scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Giám đốc LÊ LONG SƠN trong chuyên mục “NGƯỜI VÀ NGHỀ” - Báo NGƯỜI LAO ĐỘNG
13/10/2014
1875

 

Vun bồi trí thức Việt

 

Đối với Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty Esuhai, việc đưa người lao động sang Nhật Bản là con đường hiệu quả nhất để nâng cao nguồn nhân lực trong nước.

Từ khi được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (năm 2008), Công ty Esuhai chỉ mới tham gia vào lĩnh vực này tròn 6 năm. Nhưng trong chừng ấy năm, Esuhai đã xác lập được quan hệ với hơn 50 hiệp hội, nghiệp đoàn và 300 doanh nghiệp (DN) của Nhật Bản. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB - XH, nhìn nhận ít có (DN) nào làm xuất khẩu lao động (XKLĐ) tốt và bài bản như Công ty Esuhai của giám đốc Lê Long Sơn.

Tìm hướng đi mới

Anh Lê Long Sơn nói chuyện với tu nghiệp sinh trúng tuyển sang Nhật

Đưa TNS sang Nhật là XKLĐ, tôi không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận. Mong muốn của tôi là giúp các bạn trẻ dám mơ ước, dám suy nghĩ và dám hành động, luôn sống có mục tiêu và nỗ lực rèn luyện để tiến thân, làm giàu cho mình, cho đất nước” - anh Lê Long Sơn thổ lộ.

Năm 1995, sau khi lấy bằng kỹ sư cơ khí của Trường ĐH Bách khoa TP HCM, anh Sơn sang Nhật du học với dự định sau này trở về cùng người anh mở xưởng đúc khuôn mẫu. Tuy nhiên, kể từ khi đặt chân đến Nhật, choáng ngợp trước sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp phụ trợ nước này, anh đã thay đổi ý định.

Ở Nhật đi đâu cũng thấy sản xuất, nhà nhà sản xuất. Việt Nam muốn phát triển nền công nghiệp phụ trợ thì phải làm như Nhật, phải có nguồn lực con người. Đó là lý do tôi quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa giới trẻ sang Nhật học hỏi cách làm, tiếp cận công nghệ mới để trở về phục vụ sản xuất trong nước” - anh bộc bạch.

Xuất phát từ ý tưởng ấy, sau khi lấy bằng thạc sĩ Khoa Nghiên cứu công nghệ ngành cơ khí Trường ĐH Tokyo Noko năm 2000, anh Sơn ở lại Nhật và xin vào làm nhân viên một nghiệp đoàn tiếp nhận tu nghiệp sinh (TNS), sau đó làm tư vấn cho Tổ chức Phát triển Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ thuộc Bộ Kinh tế - Công nghiệp Nhật Bản. Thời gian làm việc tại Nhật Bản đã giúp anh xác lập quan hệ với các đối tác đáng tin cậy.

Năm 2011, khi về nước, anh Sơn tìm đến Công ty Tracimexco xin hợp tác đào tạo TNS cung ứng cho thị trường Nhật. Bốn năm sau, anh chính thức thành lập Công ty TNHH ANVINA (đóng tại 40/12 - 40/14 Ấp Bắc, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM; tiền thân của Esuhai) và một năm sau mở trường Nhật ngữ Kaizen TP.HCM. Nhờ chọn hướng đi đúng và tạo được uy tín trong cộng đồng DN Nhật Bản, năm 2011, Công ty Esuhai được Cơ quan Hợp tác Quốc tế JICA (Nhật Bản) ký kết hiệp định vay vốn đầu tư ưu đãi để triển khai dự án xây dựng Trung tâm Đào tạo và Phát triển nhân lực kỹ thuật Việt - Nhật. Bộ LĐ-TB-XH, Hiệp hội XKLĐ Việt Nam đánh giá Esuhai là một trong những DN khai thác thành công nhất thị trường Nhật Bản ở chương trình TNS.

Nhìn xa trông rộng

Việt Nam hợp tác lao động với Nhật Bản từ những năm 1990, thông qua chương trình TNS do Cơ quan Hợp tác Lao động Quốc tế JITCO quản lý. Mục tiêu của chương trình là nhằm giúp TNS Việt Nam tiếp thu công nghệ hiện đại, nâng cao tay nghề trở về phục vụ lại sản xuất trong nước. Dù vậy, từ trước đến nay, nhiều DN chỉ xem việc đưa TNS sang Nhật là để giải quyết việc làm, còn khâu hậu XKLĐ và tái bố trí việc làm thì lại bỏ quên. “Chọn mô hình khép kín, tôi mong muốn phá vỡ cách làm cũ trong XKLĐ, như thế mới có thể hỗ trợ TTS có việc làm ổn định sau thời gian làm việc ở Nhật” - anh Sơn cho biết.

Theo mô hình khép kín, cùng với việc tranh thủ nguồn viện trợ từ JICA, từ năm 2012, Công ty Esuhai tổ chức các chương trình đào tạo quản lý danh cho TNS ở Nhật trở về; đồng thời lập trang web: VieclamJapan.com, tổ chức giới thiệu việc làm, cung ứng TNS cho các nhà máy, xí nghiệp. Nhờ vậy, những năm qua, hầu hết trong số hơn 3.000 TNS của Công ty Esuhai sang Nhật trở về được tái bố trí việc làm, nắm giữ các vị trí quản lý chủ chốt trong nhà máy, xí nghiệp.

Anh Nguyễn Quang Phúc, Trưởng bộ phận sản xuất khuôn mẫu của Công ty Cam Plas Mould Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, KCN Amata - Đồng Nai), là một trong số đó. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khóa TP HCM, anh sang Nhật theo chương trình TTS. Ba năm làm việc ở Nhật đã giúp Phúc nâng cao kiến thức và rèn giũa kỹ năng nghề nghiệp. “Anh Sơn thuyết phục tôi bằng sự tận tình và tinh thần trách nhiệm với thế hệ đàn em, nhờ vậy tôi có được thành công như ngày hôm nay” - anh Phúc tâm sự.

Hiện nay, hơn 1.200 lao động đang tham gia các khóa đào tạo của Esuhai. Đây là nguồn lao động dự trữ cho thị trường Nhật mà không phải DN XKLĐ nào cũng có được. Điều đáng nói là để sở hữu số lao động này, Công ty Esuhai không liên kết tuyển dụng qua trung gian như một số DN thường làm. Người lao động tự tìm đến Công ty Esuhai nhờ uy tín, cách gầy dựng niềm tin của ông chủ DN này. Đó cũng là lý do giới XKLĐ đánh giá cao năng lực và tầm nhìn của anh Sơn. “Đó là vị giám đốc dám nghĩ dám làm, biết cách vun bồi tri thức Việt” - ông Vũ Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm XKLĐ Tracimexco, nhận xét.

Theo báo Người lao động

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này