Khởi nghiệp từ xuất khẩu lao động Nhật Bản: Có việc làm hậu xuất khẩu cũng là “khởi nghiệp”
20/05/2019
2924
Mới đây, Esuhai đã giới thiệu bài viết: "Bàn về hai chữ "khởi nghiệp"". Ở bài viết này, Esuhai sẽ chia sẻ với các bạn một khía cạnh liên quan đến khởi nghiệp. Và đó chính là: Khởi nghiệp từ xuất khẩu lao động Nhật Bản.
00:00
00:00
Khởi nghiệp được định nghĩa là hành động bắt đầu một nghề nghiệp. Sự bắt đầu này có thể là hành động thành lập một doanh nghiệp, tạo ra một sản phẩm, dịch vụ mới hoặc cung cấp những mặt hàng đã có mặt trên thị trường nhưng theo ý tưởng có riêng mình...
Khởi nghiệp là hành động bắt đầu một nghề nghiệp. Theo đó, việc có việc làm hoặc có việc làm tốt hơn sau khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản trở về cũng nên xem như là một dạng “khởi nghiệp”.
Tại sao nên xem việc có việc làm hoặc có việc làm tốt hơn sau khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản như là một dạng “khởi nghiệp”? Trước tiên, hãy nhìn vào xuất phát điểm và lý do thực tế mà đa phần người lao động quyết định đi xuất khẩu lao động Nhật Bản:
Không có việc làm, không có thu nhập, không có quan hệ;
Có việc làm nhưng không ổn định và thu nhập thấp, không có tích lũy;
Kinh nghiệm, chuyên môn và ngoại ngữ hạn chế;
Chưa hoặc không thành công trong công việc, cuộc sống.
Muốn tích lũy vốn;
Muốn học hỏi và nâng cao tay nghề, kỹ năng, kỹ thuật và kiến thức chuyên môn ở đất nước phát triển;
Muốn học thêm ngoại ngữ và tìm hiểu văn hóa đặc trưng của nước bản xứ…
Sau thời gian làm việc tại Nhật, nền tảng cơ bản và chung nhất của những lao động từ Nhật trở về đó là:
Có sự hiểu biết từ cơ bản đến tổng quan về văn hóa, đất nước, con người Nhật Bản;
Có trình độ tiếng Nhật nhất định (từ N4 – N1). Trình độ này có được từ quá trình đào tạo trước xuất cảnh và trong thời gian làm việc, học tập thực tế tại Nhật Bản;
Có sự hiểu biết, có thói quen và những thao tác theo tác phong và văn hóa làm việc của người Nhật;
Có sự trưởng thành nhất định về mặt tư duy, thái độ, định hướng công việc, năng suất làm việc, kiến thức chuyên môn, và có những mối quan hệ kết nối với người Nhật, công ty Nhật;
Tích lũy được một số vốn nhất định sau thời gian làm việc (từ 150 – 800 triệu đồng)…
Với nền tảng và những giá trị có được, người lao động khi về nước có nhiều hơn các sự lựa chọn trong công việc:
Một bộ phận chọn con đường lập nghiệp tự làm chủ từ số vốn và kinh nghiệm tích lũy được: Mở cửa hàng bán mỹ phẩm, đồ gia dụng, sản xuất dưa muối sạch, nấm theo công nghệ Nhật Bản…
Một bộ phận trở thành quản lý, giám đốc đại diện của công ty Nhật tại Việt Nam hoặc mở công ty sản xuất tại Việt Nam với sự hỗ trợ và đầu tư từ công ty Nhật Bản…
Một bộ phận đi làm việc trong các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp trong nước mà có sử dụng đến tiếng Nhật và những kinh nghiệm, tay nghề, chuyên môn tích lũy được khi làm việc tại Nhật như: thông dịch, biên phiên dịch, hỗ trợ khách hàng, giáo viên dạy tiếng Nhật, nhân viên tư vấn du học, xuất khẩu lao động Nhật Bản…
Một bộ phận có hoặc tìm cơ hội để quay trở lại Nhật tiếp tục làm việc, phát triển cuộc sống và sự nghiệp: tham gia chương trình kỹ sư, du học, thông dịch viên, quản lý thực tập sinh, quay lại Nhật lần 2 và tới đây sẽ là chương trình mới có tên kỹ năng đặc định…
Khác với trước khi đi Nhật, người lao động khi trở về đã được trang bị những điều kiện cần và đủ để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động & việc làm. Vì vậy, người lao động đã tự tin hơn khi ứng tuyển vào các công ty hay ứng tuyển vào các vị trí công việc mà các bạn mong muốn hoặc thấy phù hợp.
Từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam và các doanh nghiệp làm ăn với Nhật vẫn có sự ưu tiên nhất định trong tuyển dụng đối tượng là thực tập sinh về nước. Bởi thực tập sinh về nước là nguồn nhân lực có năng lực tiếng Nhật thực tế và đặc biệt là họ có ý thức, tác phong và kỹ năng làm việc trong môi trường Nhật và có sự hiểu biết văn hóa làm việc của người Nhật.
Trần Văn Dũng (phải) tốt nghiệp đại học tại Việt Nam và từng làm việc tại doanh nghiệp nhà nước nhưng nhận thấy mình không phù hợp với môi trường này nên đã xin nghỉ và tham gia chương trình thực tập sinh Nhật Bản do công ty Esuhai đào tạo và phái cử. Dũng đã hoàn thành chương trình trở về nước và hiện đang làm Trợ lý giám đốc công ty Okamura Home với mức lương trên ngàn đô/tháng. Ảnh: Lê Nam.
Khảo sát mới đây của Esuhai với khoảng 600 thực tập sinh do công ty phái cử sang Nhật làm việc đã hoàn thành chương trình và trở về nước cho thấy: hơn 70% thực tập sinh về nước đang tiếp tục làm công việc liên quan đến tiếng Nhật trong các công ty Nhật tại Việt Nam hoặc các doanh nghiệp hợp tác với Nhật với mức lương tối thiểu là từ 7 triệu đồng/tháng trở lên; hơn 3% đã khởi nghiệp, tự làm chủ; khoảng 15% tiếp tục đi du học Nhật Bản và quay lại Nhật lần 2; số còn lại lựa chọn con đường khác…
Như vậy, nhìn chung, thực tập sinh về nước đã bước ra khỏi tình trạng thất nghiệp, tình trạng việc làm thu nhập thấp và giờ đây các bạn đã có việc làm, đã có thể tự lo tốt cho bản thân, hỗ trợ kinh tế cho gia đình và người khác trong khả năng có thể.
Khi xã hội mà lực lượng lao động trẻ đông đảo và người người đều có việc làm và việc làm tạo ra giá trị cao sẽ là nền tảng vững chắc để xã hội đó ngày càng phát triển.
Với 1 năm, 3 năm đến 5 năm trải nghiệm tại Nhật Bản và làm việc từ 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm liên tục trong các công ty Nhật tại Việt Nam hoặc các công ty Việt Nam có hợp tác với Nhật, trong đó bao gồm cả các công ty khởi nghiệp, thì khi bước vào độ tuổi khoảng 35, lực lượng này đã có được một nền tảng nhất định về kiến thức, kinh nghiệm, năng lực, kỹ năng, ngoại ngữ và tài chính… Lúc này họ có thể chính thức bước vào con đường khởi nghiệp làm chủ, thành lập công ty nếu thực sự đam mê, quyết liệt và có nhu cầu.
Những lợi ích và hiệu quả từ xuất khẩu lao động Nhật Bản đã được Chính phủ, nhà nước và xã hội công nhận. Có thể thấy, xuất khẩu lao động Nhật Bản không chỉ giúp người lao động có việc làm, giảm thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, có tích lũy, có năng lực làm việc công nghiệp, có khả năng tham gia vào hoạt động sản xuất chế tạo các sản phẩm, dịch vụ, giá trị chất lượng cho cuộc sống mà còn góp phần rất lớn tạo ra những thế hệ thanh niên khởi nghiệp làm giàu cho bản thân, tiến tới tạo công ăn việc làm cho người khác và làm giàu cho xã hội trong 10 năm, 20 năm sau.
Như vậy, nếu xem việc có việc làm hoặc có việc làm tốt hơn sau khi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản trở về là một dạng “khởi nghiệp” thì phong trào đi Nhật làm việc và khởi nghiệp khi về nước sẽ có điều kiện và cơ hội phát triển rộng rãi trong lực lượng lao động trẻ Việt Nam.