scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện > Hoạt động nhân sự
ÁP LỰC Ở NƠI LÀM VIỆC MỚI TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC ĐỂ QUAY VỀ CÔNG TY CŨ?
24/08/2022
1024
Thật không dễ dàng để khẳng định đâu là môi trường làm việc tốt nhất dành cho bạn. Dù hàng năm, các tổ chức uy tín đã có những tiêu chí rất cụ thể để người lao động bình chọn một cách công bằng và minh bạch; nhưng cũng không ai dám khẳng định rằng bản thân sẽ hạnh phúc nhất khi được làm việc ở những công ty top đầu danh sách.

Vì sự phù hợp đến từ nhiều yếu tố, vẫn là hình ảnh ví von muôn đời “chọn việc như chọn vợ”. Bên cạnh một người vợ xinh đẹp tài giỏi chưa chắc đã hạnh phúc bằng sống bên cạnh một người vợ đảm đang và thấu hiểu. Cũng vì thế mà những thương hiệu danh tiếng vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có nguồn nhân sự đáp ứng được nhu cầu.

Hi vọng rằng trên con đường sự nghiệp của mình bạn không phải đứng trước suy nghĩ tiếp tục tìm một bến đỗ mới hay quay về nơi cũ như tiêu đề của bài viết. Để làm được điều này, lúc quyết định gửi cho Phòng Nhân sự “đơn thôi việc” hãy nghĩ xem những lý do dẫn đến quyết định này có thật sự đáng hay không?

  • Bạn không hài lòng về chế độ?
  • Bạn bất mãn vì môi trường?
  • Bạn không cùng chí hướng với đường lối lãnh đạo mới?
  • Bạn không còn cơ hội để thăng tiến?
  • Bạn nhận được lời mời hấp dẫn như “cơ hội ngàn năm có một”?
  • ...

Nếu công ty vẫn còn muốn giữ bạn, thì muôn đời dù bạn ra đi với lý do nào cũng không được lòng người ở lại. Chúng ta vẫn thường học cách làm thế nào để hội nhập và xây dựng thành công mối quan hệ với đồng nghiệp mà quên đi rằng điều này không khó bằng việc giữ ấn tượng tốt đẹp và "sợi dây" kết nối với cấp trên và đồng nghiệp sau khi rời đi. Cuộc sống thật khó nói trước được điều gì, có những cuộc chia tay không hẳn là mãi mãi. Do đó, dù quyết định nghỉ việc vì lý do gì đi chăng nữa, đừng tự mình đóng lại một cánh cửa “thoát hiểm”.

Quay trở lại nội dung chính của câu hỏi "liệu có nên quay về hay không?" Nếu bạn định từ bỏ hãy nghĩ đến lý do vì sao bạn lại bắt đầu. Sự quen thuộc của môi trường bạn từng gắn bó đã từng không đủ sức thuyết phục để bạn ở lại, dù không dễ dàng có được nhưng bạn vẫn quyết định từ bỏ. Vậy thì không có một cơ hội nào không gắn liền với thử thách, đừng vội từ bỏ nếu bạn vẫn chưa cố gắng hết sức.

Một lời khuyên thật lòng dành cho bạn, nếu cố gắng được hãy cố gắng. Nếu không cố gắng được hãy tìm đến một sự lựa chọn mới (nếu bạn vừa nghỉ việc công ty cũ không lâu thì đừng quay về). Quay về môi trường cũ không phải là điều đáng xấu hổ, nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ gặp không ít trở ngại về mặt tâm lý?

  • Đồng nghiệp nhìn bạn như một người thất bại
  • Sếp cũ tự mãn về sự bao dung họ dành cho bạn
  • Một “vết sẹo” lớn ngày bạn “dứt áo ra đi” rất khó phai mờ.

Theo ý kiến cá nhân, các bạn nên quay về công ty cũ khi bạn thành công hơn, “rực rỡ” hơn gấp nhiều lần so với thời điểm bạn đi. Như vậy bạn sẽ nhận được ánh mắt ngưỡng mộ từ đồng nghiệp, nhận được góc nhìn đầy thiện cảm từ cấp trên. Chúng ta vẫn thường nói vui “Người thành công nói gì cũng đúng” là như vậy. Khi đó, mọi người sẽ nghĩ sự ra đi của bạn ngày đó như một sự hi sinh, sự quay về của bạn như một lời khẳng định “bạn là người sống có trước có sau và tình cảm mà bạn dành cho công ty là chân thành”. Thập chí nếu ai đó đã từng nghĩ rằng bạn là người “tham vàng bỏ ngãi” cũng tự thấy xấu hổ.

Tóm lại, quay về công ty cũ là một điều rất đáng hoan nghênh, với điều kiện bạn đã có những cống hiến nhất định cho sự lựa chọn mới. Hãy quay về vì tình cảm và khát khao được đóng góp chứ đừng quay về chỉ để tìm nơi nương tựa.

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
chia sẻ của bạn về tin này