scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản
15/03/2013
664
Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) hai nước Việt Nam - Nhật Bản tại Hội thảo xúc tiến đầu tư với chủ đề: “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn DN Nhật Bản”, diễn ra tại TP.HCM hôm qua (14/3).

Các đại biểu dự Hội thảo đồng thuận rằng, chỉ có thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển giao công nghệ đi kèm kỹ năng mới là yếu tố thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh. Quốc gia, khu vực, các thành phố và địa phương cả nước cần có chính sách tốt, minh bạch, hệ thống kết cấu hạ tầng tốt… thì mới có thể thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại.

IMG

Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là địa chỉ mà doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tiên trong danh sách những quốc gia mong muốn đầu tư của họ. Đặc biệt, ngày càng có nhiều DN vừa và nhỏ của Nhật Bản muốn tham gia đầu tư các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM cho biết thêm, Nhật Bản rất kỳ vọng vào kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng như điện lực, đường sá, cảng biển… của Việt Nam; vào việc Chính phủ Việt Nam thực thi mạnh mẽ kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng tận dụng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, tập trung chủ yếu qua việc triển khai mô hình đầu tư đối tác công - tư (PPP). Những chuyển biến mới này sẽ tạo ra một “cú hích” to lớn và được các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản khá quan tâm, theo dõi và mong muốn được tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, một số ý kiến tại Hội thảo cho rằng, Việt Nam vẫn tồn tại một số “điểm nghẽn” trong chính sách đầu tư, môi trường đầu tư chưa thực sự thông thoáng đã và đang làm giảm “nhiệt huyết” của nhà đầu tư nước ngoài. Một số chính sách, cơ chế ưu đãi nhà đầu tư như xin cấp phép dự án đầu tư vẫn chưa được tập trung cải thiện.

Để tăng cường thu hút đầu tư, Việt Nam cần những cơ chế, chính sách mới thông thoáng và tạo độ ổn định cho DN hoạt động; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ bản như cung cấp đủ điện, hệ thống vận chuyển hàng hóa, chính sách thông quan… nhằm hạn chế những thiệt hại về thời gian và tiền bạc cho nhà đầu tư. Để phát triển kinh tế theo kế hoạch đã đề ra, Việt Nam cần thể hiện mạnh mẽ, đưa ra thông điệp rõ ràng để thúc đẩy và mời gọi DN đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp. Cơ chế hỗ trợ công nghiệp hóa đến năm 2020 mà hai nước Việt - Nhật đang thực hiện được kỳ vọng sẽ góp phần giúp DN Nhật Bản hoạt động bền vững tại Việt Nam.

Theo Báo Đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này