scroll top
Thực tập sinh Nguyễn Ngọc Hoài Thương: “Tôi là người Việt Nam, năm nay 23 tuổi”
19/01/2015
4893
ESO - Thực tập sinh (TTS) Nguyễn Ngọc Hoài Thương, cựu học viên KaizenYoshidaSchool không chỉ được biết đến với thành tích “Giải Nhất” cuộc thi viết văn năm 2013 qua tác phẩm “Lời Thầy như suối nguồn” và “Giải Khuyến Khích” cuộc thi viết văn năm 2012 do công ty Esuhai - KaizenYoshidaSchool đồng tổ chức với tác phẩm “Tri ân Thầy Cô” mà còn xuất sắc đạt “Giải Ba” cuộc thi viết văn dành cho Thực tập sinh kỹ năng với tác phẩm “Cơ hội” do Tổ chức Hợp tác Tu nghiệp Quốc tế Nhật Bản (JITCO) tổ chức vào tháng 10/2014 tại Nhật Bản.

Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng trong công việc và cuộc sống, TTS Hoài Thương đã vinh dự được công ty tuyển dụng tại Nhật Bản tuyên dương trên tạp chí của công ty ở số 41 (xuất bản tháng 10/2014) với lời chúc mừng cùng hình ảnh, nội dung tác phẩm “Cơ hội” (bản viết tay) và lời chia sẻ của TTS Hoài Thương “Tôi thật sự vui sướng khi đoạt giải lần này với chủ đề về công ty mà tôi đang thực tập. Tương lai, để có thể tự hào mà nói rằng: Tôi đã từng là Thực tập sinh của công ty X - Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa!"


TTS Hoài Thương được công ty tuyên dương trên tạp chí công ty ở số 41 (xuất bản tháng 10/2014)

Hình ảnh TTS Hoài Thương tại Nhật Bản

Niềm vui của TTS Hoài Thương (thứ hai từ trái qua) trong ngày trao giải cuộc thi viết văn do tổ chức Hợp tác Tu nghiệp Quốc tế Nhật Bản tổ chức ngày  03.10.2014

Từ Nhật Bản, TTS Hoài Thương đã dành rất nhiều tình cảm cho công ty Esuhai - KaizenYoshidaSchool “Em luôn biết ơn Giám đốc - Hiệu trưởng Lê Long Sơn cùng các thầy cô giáo đã nhiệt tâm đào tạo em nói riêng và các bạn Thực tập sinh nói chung. Thầy cô không chỉ đã trang bị cho chúng em kiến thức để nhanh chóng thích ứng với công việc, cuộc sống tại Nhật mà còn giúp chúng em tự tin, bản lĩnh để luôn chủ động và không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

TTS Hoài Thương cũng chia sẻ cùng các bạn học viên trường KaizenYoshidaSchool “Cuộc sống ở Nhật sẽ luôn có những khó khăn mà bạn phải đối mặt. Các bạn cần phải luôn rèn luyện bản thân để có sức khoẻ tốt, tinh thần mạnh mẽ và ý chí bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, thách thức của công việc, cuộc sống nhằm đạt được mục tiêu cá nhân đã đặt ra. Nếu có thể, các bạn hãy làm những điều tốt đẹp, hãy luôn suy nghĩ một cách tích cực nhất, hãy luôn yêu bằng cả con tim - yêu điều Thiện (cái đẹp), gia đình, công việc, bạn bè và người ấy (nếu có). Sức mạnh từ những yêu thương trên cộng với niềm tin mãnh liệt và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chắc chắn các bạn sẽ có thời gian 03 năm trải nghiệm tuyệt vời rất đáng nhớ đồng thời luôn hạnh phúc, thành công trong công việc và cuộc sống!

Dưới đây, Esuhai - KaizenYoshidaSchool trân trọng giới thiệu đến quý độc giả các tác phẩm đoạt giải của Thực tập sinh Nguyễn Ngọc Hoài Thương.

LỜI THẦY NHƯ SUỐI NGUỒN

(Giải Nhất cuộc thi viết văn năm 2013 do công ty Esuhai và KaizenYoshidaSchool đồng tổ chức)

Đã gần tròn một năm tôi đặt chân vào trường Kaizen Yoshida School (15/10/2012), với tôi thời gian trôi nhanh như cái chớp mắt vậy. Khi tôi mở mắt ra thì tôi từ học viên của trường Kaizen trở thành thực tập sinh và hiện đang làm ở tỉnh Tochigi, Nhật Bản. Nhớ ngày đầu còn bỡ ngỡ bước vào trường, 23 tuổi đầu vẫn chưa tìm được mục tiêu sống và hướng đi đúng đắn cho bản thân. Rồi tôi đã được học thật nhiều từ ngôi trường đặc biệt này, ngoài việc học tiếng Nhật từ nhiều Thầy Cô để hỗ trợ cho ước mơ qua Nhật làm việc trở thành hiện thực, tôi còn được học nhiều kỹ năng làm việc trong những buổi học với cô Hoàng Yến. Bên cạnh việc giảng dạy những kỹ năng, cô còn tận tình chỉ bảo, dạy dỗ chúng tôi biết cư xử, khéo léo hơn trong cuộc sống, xây dựng các phương pháp học tập riêng, tập thói quen “nghiền” những điều tốt. Nhưng môn học đặc biệt mà tôi không thể quên được là môn học có tên gọi “Oden” của Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn.

Oden” là món ăn cổ truyền của Nhật Bản, thích hợp dùng trong thời tiết trời rét và là món ăn rất phổ biến tại đất nước mặt trời mọc. Món ăn chỉ có hai thành phần chính là nước dùng được nấu từ cá ngừ bào nhỏ và rong biển, còn thành phần phụ cho vào có thể là củ cải, trứng và konnyaku (thành phần đặc trưng của món), nguyên liệu có thể thay đổi theo từng vùng và theo người nấu, món ăn được nấu chín bằng cách ninh nhỏ lửa từ một đến hai giờ đồng hồ.

Nhân một cơ hội được chứng kiến cách nấu món “Oden” trong ngày giao lưu ẩm thực Việt - Nhật, tôi đã được cô Watanabe dạy cách nấu món “Oden”. Nguyên vật liệu nấu được lựa chọn khá kỹ càng, người nấu phải tìm hiểu kỹ khẩu vị của người ăn để nấu sao cho thích hợp, sau những nguyên liệu chính là những nguyên liệu phụ đã được người nấu tâm đắc lựa chọn để món ăn mang đặc trưng của riêng mình, người ăn một khi đã ăn thử thì khó có thể mà quên được. Trong thời gian chờ ninh chín món ăn, tôi lặng lẽ quan sát sự kiên nhẫn của người nấu khi chờ thành quả của mình, những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán làm ký ức trong tôi lại hiện về, dào dạt, mạnh mẽ như một cơn sóng lớn đập vào ghềnh thác làm nước văng tung tóe. Mỗi giọt nước văng lên là từng hình ảnh của Thầy lại hiện ra, mờ mờ ảo ảo rồi trở nên rõ rệt. Nếu tìm Thầy trong một nhóm người bạn sẽ dễ dàng nhận ra Thầy với vầng trán cao, đôi mắt sáng cương nghị, phong thái đĩnh đạc và bản lĩnh. Ở trường Kaizen chúng tôi, nếu bạn nhắc đến hai từ “Oden” thì tôi cam đoan hiện ra trong khối óc của mỗi người lúc ấy chính là hình ảnh của Thầy. Thầy là người đã dành sự trải nghiệm trong cuộc đời của chính bản thân mình để nấu món ăn tinh thần mà tôi nghĩ là phải may mắn lắm chúng tôi mới được nhận.


Thực tập sinh Nguyễn Ngọc Hoài Thương (bìa trái) vinh dự nhận Giải khuyến khích cuộc thi viết văn năm 2012 do Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn trao tặng

Nhớ ngày đầu tiên tôi được học môn “Oden” là ngày đầu bước vào trường - Ngày khai giảng, chỉ vọn vẹn 60 phút giảng dạy mà gần như là trò chuyện… Thầy đã làm những cái đầu với suy nghĩ còn cứng nhắc và nông cạn của chúng tôi như được thông suốt. Thầy như người đứng ngoài nhìn rõ và thấu hiểu tường tận những gì chúng tôi đã trải qua trong quá khứ mà tôi nghĩ chỉ gói gọn trong 3 từ là “SỰ THẤT BẠI”. Chúng tôi phải trả giá cho những tháng ngày trước đó sống không mục tiêu, hoặc là đã có nhưng lại sai hướng. Mặc dù dành hơn 15 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường trong những năm tháng của thời học sinh, sinh viên, hoặc có những anh chị đã lập gia đình nhưng đứng trước Thầy, chúng tôi như những đứa bé với gương mặt ngơ ngác và thoáng hiện chút gì đó gọi là mệt mỏi của sự thất bại. Lúc ấy, Thầy là vầng thái dương với nụ cười như tỏa nắng đã đến bên chúng tôi, nhẹ nhàng trò chuyện, phân tích, lý giải rồi hướng dẫn chúng tôi tìm mục tiêu, hướng sống cho bản thân, khao khát đem tài năng và sức trẻ cống hiến để gặt hái thành công cho bản thân, làm giàu cho gia đình, xã hội và đất nước.

Sau bài học quý giá trong thời gian ngắn ngủi nhưng lại có thể thấy được sự hoài vọng to lớn của Thầy gửi gắm vào thế hệ trẻ chúng tôi. Còn chúng tôi với mỗi hoài bão và ước mơ riêng đã sẵn sàng cho hành trình thay đổi bản thân với những hướng đi mới được xác định đúng đắn, rõ ràng và có thể trở thành bước nhảy vọt trong cuộc đời mỗi người. Thế là sau buổi học đầu, Thầy đã hoàn thành bước đầu trong phương pháp nấu món “Oden”, đó là tìm hiểu kỹ khẩu vị của người ăn là chúng tôi để có thể chế biến ra món ăn tinh thần thật thích hợp. Hai thành phần chính là kiến thức tiếng Nhật (cá ngừ bào nhỏ) cùng với kỹ năng sống và làm việc (rong biển), còn các thành phần phụ là văn hóa Nhật Bản, tác phong… (củ cải, trứng…). Còn “konnyaku” chính là những buổi học Thầy đã bỏ thời gian vô cùng bận rộn của mình để trực tiếp dạy chúng tôi, giáo án được đúc kết bằng sự trải nghiệm từ chính cuộc đời Thầy. Ngày thứ hai tôi được học “Oden” là ngày trước phỏng vấn một tuần, buổi học kéo dài từ 14h đến 22h. Hôm ấy, chúng tôi như được đốt cháy bằng ngọn lửa rừng rực những cố gắng, quyết tâm, hy vọng và đầy hoài bão mà Thầy truyền cho, 8 giờ đồng hồ như hối hả, dường như chạy đua theo bài học của Thầy mà tôi cảm thấy sao nhanh quá đỗi, Thầy chỉ vừa uống xong hai bình trà còn tôi chỉ kịp nghe những lời Thầy dạy như người khát trong sa mạc lâu ngày vừa tìm được nguồn nước trong, ngọt và mát. Cả tuần sau đó tôi cố gắng nhiều hơn cho việc chuẩn bị phỏng vấn, tôi cảm nhận rõ rệt hơn những hạnh phúc nhỏ nhoi từ sự quan tâm, động viên từ gia đình và bạn bè. Khi thấm một chút mệt, tôi ra bờ sông, công viên để tận hưởng những món quà tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng. Trước đây, tôi cũng đã nhìn những món quà ấy nhưng lại bằng đôi mắt của người chưa tìm ra hướng sống, chưa có ước mơ và rồi tôi lặng lẽ bước qua một cách vô cảm. Còn bây giờ tôi cảm thấy sao đời quá đẹp và phong cảnh cũng quá đẹp…, tôi đang sống chứ không còn là tồn tại trong cuộc đời này nữa. Được tưới mát từ suối nguồn là những lời chỉ bảo của Thầy, tôi như cây hoa bé nhỏ đang mạnh mẽ vươn lên, bông hoa đang khoe sắc rực rỡ và cánh hoa đang khẽ rung rinh trước gió với nụ cười rạng rỡ. Mọi thứ cứ hiện ra trước mắt rồi biến mất thật nhanh khiến tôi như muốn trải lòng mình để thả hồn cảm xúc miên man…

“Tôi muốn tắt nắng đi

 Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

     Cho hương đừng bay đi…

        Chẳng bao giờ, ôi ! Chẳng bao giờ nữa

        Mau đi thôi ! Mùa chưa ngả chiều hôm”

 “Vội Vàng” -  Xuân Diệu

Ngày tôi phỏng vấn có Thầy tham dự, tôi được đánh giá tốt, khi kết thúc phần trình bày của mình, tôi nhận được cử chỉ gật đầu nhẹ và nụ cười hài lòng của Thầy. “Em cám ơn Thầy” chính là điều tôi rất muốn thốt lên lúc này, nhưng lúc ấy tôi chỉ biết kiềm nén cảm xúc, từ từ ngồi xuống và khẽ cúi đầu che giấu niềm vui và sự hạnh phúc. Trong thời gian chờ kết quả, tôi được anh Hòa - người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình từ đầu quá trình phỏng vấn đến khi kết thúc, anh đã gọi tên và khen ngợi tôi trước 45 thí sinh ứng cử, tôi chưa trúng tuyển nhưng đã nhận được sự chúc mừng từ mọi người, tôi mỉm cười cám ơn tất cả và trong lòng tôi thì đầy ắp suy nghĩ: “Đó chính là nhờ Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn! Thật sự tôi rất biết ơn Thầy và tất cả mọi người, dù kết quả phỏng vấn có như thế nào thì cũng không còn quan trọng nữa, những điều tôi nhận được từ ngôi trường này đã vô cùng to lớn rồi!

Những ngày sau trúng tuyển, tôi được học “Oden” với Thầy thêm bốn buổi nữa, thời gian mỗi buổi không giống nhau. Môn “Oden” là môn duy nhất trong trường không có thời gian cố định, thời gian học tùy thuộc vào sự cố gắng sắp xếp trong lịch trình dày đặc của Thầy. Thầy rất bận, tôi biết điều đó và càng trân trọng hơn nhưng buổi học quý giá như thế này. Khi học, tôi lắng nghe chăm chú, ghi chép kỹ càng, mỗi lần nhìn Thầy là đôi mắt tôi lại rực lên ngọn lửa nhiệt huyết. Trong cả 100 học viên đang ngồi nghe Thầy giảng, tôi mờ nhạt và chẳng có gì đặc biệt, ấy vậy mà có lần Thầy đã nhận ra tôi và có một lần tôi được Thầy khen trước lớp: “Đôi mắt của em có lửa, đôi mắt của sự cố gắng! Mỗi chúng ta nghĩ gì, làm gì đều thể hiện qua đôi mắt. Sự cố gắng của em như thế nào, Thầy nhìn thấy được và có thể cảm nhận!”. Khỏi phải nói cũng biết tâm trạng tôi như thế nào, ở tầng mây thứ mấy tôi cũng chẳng rõ. Vì thế, tôi biết cho dù là một trong số hàng trăm học viên của Thầy nhưng nếu có sự thay đổi dù chỉ là một chút thôi cũng sẽ được Thầy nhận ra ngay. Từ đó, sau mỗi giờ học “Oden”, tôi viết bài cảm nhận bằng sự biết ơn và thấm nhuần những kinh nghiệm rút ra cho bản thân từ bài học của Thầy. Thầy vẫn rất bận và Thầy có đọc hay không thì với tôi như vậy cũng đã đủ, tôi tin rồi lúc nào đó Thầy cũng sẽ đọc và hiểu tấm lòng luôn luôn cảm tạ của tôi. Sự cảm tạ dành cho việc kiên nhẫn chờ đợi món ăn tinh thần chín tới… Tôi biết đằng sau mỗi bài giảng là những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán của Thầy. Sự tâm huyết và luôn kỳ vọng của Thầy vào thế hệ trẻ chúng tôi - những người làm chủ đất nước trong tương lai. Sự cao cả ấy nếu không được đền đáp xứng đáng thì chẳng phải là đáng tiếc lắm sao ?!

Vậy là với hành trang gói ghém từ những bài học của Thầy, tôi sang Nhật làm việc với tư cách là một thực tập sinh, công việc lẫn cuộc sống của tôi đều rất tốt, vì thế tôi cảm thấy mình may mắn và càng ra sức cố gắng hơn. Tôi học được rất nhiều điều tốt và tuyệt vời từ người Nhật, tôi luôn ghi chép lại những điều được nghe và nhìn thấy, bên cạnh đó tôi cũng cố gắng nhất có thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công việc. Có phút giây mệt mỏi nào đó, tôi lại mang những bài cảm nhận ra đọc và xem đó là kim chỉ nam trong cuộc sống của mình, tôi thấy yêu đời trở lại rồi dành một chút thời gian cho việc nghỉ ngơi và tôi lại tiếp tục cố gắng.

Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, tôi ngồi nơi đây, tại đất nước Nhật Bản xa xôi viết những dòng Tri Ân trên để gửi lời cám ơn sâu sắc đến người Thầy tôi luôn yêu mến và kính trọng. Kính chúc Thầy luôn có sức khỏe thật tốt để tiếp tục sự nghiệp đáng trân trọng này! Tôi tin Thầy sẽ gặt hái thêm nhiều thành công hơn nữa, thành công ấy chính là những thế hệ trẻ luôn đổi mới theo hướng tích cực, đem sức trẻ và tài năng cống hiến cho xã hội và đất nước. Ngoài ra, tôi xin gởi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả Quý Thầy Cô đang theo đuổi sự nghiệp trồng người cao quý trên đất nước Việt Nam nói chung và Quý Thầy Cô Kaizen Yoshida School nói riêng.

Thực tập sinh Nguyễn Ngọc Hoài Thương

 

CƠ HỘI

(Giải Ba cuộc thi viết văn năm 2014 dành cho Thực tập sinh kỹ năng do Tổ chức Hợp tác Tu nghiệp Quốc tế Nhật Bản tổ chức)

 

Tôi thực sự đã nỗ lực rất nhiều để đến Nhật với tư cách Thực tập sinh. Với mong muốn thực hiện những hoài bão lớn ấp ủ trong lòng, ngày 02/09/2013 tôi đã đặt chân tới Nhật cùng 13 bạn đồng hành khác. Trên chặng đường từ sân bay Narita đến thành phố Kanuma, từ trong xe buýt tôi nhìn ra bên ngoài và rất bất ngờ với những ấn tượng đầu tiên về Nhật Bản. Không khí nơi đây trong lành, không ồn ào mặc dù người và xe cộ đông đúc, đặc biệt là đường xá sạch sẽ, ngay cả trên vỉa hè cũng không hề có một vụn rác.

Sau một tháng học tập tại hiệp hội, tôi đã chính thức nhận việc tại công ty chuyên sản xuất dụng cụ nha khoa. Ngày đầu, chúng tôi được cấp trên hướng dẫn về sản phẩm và tình hình chung của công ty rồi được dẫn đi tham quan tất cả các bộ phận. Tôi nhận thấy ý thức làm việc của người Nhật thật đáng khâm phục, toàn bộ nhân viên trong công ty đều làm việc cần mẫn và chăm chỉ, ai ai cũng mang trong mình ước mơ làm sao để công ty có thể phát triển hơn nữa, vươn cao, vươn xa đến vị trí số một trên thế giới. Khi gặp chúng tôi - những Thực tập sinh vừa mới xa quê hương và còn nhiều bỡ ngỡ, mọi người trong công ty đã hoan nghênh, chào đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện khiến chúng tôi cảm thấy an lòng và trái tim dường như được sưởi ấm.

Khi có mặt tại bộ phận mà tôi sẽ đảm nhận công việc, khẽ chạm nhẹ vào những sản phẩm kim loại nhỏ làm cho các đầu ngón tay tôi lành lạnh, sự xúc động nhất thời chạy dọc cơ thể, sự hứng khởi trào dâng trong tôi. Không tưởng tượng được rằng là sẽ có ngày trở thành nhân viên của công ty tuyệt vời như thế này, vì thế tôi hân hoan thì thầm nho nhỏ: "Đây là sản phẩm của tôi, mỗi ngày tôi sẽ cố gắng làm tốt chúng. Kia là máy móc của tôi, mỗi ngày sẽ thực hiện 5S nào". Ngoài những mục tiêu vừa đặt ra cho công việc, thời gian sau này tôi còn học kỹ năng làm việc lẫn ngôn ngữ của người Nhật. Nhưng quan trọng nhất vẫn là cách chào hỏi, ở Việt Nam cách chào hỏi đều giống nhau cho dù là sáng - trưa - tối nhưng ở Nhật Bản lại phân biệt rõ và khác nhau hoàn toàn. Như đặt cả tấm lòng vào lời chào, giọng nói luôn to khoẻ, khuôn mặt luôn tươi cười rạng rỡ.

Trong công việc, tôi học được nhiều điều bổ ích mà trước nay chưa từng áp dụng, ví dụ như khi nhận được sự hướng dẫn phải ghi chú vào sổ tay, có điều không hiểu hoặc chưa rõ thì phải xác nhận lại chắc chắn với cấp trên rồi mới làm, tuyệt đối không được tự ý phán đoán rồi làm theo quyết định của bản thân. Mặc dù vậy, nhưng tôi vẫn để xảy ra hàng lỗi. Nếu nhận sự khiển trách từ cấp trên thì cũng là chuyện đương nhiên nhưng ngược lại, tôi đã nhận được sự động viên rất ân cần: "Đã là con người thì hầu hết đều có khuyết điểm, chuyện sai sót cũng không thể tránh khỏi nên đừng tự trách bản thân, chỉ cần lần sau cố gắng hơn nữa và đừng lặp lại những lỗi đã phạm". Lúc đó, tôi thật sự cảm kích và đã tự đặt ra quyết tâm là không được để xảy ra hàng lỗi. Cấp trên của tôi quả là một người đáng ngưỡng mộ, không những có chuyên môn cao mà còn có tấm lòng nhân ái.

Tôi với những người đồng nghiệp khác cũng có mối quan hệ khá tốt. Chúng tôi cùng hỗ trợ nhau hoàn thành công việc theo đúng kế hoạch đã được đề ra, sự liên kết giữa chúng tôi được dựa trên niềm tin, sự tôn trọng và tình yêu thương như những thành viên trong gia đình. Ngay cả lúc mệt, nữ đồng nghiệp là người Nhật lớn tuổi đã ôm tôi vào lòng như người mẹ, nhẹ nhàng mà nói: "Bé Thương, con có mệt không, cố lên con nhé!". Với tôi, khoảnh khắc ấy là những tia nắng mang màu yêu thương khẽ khàng nhảy nhót.

Nhận được cơ hội vào công ty này, với tôi là điều hết sức may mắn. Để có thể tự hào giới thiệu về bản thân rằng: "Tôi đã từng là thực tập sinh của công ty X. Tôi đã có 3 năm trải nghiệm, học tập và làm việc thật tuyệt vời". Thời gian 2 năm còn lại, tôi sẽ trân trọng và không lãng phí, luôn dặn lòng sẽ cố gắng nhiều hơn nữa. Ngoài ra, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi vẫn luôn tri ân đến tất cả bằng cách độc thoại: "Ngày hôm nay đã kết thúc, cám ơn tất cả mọi người, mong chờ ngày mai tươi sáng.”

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới