scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Nhiều cơ hội hợp tác giữa DN Việt Nam và Nhật Bản
16/03/2013
797
Ngày 14-3, tại TP.HCM, Báo Tuổi trẻ phối hợp với báo Mainichi (Nhật Bản) tổ chức hội thảo Xúc tiến hợp tác đầu tư “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp (DN) Nhật Bản".

DN Việt Nam- Nhật Bản trao đổi thông tin tìm kiếm cơ hội hợp tác tại triển lãm trong khuôn khổ hội thảo ngày 14-3.

Dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam

Từ nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng các DN đến đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, thị trường Việt Nam không chỉ hấp dẫn các DN Nhật Bản đầu tư vào sản xuất mà trong lĩnh vực thương mại dịch vụ hạ tầng cũng đang được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Chỉ riêng trong năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt trên 25 tỉ USD và Nhật Bản tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Về đầu tư, tính đến cuối năm 2012, Nhật Bản đã đứng thứ nhất về đầu tư vào Việt Nam với hơn 1.800 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí 29 tỉ USD.

Đặc biệt, thị trường Việt Nam càng trở nên hấp dẫn và gần gũi hơn  với các DN Nhật Bản khi năm 2013 được lãnh đạo hai nước chọn là năm hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản, kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước với rất nhiều hoạt động giao lưu về văn  hóa, kinh tế…

Theo ông Nguyễn Trung Dũng- Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn và có nhiều tiềm năng đối với các DN Việt Nam. Bên cạnh đó Nhật Bản cũng là bạn hàng hàng đầu của Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản luôn duy trì được mức tăng trưởng ổn định và cân bằng với mức tăng trung bình khoảng 18%/năm.

Đặc biệt, trong quan hệ thương mại hai nước trong những năm qua gần như không xẩy các vụ kiện chống bán phá giá, tranh chấp thương mại. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam được các  khách hàng Nhật Bản ưa chuộng như các sản phẩm nông lâm, thủy sản, dệt may, đồ gỗ, gốm sứ, hàng thủ công mỹ nghệ. Việt Nam cũng NK từ Nhật Bản nhiều mặt hàng máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu.

Mặc dù vậy kim ngạch xuất nhập khẩu  giữa Việt Nam và Nhật Bản còn quá nhỏ bé. Tính đến cuối năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản mới chỉ chiếm 1,7% thị phần nhập khẩu của Nhật Bản với hàm lượng chất xám thấp.

Lĩnh vực hạ tầng của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.

Cơ hội và thách thức

Theo ông Dũng, với lộ trình giảm thuế theo cam kết tại các Hiệp định thương mại giữa hai nước, trong thời gian tới, các DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội gia tăng thị phần vào thị trường Nhật Bản, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm, thủy hải sản. Dự báo năm  2013, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam vào thị trường Nhật Bản sẽ tăng 16% so với năm 2012 với khoảng 29 tỉ USD trong đó kim ngạch xuất khẩu khoảng 15 tỉ USD tăng 20%.

Tuy nhiên để có thể chiếm lĩnh thị trường khó tính này các DN Việt Nam cũng phải vượt qua những rào cản kĩ thuật rất khắt khe và phải đáp ứng được các đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa cũng như các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhận định về cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam của các DN Nhật Bản, ông Nakazima Kazuo, đại diện Công ty Kết nối châu Á Brain Works Group cho rằng, Hiện tại có tới  99,3% DN Nhật Bản là DN vừa và nhỏ.  Với những đặc điểm tương đồng về địa lí, dân số và văn  hóa, thị trường Việt Nam còn rất nhiều cơ hội cho các DN Nhật Bản.

Hiện đã có nhiều DN vừa và nhỏ của Nhật đang tiến vào khai thác thị trường Việt Nam trên các lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Trong tương lai cùng với sự tham gia của AEON, tập đoàn siêu thị lớn của Nhật vào thị trường Việt Nam, các DN trong các lĩnh vực gia công, y tế, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp... của Nhật Bản cũng sẽ hướng về Việt Nam như một điểm đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên để có thể gia tăng cơ hội hợp tác, DN hai nước cũng phải khắc phục được những điểm chưa  tương đồng về cấp độ dịch vụ, phong cách cư xử, tập quán sinh hoạt trình độ quản lí…

Theo kinh nghiệm của ông Trần Kim Chung, Chủ tịch CT Group, muốn thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, các DN Việt Nam cần phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa trong đó có nhiều yêu cầu phải được can thiệp từ khâu sản xuất. Do vậy, để có thể khai thác được thị trường này các DN nên tìm đến sự giúp đỡ từ các công ty tư vấn của Nhật. Bên cạnh đó các DN cũng cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi làm việc với các đối tác Nhật Bản.

Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Trung Dũng cho rằng, tuy hiện tại đã có rất nhiều điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lí cho các DN xuất khẩu của Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Nhật Bản nhưng Nhật Bản là một thị trường rất khó tính. Do vậy, các DN nên tăng cường liên doanh, liên kết với các DN Nhật Bản thông qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đáp ứng được yêu cầu hàng hóa của thị trường Nhật Bản các DN sẽ có thêm nhiều cơ hội tại các thị trường khác trên thế giới.

Theo báo Hải Quan

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này