scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Cảnh giác chiêu lừa xuất khẩu lao động
04/04/2015
12363
46 người lao động (NLĐ) Việt Nam bị lừa đưa sang Thái Lan làm việc. Mặc dù phía Cục Quản lý lao động ngoài nước (thuộc Bộ LĐTB-XH) liên tiếp cảnh báo về những chiêu lừa xuất khẩu lao động (XKLĐ) như vậy, nhưng nhiều NLĐ vẫn dễ dàng sập bẫy.

Cần tìm hiểu kỹ thông tin

Theo bản hợp đồng tuyển dụng lao động, Công ty STO (có trụ sở tại Nhật Bản do ông Sato Hiroaki làm giám đốc) cam kết 46 NLĐ này sẽ được nhận vào làm việc tại các công ty Nhật Bản tại Thái Lan. Mỗi NLĐ được tuyển dụng phải đóng 3.000 USD phí làm visa lưu trú và thẻ lao động bên Thái Lan, 500 USD các loại phụ phí và 1.000 USD đặt cọc. Sang Thái Lan, NLĐ sẽ được đào tạo nghề, không phải trả tiền nhà ở, tiền điện, nước. Trước sức hấp dẫn của bản hợp đồng, nhiều nạn nhân đã dần sa vào lưới lừa đảo, tiền mất, bơ vơ nơi đất khách.

Thanh niên tìm hiểu cơ hội làm việc ở Nhật Bản trong Ngày hội việc làm diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM

Đi XKLĐ đem lại thu nhập cao, cải thiện cuộc sống gia đình, nhưng cũng có không ít NLĐ ngậm đắng nuốt cay vì bị công ty XKLĐ và cò mồi lừa đảo.

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Trợ lý giám đốc, phụ trách quản trị kinh doanh Công ty TNHH Esuhai (tại quận Tân Bình, TPHCM - một đơn vị chuyên đào tạo, đưa NLĐ đi làm việc thông qua chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản - cho biết, các tiêu chí tuyển dụng tại Công ty TNHH Esuhai rất minh bạch. Chẳng hạn, độ tuổi lao động từ 19 - 28 tuổi được xem là tuổi “vàng”, thường được các công ty tại Nhật Bản ưu tiên lựa chọn. Ngoài chiều cao trung bình cần có (nam 1,58m trở lên, nữ 1,52m trở lên), NLĐ phải đủ sức khỏe, không mắc các bệnh truyền nhiễm (viêm gan siêu vi B, HIV/AIDS), không cận thị… Trình độ học vấn tối thiểu phải tốt nghiệp trung học phổ thông. Thời gian đào tạo tiếng Nhật, học kiến thức, kỹ năng cơ bản cho tới khi xuất cảnh kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, học phí 6 triệu đồng/năm học. Tại đây, NLĐ được đào tạo bài bản về vốn tiếng Nhật, kỹ năng làm việc, tinh thần làm việc chăm chỉ, nhẫn nại… Nội dung học bao gồm nhập môn tiếng Nhật, tiếng Nhật thực tiễn, kiến thức cơ bản và ý thức người đi làm…

Trong quá trình học, các công ty tại Nhật Bản sẽ qua Việt Nam để phỏng vấn trực tiếp NLĐ. Nếu trúng tuyển, NLĐ sẽ đóng phí trọn gói (chi phí khám sức khỏe, xin visa…) cho chương trình thực tập sinh, thời hạn 1 năm là 1.400 USD, tương đương 29,4 triệu đồng; thời hạn đi 3 năm là 4.000 USD, tương đương 84 triệu đồng. Riêng vé máy bay một chiều Việt Nam - Nhật Bản sẽ được công ty tiếp nhận lao động trực tiếp chi trả. Đối chiếu các điều kiện của Công ty TNHH Esuhai, có thể thấy việc xét tuyển dụng XKLĐ của các công ty Nhật không dễ. 46 nạn nhân bị lừa trong vụ Công ty STO đã không tìm hiểu thông tin nên cả tin, dễ dàng mắc lừa.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, hiện nay thông tin tuyển dụng lao động chính thống từ các công ty, đối tác Nhật Bản tại Việt Nam đã khá rõ ràng. Vấn đề còn lại là ở NLĐ. Ngoài việc xác minh thông tin đơn vị giới thiệu, đào tạo thì NLĐ cần xác định tư tưởng làm việc (chăm chỉ, siêng năng); chấp nhận đổ mồ hôi, công sức để có thu nhập chính đáng.

Mạnh tay xử lý công ty lừa XKLĐ

Trao đổi với PV Báo SGGP về thực trạng một số công ty lừa XKLĐ, ông Tống Hoài Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay: Thời gian qua, đã có nhiều NLĐ không may bị lừa đảo. Các cơ quan chức năng cũng đã nỗ lực tuyên truyền, xử lý, nhưng đáng tiếc tình trạng này vẫn xảy ra. Trong năm 2014, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ra quyết định tạm dừng đối với hàng loạt công ty đưa NLĐ sang Đài Loan làm việc. Các lỗi vi phạm như thu phí quá cao, giữ lương, khấu trừ tiền ăn, ở của NLĐ... Nhiều công ty đã thu tới 5.000 - 7.000 USD/người, trong khi quy định chỉ được thu tối đa 3.300 USD/người đối với những NLĐ Việt Nam đi Đài Loan làm hộ lý, y tá tại các bệnh viện hoặc chăm sóc người già, người bệnh; tối đa 4.000 USD/người (trong đó chi phí môi giới không quá 1.500 USD/người) đối với các trường hợp NLĐ làm việc tại các nhà máy, lĩnh vực xây dựng… Theo số liệu chưa đầy đủ, có khoảng 100 công ty vi phạm bị tạm đình chỉ hoạt động thời hạn 1 tháng, đồng thời buộc bồi thường, khắc phục sai phạm.
Thông thường, một người đi XKLĐ sẽ phải nộp các khoản: phí làm hộ chiếu visa, phí khám sức khỏe, phí môi giới cho đối tác nước ngoài (nếu có), phí dịch vụ trả cho công ty XKLĐ Việt Nam. Theo quy định mỗi hợp đồng tương đương 1 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, tùy thuộc từng thị trường lao động và hợp đồng mà mức phí áp dụng có thể cao hay thấp. Cũng có những hợp đồng không mất đồng nào cả.

Ông Tống Hoài Nam khuyến cáo: “Để chủ động cung cấp thông tin cho NLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có danh sách của hơn 200 doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ và công khai cụ thể trên website. NLĐ có thể tham khảo, tìm hiểu về các chính sách, quy định mới có liên quan đến nhu cầu XKLĐ. Ngoài ra, NLĐ cũng có thể cập nhật thông tin tại các cơ quan phụ trách về lao động như các sở LĐTB-XH hoặc tại các quận - huyện... Trường hợp cần thiết, NLĐ có thể gọi điện trực tiếp về Cục Quản lý lao động ngoài nước thông qua đường dây nóng vào bất cứ lúc nào, chúng tôi cũng sẵn sàng trả lời, hỗ trợ”.

Theo www.sggp.org.vn

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này