Đáp ứng đầy đủ các quy trình tuyển dụng của một công ty có thương hiệu đã lấy đi của bạn khá nhiều thời gian, nhưng nếu nhận lời vào làm việc rồi cảm thấy không phù hợp và phải chia tay sớm thì lại càng tốn thời gian của nhau. Ngoài ra, điều đáng buồn này cũng làm giảm giá trị của profile cá nhân, ảnh hướng đến công việc và niềm tin của những người đã từng đồng ý trao cho bạn cơ hội gia nhập.
Sẽ có những phản biện rằng đến thời điểm này mới xem xét liệu có phải quá muộn không, tại sao không chọn lựa từ trước khi nộp CV hoặc sau vòng phỏng vấn đầu tiên. Chính xác, nếu bạn nhận ra được sự không phù hợp ở các giai đoạn này thì quá tốt. Hiện nay, việc nộp CV như rải truyền đơn vẫn còn quá phổ biến ở giới trẻ Việt Nam, nên Esuhai không chắc rằng đó là điều có thể thay đổi một sớm một chiều. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ cơ sở để hiểu một công ty chỉ qua những thông tin trên website hoặc qua vài vòng phỏng vấn. Nhiều công ty không chú trọng vào truyền thông, trong khi đó nhiều công ty lại quá khéo léo sử dụng truyền thông để người ngoài không thể biết được thông tin chính xác về họ.
Tóm lại, việc tham gia phỏng vấn tại một công ty là điều kiện tốt để bạn tiếp cận, quan sát và đưa ra quyết định một cách tốt nhất. Sau nhiều lần “lui tới” và “vượt chướng ngại vật”, bạn nhận được thư mời nhận việc, tuy nhiên đừng vội đồng ý nếu trong lòng vẫn còn do dự.
Cùng suy ngẫm 5 từ khóa dưới đây trước khi đưa ra quyết định nhé:
1. Đội ngũ lãnh đạo
Dù làm việc ở vị trí nào cũng đừng xem nhẹ sức ảnh hưởng của đội ngũ lãnh đạo công ty. Không phải công ty nào cũng tạo điều kiện cho ứng viên gặp gỡ người đứng đầu như Esuhai. Vì thế, hầu hết ứng viên đều có tâm lý “mặt trời quá xa, chỉ cần quan tâm đến tấm che trên đầu”, cụ thể khi phỏng vấn bạn sẽ có cơ hội gặp quản lý trực tiếp và bạn nghĩ ngần ấy thông tin đã là quá đủ với những gì bạn cần.
Tuy nhiên trên thực tế, quản lý trực tiếp của bạn chỉ là người cùng bạn hoàn thành mục tiêu, thúc đẩy bạn và nắm bắt tiến độ công việc của bạn mà thôi. Người quyết định những chính sách ảnh hưởng đến sự “sống còn” của một công ty vẫn là đội ngũ lãnh đạo cấp cao.
Bạn thử tưởng tượng sẽ như thế nào nếu bạn ứng tuyển vị trí nhân viên tư vấn tuyển sinh mà khi vào làm lại phải kiêm luôn cả việc bán bảo hiểm nhân thọ. Nếu bạn là người không có lý tưởng nào để theo đuổi ngoại trừ việc kiếm tiền thì có lẽ lời khuyên này không dành cho bạn.
2. Văn hóa
Đừng bao giờ xem nhẹ yếu tố văn hóa của một công ty. Văn hóa cũng giống hơi thở và môi trường sống vậy. Một loài cây xứ lạnh thật khó để có thể đơm hoa kết trái trên sa mạc được đúng không? Tham gia các vòng phỏng vấn cũng là một trong những phương thức tốt để tìm hiểu văn hóa của một công ty. Ví dụ: tại Esuhai xây dựng văn hóa nụ cười, nên dám chắc rằng từ lúc gửi xe đến khi lên phòng chờ, bạn sẽ nhận được nụ cười thân thiện cùng sự hướng dẫn nhiệt tình của bảo vệ hay các bạn lễ tân. Hay Esuhai thiết kế văn phòng mở, nhưng bạn không phải người thích làm việc teamwork, ngại giao tiếp… rất có thể bạn không thuộc về một nơi như vậy.
Để hiểu được mình có phù hợp với văn hóa công ty không, bạn cũng cần hiểu được những mong muốn của bản thân, điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?
3. Chế độ phúc lợi
Đây chắc là từ khóa không cần nhắc mọi người cũng chủ động quan tâm. Tuy nhiên đừng mải mê nhìn vào con số lương hàng tháng mà quên đi nhiều chế độ khác. Ví dụ thời gian xét điều chỉnh lương định kỳ, chế độ đào tạo, bảo hiểm và các khoản trợ cấp ngoài lương cũng chiếm một tỷ lệ không nhỏ… đừng xem nhẹ bạn nhé.
4. Career path?
Nếu bạn quan tâm đến tương lai của mình thì đừng bỏ qua bạn nhé. Với những công ty không có chủ trương phát triển nhân viên, thì bạn được tuyển vào để đáp ứng nhu cầu của họ ở thời điểm hiện tại và sẽ làm 1 công việc ở 1 vị trí suốt thời gian đồng hành cùng công ty. Nghĩa là nếu không có gì thay đổi, bạn sẽ làm năm này qua tháng nọ với những đầu việc không có gì thay đổi. Nếu muốn làm những việc khác để phát triển bản thân hơn thì cũng không được trao cơ hội và không được hướng dẫn.
Chẳng may một ngày nào đó, công việc của bạn đã được bộ phận IT lập trình và công ty có thể sử dụng phần mềm hay máy móc thay vì thuê bạn. Vậy bạn sẽ làm gì đây? Trở nên lúng túng và tự trách bản thân của mình là cảm giác khó tránh khỏi.
Ngoài ra, nếu bạn không lập được career path cho bản thân, không nhận được sự hỗ trợ của cấp quản lý để thực hiện mong muốn này thì cũng đừng nghĩ nhiều đến những chính sách lương thưởng tốt hơn, bởi con số nếu có thay đổi cũng không đáng kể.
5. Khách hàng nói gì về công ty này?
Nếu chế độ là từ khóa không cần nhắc bạn cũng quan tâm, thì việc “khách hàng nói gì về công ty này?” là điều các ứng viên thường hay bỏ qua nhất.
Thật ra, điều lý tưởng nhất bài viết này muốn gửi đến bạn đó là “người từng làm ở vị trí bạn ứng tuyển nói gì về công ty và công việc của họ”. Tuy nhiên, trên thực tế điều này quá khó để có được thông tin, bạn có thể tìm hiểu những đánh giá trên các trang mạng, hoặc may mắn hơn bạn có thể tham khảo từ những người bạn đang là nhân viên của công ty mà bạn biết. Nhưng bạn lưu ý, đừng hỏi nhà tuyển dụng điều này trong buổi phỏng vấn, rất dễ mất điểm nhé. Khi bạn đặt câu hỏi này với họ, chẳng khác nào bạn nói “nếu mọi thứ đều tốt thì tại sao người cũ lại ra đi?!”.
Quay trở lại với câu hỏi “khách hàng nói gì về công ty này?” tại sao lại quan trọng với ứng viên đi xin việc. Nếu có một trái tim biết rung động, chắc hẳn bạn không muốn làm việc trong một công ty mà chỉ cần nhắc tên đã nhận về những cái lắc đầu mệt mỏi. Hơn thế, sự tín nhiệm của khách hàng là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của một công ty. Những công ty nhận được đánh giá 5 sao từ khách hàng chắc hẳn luôn sở hữu một đội ngũ nhân viên tuyệt vời. Bạn cũng muốn trở thành thành viên của một tập thể như vậy chứ?
Hy vọng bài viết có thể giúp bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn trước những cột mốc quan trọng trên con đường sự nghiệp của mình. Phút 89 vẫn còn có thể thay đổi, lời khuyên chân thành dành cho bạn là nên tìm hiểu càng sớm càng tốt nhé! Nếu yêu thích một tổ chức nào đó, bạn càng thêm quyết tâm chinh phục; nếu không “mặn mà” bạn có thể gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng và tìm cho mình một “bến đỗ” phù hợp hơn.
Chúc các bạn luôn hài lòng với quyết định của mình!