scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Khởi nghiệp từ xuất khẩu lao động Nhật Bản: XKLĐ sẽ là bước đệm tạo ra những thế hệ thanh niên khởi nghiệp
21/05/2019
2223
Khởi nghiệp không hề là chuyện đơn giản. Muốn khởi nghiệp, yêu cầu bạn phải có những điều kiện cần, đủ và những kỹ năng nhất định được tích lũy và trải nghiệm thông qua môi trường thực tế.

Một số điều kiện cần, đủ và những kỹ năng cần thiết để bắt đầu khởi nghiệp:

  • Vốn;
  • Sự kiên trì;
  • Nền tảng cơ bản về kiến thức chuyên môn;
  • Kỹ năng nghiên cứu thị trường;
  • Kỹ năng quản lý tài chính;
  • Kỹ năng phân bổ trách nhiệm và công việc cho các cộng sự;
  • Kỹ năng hoạch định chiến lược;
  • Kỹ năng quản lý thời gian, quản lý cảm xúc, kỹ năng giao tiếp…

Thực tế của phần lớn thanh niên Việt Nam nói chung và của nhóm nguồn lực quản lý - kết nối kỹ thuật - thương mại ngoài nước nói riêng hiện nay đều đang gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn khởi nghiệp và trong quá trình khởi nghiệp. Và các yếu tố dưới đây được cho là nguyên nhân:

  • Thiếu vốn;
  • Thiếu ngoại ngữ;
  • Tác phong & kỹ năng làm việc hạn chế;
  • Thiếu kinh nghiệm, trải nghiệm nghề nghiệp;
  • Thiếu hiểu biết và thực hành kỹ thuật, công nghệ;
  • Thiếu kinh nghiệm & phương pháp quản lý;
  • Thiếu kinh nghiệm phát triển thị trường;
  • Thiếu mối quan hệ và người dẫn dắt…

Các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp đều nhận định rằng, dưới 30 tuổi là thời điểm các bạn trẻ nên tập trung cho việc học hỏi thay vì khởi nghiệp. Các bạn có thể đi làm cho các tổ chức, các công ty. Lúc đó các bạn vừa học được những điều cần học lại vừa được người ta trả tiền. Còn nếu làm ngược lại thì có thể bạn sẽ mất hết tiền rồi mới rút ra bài học.

Một lớp học định hướng nghề nghiệp và tự lập kế hoạch phát triển bản thân dành cho các học viên chuẩn bị sang Nhật làm việc được tổ chức giảng dạy tại Esuhai. Lê Long Sơn - Giám đốc đồng thời là Hiệu trưởng của Esuhai - Kaizen trực tiếp giảng dạy lớp học này.

Từ 30 – 35 tuổi là độ tuổi đẹp để khởi nghiệp. Khởi nghiệp khi còn quá trẻ thì rất hăng hái, nhưng nếu gặp thất bại thì dễ nản chí, dễ bộc phát và chủ quan. Còn khởi nghiệp khi quá già thì nếu thất bại sẽ khó có cơ hội làm lại và rủi ro lớn.

Vậy làm thế nào có thể học hỏi được thật nhiều dưới 30 để khởi nghiệp ở tuổi 35?

Tống Văn Phú Hải từng làm hướng dẫn viên du lịch tự do – một công việc không ổn định trước khi tham gia chương trình thực tập sinh làm việc tại Nhật. Sau thời gian thực tập tại Nhật, Hải được đưa về nước, thay mặt chủ đầu tư, quản lý điều hành dự án sản xuất sản phẩm của Sanwa Sanyo tại Đồng Nai. Hiện nay, Tống Văn Phú Hải là Tổng giám đốc Sanwa Egg Vietnam với 100% vốn đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Lê Nam.

Tính đến năm 2018, dân số Nhật Bản là hơn 127 triệu người và dân số Việt Nam là gần 97 triệu người. Nhật Bản hiện có hơn 3,8 triệu công ty hoạt động, trong đó hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng có bề dày lịch sử lâu đời. Trong khi đó, Việt Nam hiện có hơn 700.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và có quá trình hoạt động còn non trẻ.

Trên thế giới, Nhật Bản là một trong những quốc gia sở hữu trình độ khoa học, kỹ thuật hàng đầu và có văn hóa làm việc đặc trưng. Tuy nhiên, Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh giảm. Trong số hơn 90% các doanh nghiệp nhỏ & vừa và doanh nghiệp gia đình thì một bộ phận trong số này đang đứng trước nguy cơ đóng cửa do không có người kế nghiệp.

Trung bình mỗi năm, Nhật Bản tiếp nhận trên 100 nghìn thực tập sinh nước ngoài, tập trung ở các ngành: cơ khí, gia công kim loại, dệt may, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, xây dựng, thợ hàn, nhựa…. Đến năm 2016, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia phái cử nhiều thực tập sinh đến Nhật Bản nhất.

Người lao động Việt Nam khi tham gia chương trình làm việc tại Nhật Bản, họ tiếp cận và được thực hành máy móc kỹ thuật công nghệ tiên tiến mà trong nước họ chưa có cơ hội trải nghiệm hoặc trong nước chưa có, chưa phát triển; nâng cao tay nghề và năng suất làm việc; học và luyện ngoại ngữ, tác phong và kỷ luật làm việc công nghiệp; và đặc biệt là học và rèn cách suy nghĩ, tinh thần trách nhiệm, tỉ mỉ và tính bền bỉ trong công việc từ chính công việc và từ chính môi trường làm việc trực tiếp với người Nhật... Họ cũng tích lũy được số vốn từ 150 đến 800 triệu đồng sau 01 năm đến 05 năm làm việc tại Nhật để có thể thực hiện một kế hoạch nào đó khi về Việt Nam. Con số tích lũy này là rất khó đạt được nếu người lao động làm việc tại Việt Nam trong cùng một khoảng thời gian.

Khi trở về nước, họ có nhiều cơ hội việc làm hơn những người lao động cùng trình độ và độ tuổi trong nước vì những lợi thế đã nêu trên. Họ là những người có tiềm năng trở thành chuyên viên, nhóm trưởng, trợ lý, người quản lý trong các công ty và tổ chức mà họ làm việc, đặc biệt là trong các công ty Nhật tại Việt Nam. Và họ cũng là những người có thể trở thành ông chủ, người khởi nghiệp nhanh hơn vì đã tích lũy được một số vốn nhất định, tích lũy được những điều kiện cần, đủ và những kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp.

Hai anh em Nguyễn Ngọc Trung và Nguyễn Ngọc Hiếu (quê Thanh Hóa) từng tham gia chương trình xuất khẩu lao động Nhật Bản và hiện đều đã trở thành giám đốc của hai công ty Nhật tại TP.HCM trong độ tuổi U30. Ảnh: Hồ Văn.

Thực tế cho thấy số lượng người lao động đi làm việc tại Nhật trở về thành công, có việc làm tốt và một bộ phận đã lập nghiệp, khởi nghiệp làm chủ đang ngày càng tăng lên. Báo chí truyền thông đã đưa tin khá nhiều về những trường hợp này. Phải nhìn nhận một cách thực tế là nếu chương trình không tốt, không tạo ra những cơ hội và lợi thế thực sự cho người lao động thì chắc chắn số lượng người tham gia sẽ không nhiều như thế.

Thực tế cho thấy, chương trình đi làm việc tại Nhật đã và đang không chỉ đóng vai trò giải quyết việc làm cho thanh niên, xóa đói giảm nghèo mà còn được xem là cơ hội để đào tạo người lao động trở thành lao động trình độ cao, nhận chuyển giao kỹ thuật, dịch chuyển các công ty Nhật Bản về Việt Nam và đặc biệt trong tương lai sẽ tạo ra các thế hệ thanh niên khởi nghiệp từ nền tảng đi xuất khẩu lao động.

Và vì vậy, nếu phong trào xuất khẩu lao động được mở rộng và lan tỏa thì chính các lớp thanh niên này trong tương lai sẽ trở thành đội ngũ nòng cốt làm giàu, tạo việc làm cho nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. 

Xem thêm các bài viết liên quan chủ đề khởi nghiệp:

Bàn về hai chữ "Khởi nghiệp"

Khởi nghiệp từ xuất khẩu lao động Nhật Bản: Có việc làm hậu xuất khẩu cũng là “khởi nghiệp”

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này