục bình không làm gì nên để dòng nước chở đi. Dòng nước chảy từ thượng nguồn về hạ nguồn, đổ ra biển và kết thúc hành trình. Thế nhưng cũng trên dòng sông này, ông Sơn nhắc đến những con cá nước ngọt bơi ngược dòng để không chịu chết vì bị chở ra biển. Đó như một quy luật tất yếu, ứng với việc con người buộc phải vượt qua thử thách và áp lực để tồn tại.
xuất khẩu lao động
Hãy tưởng tượng các bạn sẽ thế nào nếu cứ trôi vô định như cánh lục bình, sang Nhật chỉ để kiếm tiền sau khi trở về không có nghề nghiệp chắc chắn thì đến khi ra cửa biển cũng là lúc chạm ngõ 30-35 tuổi mà không có năng lực quản lý, chuyên môn, ngoại ngữ, chỉ làm những việc giản đơn?”
Ông Sơn đặt câu hỏi và thường kết thúc mỗi buổi giảng bằng lời khuyên học viên đừng làm việc chỉ vì mục tiêu tiền bạc trước năm 25 tuổi.
Không dừng lại ở hành động trực tiếp cho học viên, ông Sơn và đội ngũ nhân viên Esuhai suốt nhiều năm qua vẫn âm thầm nghiên cứu và tìm kiếm, chọn lựa các cơ hội việc làm với điều kiện tối đa cho người lao động Việt Nam.
Ông Sơn mới đây đã được Quốc hội Nhật Bản mời đóng góp ý kiến về Luật Quản lý xuất nhập cảnh và chấp nhận tị nạn. Và luật mới với chương trình Kỹ năng đặc định mà người lao động có thể làm việc liên tục 5 năm tại Nhật cũng đã được Quốc hội Nhật Bản thông qua vào ngày 8/12.
Đây là minh chứng cho thấy Nhật Bản ngày càng đánh giá cao lao động Việt Nam, nhưng qua đó cũng tạo áp lực lớn bởi việc Luật được thông qua có thể phát sinh làn sóng người lao động bất chấp chuyên môn và trình độ đổ bộ vào quốc gia này.
Vì vậy vị doanh nhân này đề xuất Nhật Bản nên ký kết quy định hợp tác giữa hai nước để chính phủ Việt Nam kiểm soát và quản lý được quá trình tuyển chọn, đào tạo một cách hợp pháp và chặt chẽ trước khi người lao động nhập cảnh vào Nhật Bản làm việc. Đồng thời, kiểm soát và chọn ra các công ty uy tín để tham gia phái cử người lao động sang thị trường này.
Đây cũng là cơ hội rất lớn mà ông mong muốn các bạn trẻ phải biết nắm lấy và tự định hướng tương lai đúng đắn để phát triển lâu dài.
Luật mới cần có những yêu cầu về kinh nghiệm, ngoại ngữ, chuyên môn nhất định. Vì vậy, những thanh niên trẻ hiện nay thiếu kinh nghiệm làm việc và chưa có trình độ cần tham gia chương trình Thực tập sinh kỹ năng trước để tích lũy kinh nghiệm, học tập tiếng Nhật, nâng cao tay nghề thật tốt trong 3 năm. Sau đó, nếu có nguyện vọng tham gia chương trình mới, các bạn đã có tư thế sẵn sàng đáp ứng được điều kiện mà chương trình Kỹ năng đặc định đề ra.
xuất khẩu lao động
xuất khẩu lao động
Bên cạnh đó, với những bạn trẻ đã có trình độ hoặc có kinh nghiệm làm việc, đúng chuyên môn ngành nghề (với 14 ngành nghề được cho phép theo luật mới) thì có thể chọn cơ hội đi theo chương trình Kỹ năng đặc định mới liên tục 5 năm. Nhưng quan trọng, các bạn phải có một sự chuẩn bị, đầu tư kỹ cho việc học tiếng Nhật và trang bị kỹ năng làm việc, kiến thức về văn hóa làm việc tại công ty Nhật Bản.
“Với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ hiện nay, Việt Nam rất cần một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có tay nghề chuyên môn, tác phong và ngoại ngữ tốt. Khi luật mới được thông qua, tôi mong muốn có nhiều hơn các cơ hội việc làm cho bạn trẻ từ 18 đến 30 tuổi tiếp cận được các chương trình phù hợp khả năng, trình độ để làm việc tại Nhật Bản. Từ đó, các bạn trở thành lực lượng nhân sự chất lượng cao trong tương lai khi trở về và góp phần xây dựng đất nước”, ông Lê Long Sơn chia sẻ.
Do đó, thời gian tới, song song với chiến lược mở rộng quy mô công ty, ông Sơn cho biết đang xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, để luôn hoàn thành sứ mệnh đào tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất cho Nhật Bản và Việt Nam trong tương lai.
Hình: Zing, Esuhai
Theo Zing.vn