scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện > Hoạt động nhân sự
CHÚNG TA KHÔNG CÓ LẦN THỨ HAI ĐỂ GÂY ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN
25/02/2022
2129
Bạn đã bao giờ từng nghe đến thuật ngữ “Khoảnh khắc của sự thật” chưa? Đó là cụm từ chỉ khoảnh khắc tiếp xúc đầu tiên giữa con người với con người, sự vật, sự việc. Là khoảnh khắc mà người ta cho là quan trọng nhất kể cả trong kinh doanh, giáo dục,… hay bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống, cũng chính bởi lí do vì “Khoảnh khắc của sự thật” chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn (chỉ khoảng 15s) cũng có thể để lại ấn tượng tốt hoặc xấu cho đối phương về con người bạn. Một ví dụ điển hình dễ nhìn thấy về “Khoảnh khắc của sự thật” này chính là khi bạn đi ăn ở một quán ăn/nhà hàng nào đấy, khi mới vào quán nếu nhìn thấy cô chủ ăn bận gọn gàng, bàn ghế ngăn nắp, sân hè sạch sẽ tức thì bạn sẽ nghĩ đây là một quán ăn có vệ sinh, ngược lại nếu những quan sát ban đầu hiện ra trước mắt chỉ toàn để lại những ấn tượng xấu thì hẳn bạn cũng sẽ có suy nghĩ đó là một quán ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh. Một ví dụ nhỏ này cũng đủ giúp bạn hiểu tầm quan trọng của “Khoảnh khắc của sự thật” trong kinh doanh buôn bán là như thế nào rồi đúng không? Vậy trong những trường hợp khác, chẳng hạn như trong PHỎNG VẤN XIN VIỆC, NGÀY LÀM VIỆC ĐẦU TIÊN thì sẽ ra sao?

A. PHỎNG VẤN XIN VIỆC Không giống như sơ yếu lí lịch hay hồ sơ xin việc, bạn chỉ cần viết ra trên giấy những điều bạn đã chuẩn bị tốt nhất, phỏng vấn xin việc yêu cầu bạn phải có phản xạ nhanh để có thể trả lời những câu hỏi bất ngờ từ phía người tuyển dụng. Đó là cách để bạn tạo ấn tượng tốt, đồng thời cũng có thể chứng minh bạn là người có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi tham gia phỏng vấn. BẠN KHÔNG CÓ LẦN THỨ HAI ĐỂ GÂY ẤN TƯỢNG ĐẦU TIÊN vì vậy bạn phải chuẩn bị thật tốt. Dưới đây là những gợi ý về những việc bạn cần phải chuẩn bị trước khi tham gia phỏng vấn.

I. ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ PHẢI CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI PHỎNG VẤN. CỤ THỂ NHỮNG CÔNG VIỆC ĐÓ LÀ GÌ? Mặc dù đây là bước rất quan trọng trước khi phỏng vấn, nhưng có nhiều người vẫn không biết mình cần phải làm gì và bắt đầu từ đâu. Tôi xin đưa ra những cách chuẩn bị tiêu biểu nhất.

1. Nghiên cứu ngành nghề và công ty ứng tuyển

Để tự tin trả lời những câu hỏi như “tại sao bạn lại chọn công ty chúng tôi?”, “tại sao bạn lại không chọn những công ty khác?”, “công ty chúng tôi có điều gì thu hút bạn?”, thì bạn cần phải biết những thông tin liên quan đến công ty hoặc ngành nghề đó. Vì vậy, việc nghiên cứu ngành nghề và công ty là một điều rất cần thiết.

2. Phân tích bản thân Bằng những câu hỏi chuyên sâu để khám phá, tìm hiểu bản thân bạn nhà tuyển dụng sẽ đặt những câu hỏi chẳng hạn như “Điểm mạnh, điểm yếu cảu bạn là gì?”, “Quan điểm sống của bạn là gì?”, “Bạn có thể đóng góp được gì cho công ty?”, “Tại sao công ty nên chọn bạn?”,…. Nếu bạn có thể tự phân tích bản thân và tìm hiểu cách trả lời cho ngắn gọn và thu hút thì có thể sẽ tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng đấy!

3. Phải có thời gian chuẩn bị thật kỹ Bạn không thể chuẩn bị hai điều trên trong vòng một ngày ngắn ngủi. Thời gian bạn bỏ ra để nghiên cứu càng nhiều, thì bạn càng có thể đào sâu hơn về công ty, ngành nghề cũng như bản thân bạn. Nếu bạn chuẩn bị càng sớm càng tốt thì bạn sẽ không bị bối rối, ậm ờ khi trả lời phỏng vấn.

II. NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP MÀ BẠN CẦN PHẢI CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI PHỎNG VẤN Thật khó để có thể đoán chính xác những câu hỏi mà nhà tuyển dụng sẽ hỏi trong phỏng vấn. Tuy nhiên vẫn có những câu hỏi thường hay gặp, dưới đây là 3 câu hỏi thường hay gặp nhất trong quá trình phỏng vấn.

1. Động cơ xin việc hay còn gọi là lý do xin việc Các công ty rất coi trọng “động cơ xin việc” của bạn là vì họ muốn xác định xem bạn có phù hợp với yêu cầu của công ty hay không. Đối với loại câu hỏi này, bạn sẽ không thể có được câu trả lời thuyết phục nếu không hiểu rõ về công ty đang ứng tuyển. Để làm được điều đó, bạn cần tìm hiểu kỹ không chỉ các điều kiện của vị trí tuyển dụng bạn đang ứng tuyển, mà còn phải tìm hiểu cả những thông tin khác như triết lý kinh doanh của công ty và lĩnh vực kinh doanh họ đang tập trung xây dựng. Hãy chuẩn bị một câu trả lời để thuyết phục công ty tin rằng: “Bạn thực sự muốn gia nhập công ty này chứ không phải công ty khác”.

2. PR bản thân

Đây là câu hỏi để nhà tuyển dụng có thể nhìn rõ được tính cách, con người của bạn. Qua câu hỏi này cũng có thể giúp nhà tuyển dụng biết được bạn có phù hợp với công ty hay vị trí công việc này không. Đồng thời đây cũng là một cơ hội để bạn có thể quảng bá bản thân. Giữa một biển người là đối thủ cạnh tranh của bạn, PR bản thân sẽ là lúc giúp bạn làm nổi bật được mình, tạo sự thu hút với nhà tuyển dụng.

3. Câu hỏi ngược

Vào cuối mỗi buổi phỏng vấn, khi sắp kết thúc những gì mà nhà tuyển dụng đưa ra để kiểm tra năng lực của bạn, họ sẽ hỏi bạn rằng có câu hỏi nào ứng viên muốn hỏi không. Đây là lúc mà nhiều người bối rối bởi không biết phải hỏi như thế nào. Tuy nhiên, thất tốt nếu bạn đưa ra những câu hỏi về môi trường làm việc, đồng nghiệp tương lai, văn hoá làm việc của công ty,…bởi đó là những câu hỏi thể hiện khát khao nồng nhiệt muốn được ứng tuyển vào công ty của bạn.

III. VẺ VỀ NGOÀI CÓ THỰC SỰ QUAN TRỌNG KHI ĐI PHỎNG VẤN? Trước khi bạn được đánh giá qua những câu trả lời phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận, đánh giá bạn phần nào qua vẻ bề ngoài của bạn. Đừng để bị mất điểm vì điều này. Hãy dành nhiều thời gian để chuẩn bị trang phục, đồ đạc, tìm đường đi đến công ty trước thời gian phỏng vấn. Tốt nhất là bạn nên đến công ty với những bộ trang phục kín đáo, tao nhã, đầu tóc gọn gàng. Đặc biệt hãy nhớ đừng để nhà tuyển dụng thấy bạn trong bộ dáng quần áo xộc xệch, tóc tai rối bời vì bị trễ giờ phỏng vấn nhé!

B. NGÀY ĐẦU TIÊN ĐI LÀM

Dù là sinh viên mới trường hay là người đi làm lâu năm thì ngày đầu tiên làm việc ở công ty cũng rất quan trọng đối với bạn. Để có một khởi đầu mới suôn sẻ, tốt nhất bạn cần phải chuẩn bị một số điều như sau.

Đến sớm nhưng đừng về sớm

Thật tệ nếu ngày đầu tiên đi làm mà bạn lại đến trễ. Hãy tìm hiểu đường đi, thời tiết trước khi đi làm vào ngày đầu tiên. Nếu kỹ càng hơn, trước đó bạn nên thử đi đến công ty để có thể quen đường đi. Hãy đến văn phòng sớm trước khoảng 10-15 phút trước giờ làm để có thời gian chỉnh trang và làm quen dần với không khí làm việc tại văn phòng. Cuối ngày, bạn cũng đừng vội về quá sớm. Hãy chuẩn bị trước những việc cần làm vào ngày mai và dành thời gian để làm quen, chào hỏi với các đồng nghiệp.

Làm quen với đồng nghiệp

Làm quen với đồng nghiệp là một trong những việc quan trọng nhất trong ngày đầu tiên đi làm. Những đồng nghiệp có thể giúp bạn hiểu hơn về công việc, môi trường làm việc trong công ty. Hãy làm quen với tất cả những người có thể liên quan đến công việc của bạn, chứ không chỉ những người cùng nhóm, cùng phòng ban. Nếu bạn được mời đi ăn trưa hay cà phê vào giờ giải lao, đừng từ chối. Mọi người đang muốn làm quen với bạn. Và nếu mọi người không tìm đến bạn thì cũng không sao, bạn hãy chủ động bắt chuyện. Bạn có thể hỏi về công việc của họ, nhờ họ hướng dẫn những điều còn chưa hiểu.

Nghỉ ngơi để có tinh thần làm việc tốt hơn

Tuy ngày đầu tiên đi làm, bạn sẽ chưa phải lao ngay vào công việc khó khăn nhưng là một ngày đòi hỏi bạn cần phải thích nghi nhanh chóng với môi trường làm việc mới. Nghỉ ngơi vào tối hôm trước cũng là một cách chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi làm, giúp đầu óc bạn thoải mái hơn, dễ dàng tiếp nhận những điều mới, và có thể tập trung hơn.

Chuẩn bị tinh thần ham học hỏi

Ngày đầu đi làm chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ, bạn cần phải học hỏi rất nhiều từ các đồng nghiệp. Vì vậy vào ngày đi làm đầu tiên bạn nên chuẩn bị một quyển sổ tay và một cây bút để có thể ghi chép lại tất cả những thông tin mà bạn học hỏi được. Đồng nghiệp sẽ sẵn sàng chỉ bạn những điều mới, vì thế bạn đừng ngần ngại hỏi. Sự ham học hỏi sẽ giúp bạn thích nghi nhanh chóng với môi trường mới, điều đó cũng sẽ làm tăng năng suất làm việc của bạn đấy!

Tìm hiểu tất cả về công việc của mình

Từ ngày đầu tiên đi làm, bạn hiểu rõ trách nhiệm công việc của bạn, quy trình làm việc, và các nội quy công ty để thực hiện đúng và tránh những sai lầm không đáng có. Trong quá trình làm việc, đặc biệt khi bắt đầu công việc mới, bạn nên giúp đỡ những đồng nghiệp của mình để tạo mối quan hệ với họ nhưng hãy chắc là bạn phải hiểu rõ công việc đó, và bạn hoàn toàn có thể giúp người khác. Hạn chế tối đa gây sai sót, tránh trường hợp bị gọi là “lòng tốt được đặt không đúng chỗ” nhé!.

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
chia sẻ của bạn về tin này