scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Phải tự chọn cho mình cơ hội
01/03/2014
1007
Nằm trong chuỗi hoạt động chương trình “Tiếp sức người lao động”, sáng 27-2 Yes Center phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo “Cầu nối việc làm cho sinh viên mới ra trường”.

Các chuyên gia, nhà tuyển dụng đã tư vấn, giải đáp thắc mắc và hướng dẫn sinh viên tìm kiếm cơ hội cho tương lai.

Phải biết hoạch định tương lai

Hội thảo ngay từ phút đầu đã sôi động khi chuyên gia Trần Anh Tuấn (phó giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP.HCM) đi thẳng vào câu hỏi của các sinh viên “Học ngành gì để dễ xin việc và xã hội đang cần nhiều?”...

“Hỏi câu này chứng tỏ các bạn yếu và thiếu kỹ năng, chưa biết hướng nghiệp cho bản thân. Bất cứ ngành nghề gì đã học là có việc làm, có nhu cầu. Điều quan trọng là các bạn học như thế nào, học cho ra học chứ không phải học để lấy bằng” - ông Tuấn thẳng thắn.

Cũng theo ông Tuấn, nhiều bạn sinh viên đang học hay vừa tốt nghiệp rất thụ động. “Phải biết tự mở rộng cơ hội việc làm cho mình, không cứ chăm chăm vào các tập đoàn lớn mà còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không cứ ở lại các thành phố lớn mà còn các tỉnh lẻ, ở đâu cũng có cơ hội việc làm” - ông nói.

Sinh viên cũng băn khoăn: các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn, khi tuyển dụng đều yêu cầu có kinh nghiệm làm việc, sinh viên như chúng tôi làm sao đáp ứng được đòi hỏi này?

Ông Nguyễn Minh Hoàng (giám đốc bộ phận nội vụ Tập đoàn Hoa Sen) trấn an: “Đó chỉ là một trong những ưu tiên khi phỏng vấn tuyển dụng. Với Hoa Sen chúng tôi, khi tuyển dụng đều chia làm hai nhóm: có kinh nghiệm và chưa có để đánh giá tiêu chí. Cái chúng tôi đặt nặng là thái độ, tất nhiên kiến thức học cũng là nền tảng cơ bản”.

Còn đại diện Công ty Triumph đưa ra thông tin mới: chúng tôi thích tuyển sinh viên mới ra trường hơn vì dễ đào tạo lại theo nhu cầu của công ty so với những người đã có kinh nghiệm.

Hầu hết chuyên gia đều nhận định sinh viên Việt Nam mới ra trường hay đang ngồi trên ghế giảng đường đều thiếu và yếu kỹ năng.

Con số này theo chuyên gia Trần Anh Tuấn là chiếm tới 70% sinh viên ra trường. Còn các nhà tuyển dụng cho rằng vấn đề lớn hơn nữa là sinh viên chưa biết hoạch định và hướng nghiệp cho bản thân.

Ông Lê Long Sơn, giám đốc Công ty XKLĐ Esuhai, chia sẻ ở Nhật, hầu như các sinh viên đang học năm thứ ba đều ôm hồ sơ đi gõ cửa các công ty, tìm hiểu và đề nghị xem họ có muốn nhận mình vào làm sau khi tốt nghiệp hay không.

Khi công ty đồng ý, họ chấp nhận thử thách trong vòng một năm, đến năm thứ tư hầu hết đều nhận được giấy chứng nhận của công ty sẽ nhận họ vào làm khi tốt nghiệp.

Chuộng sinh viên mới ra trường

Nhóm câu hỏi về bằng cấp và vấn đề lương bổng cũng được sinh viên hỏi nhiều. Có bạn cho rằng bằng cấp luôn là vấn đề doanh nghiệp quan tâm hàng đầu khi tuyển dụng.

Ông Lê Thanh Hùng thẳng thắn: “Quan trọng là bản thân bạn có gì với tấm bằng đó, đây mới là cái doanh nghiệp cần ở các bạn”.

Nhóm câu hỏi về lương, các sinh viên băn khoăn có nên đề xuất mức lương cụ thể trong phỏng vấn hay ghi hồ sơ không.

Ông Lê Long Sơn (Công ty Esuhai) chia sẻ: nên ghi mức lương cụ thể, vì như thế doanh nghiệp nhận định các bạn đã biết đánh giá bản thân. Không nên ghi mức lương thỏa thuận, vì như thế khác nào trả giá với nhau.

Nhiều chuyên gia khác cho biết thêm ít doanh nghiệp yêu cầu đề xuất mức lương, trừ những người quá giỏi và doanh nghiệp cần thì họ mới yêu cầu đề xuất.

Ngay trong hội thảo, bà Phạm Thị Quyên đã mời ngay một bạn sinh viên nộp hồ sơ phỏng vấn vào Tập đoàn VNG của mình khi bạn đặt câu hỏi: “Em học về CNTT nhưng muốn làm quản trị nhân sự, như vậy có trái ngành không?”. Sau khi mời bạn sinh viên này nộp hồ sơ, bà Quyên cho biết thêm CNTT ảnh hưởng tới tất cả các công việc của bất cứ ai đang làm ở vị trí nào, quản trị nhân sự cũng vậy.

Để kết thúc hội thảo, hầu hết nhà tuyển dụng tham dự hội thảo đều đưa ra các nhu cầu tuyển dụng của mình và đề nghị sinh viên nộp hồ sơ. Cả chuyên gia và nhà tuyển dụng đều cho sinh viên biết cơ hội việc làm rất nhiều, vấn đề cốt yếu là các bạn có nắm bắt được các cơ hội ấy hay không.

Như lời ông Nguyễn Tri Quang, giám đốc YES Center, phải biết nắm bắt cơ hội việc làm bằng cách chủ động tham gia thị trường lao động vốn đang rất sôi động. Ông Quang cũng cung cấp thêm “khảo sát trong quý 1-2014, nhu cầu tuyển dụng sinh viên mới ra trường tăng 40% so với năm 2013”.

5.000 lượt bạn trẻ đến giao dịch

Trong hai ngày ra quân “Tiếp sức người lao động” và chuỗi sàn giao dịch việc làm (26 và 27-2) do Yes Center và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, đã có trên 5.000 lượt người lao động đến tham quan, giao dịch việc làm tại “Sàn giao dịch việc làm và hướng nghiệp tuyển sinh” - năm 2014 và các văn phòng (văn phòng 4A Phạm Ngọc Thạch, Q.1; văn phòng bến xe miền Đông, miền Tây, bến xe An Sương và bến xe Ngã Tư Ga).

Trong đó khoảng 3.000 lượt người lao động được tư vấn việc làm, nghề nghiệp. Trên 1.200 người đăng ký tìm việc và được giới thiệu đến doanh nghiệp phỏng vấn, trong đó lao động có việc làm hoặc chờ thông báo kết quả chiếm tỉ lệ 20%.

Theo Báo Tuổi Trẻ

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này