scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Thấy gì từ hoạt động thăm quan, học hỏi tại Esuhai?
24/05/2017
1949
Ngày 17/5/2017, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) và Ban thị trường Nhật Bản tổ chức buổi thăm quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tại công ty Esuhai. Hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của 55 đại diện đến từ 28 DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực đối với các DN phái cử Thực tập sinh (TTS) sang Nhật Bản, đồng thời gắn kết các DN gần với nhau hơn, cùng chia sẻ để cùng nhau phát triển.

 

Dưới đây Esuhai xin được trích dẫn Bản tin tổng kết đánh giá hoạt động thăm quan, học hỏi và trao đổi về mô hình tuyển dụng, đào tạo, giải quyết việc làm cho TTS của đoàn tại công ty Esuhai. Bản tin do chị Nguyễn Duyên - Ban thị trường Nhật Bản thực hiện.

 

Đại diện các DN đã có cơ hội thăm quan, học hỏi và trao đổi về mô hình tuyển dụng, đào tạo, giải quyết việc làm cho TTS của công ty. Ngoài ra, các chủ đề về giải pháp giảm thiểu tình trạng TTS bỏ trốn cũng như công tác khai thác thị trường, các bài học thành công và thất bại trong quá trình triển khai của DN cũng được chia sẻ cởi mở và thảo luận sôi nổi. Có thể điểm qua một vài điểm nổi bật như sau:

 

  • VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO

Công ty đã định hướng cho học viên về mục tiêu khi tham gia chương trình phái cử TTS sang Nhật, coi đó là một quá trình học Đại học trong 04 năm (01 năm ở Việt Nam và 03 năm ở Nhật) để chuẩn bị cho tương lai mấy chục năm đi làm sau này. Học viên cũng được định hướng việc đi Nhật không chỉ dừng lại ở khía cạnh XKLĐ, hay chỉ để kiếm tiền, mà coi đây   là một cơ hội quý báu để được đào tạo, thay vì đi du học thì phải tốn rất nhiều tiền của cha mẹ, trong khi mục đích du học cuối cùng cũng là để đi làm. Cho nên, cần tận dụng chương trình phái cử TTS sang Nhật Bản như một chương trình du học, nhưng là thực học chứ không phải là đi chơi, không những học được cái chữ mà còn học được cái nghề. Nếu Việt Nam phát triển quy mô dạy nghề thì không thể đủ cơ sở vật chất như các DN Nhật, không thể đủ thầy giáo giỏi đến mức có thể sản xuất ra những sản phẩm tiên tiến của thế giới như vậy. Vì vậy, nên coi các nhà máy ở Nhật như là cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là những cơ sở đào tạo này học viên không phải trả tiền để đi học, mà ngược lại họ phải trả tiền để họ dạy mình;

 

Với tâm lý chung của người LĐ và gia đình khi đăng ký đi XKLĐ là phải “đi nhanh”, “đi ngay”, Esuhai đã vấp phải rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục học viên chấp nhận đào tạo 01 năm để đảm bảo TTS sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang cần thiết trước khi xuất cảnh. Sau rất nhiều nỗ lực và kiên trì với định hướng này, Esuhai đã thành công. 

 

Đa số học viên còn rất trẻ, còn thiếu kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc. Vì vậy, Esuhai khuyến khích học viên nửa ngày đi học, nửa ngày đi làm, để từ đó làm quen với môi trường làm việc thực tế, đồng thời qua đó học viên sẽ cảm nhận được giá trị của việc được đi học, biết quý trọng cơ hội được đào tạo và nỗ lực hơn vì mục tiêu của mình.

 

Lớp học ODEN chính là một điểm quan trọng góp phần làm nên thành công của Esuhai. Đây là lớp học truyền cảm hứng từ người đi trước truyền đạt cho người đi sau, mang đến cho học viên những chia sẻ rất thực tế và gần gũi về bài học thành công và thất bại, những nguyên tắc sống để thành công, cách thiết lập mục tiêu và kế hoạch thực hiện mục tiêu. Đây cũng là giờ học để lan tỏa những điều tốt đẹp, thay đổi nhận thức và thái độ sống, truyền cảm hứng về tinh thần lạc quan, tích cực. Lớp học do chính thầy Hiệu trưởng – Tổng Giám đốc Lê Long Sơn trực tiếp giảng dạy mỗi tuần một lần. Ban Giám đốc của công ty, mặc dù bận rộn với công tác quản lý và tiếp đón đối tác, nhưng luôn sắp xếp thời gian để tham gia đứng lớp trong giờ học ODEN này.

  • VỀ KHÂU TẠO NGUỒN

Ứng viên của công ty hầu hết có trình độ Cao đẳng hoặc Trung cấp;

 

Nguồn ứng viên đến với Esuhai là đến trực tiếp, không từ bất kỳ đơn vị môi giới nào, mà thông qua chính TTS của Esuhai đang làm việc ở Nhật Bản (giới thiệu họ hàng, bạn bè, người thân), hoặc tự các TTS tại Nhật Bản hỏi han, chia sẻ thông tin với nhau để giới thiệu về cho gia đình, bạn bè.

  • VỀ VẤN ĐỀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO TTS VỀ NƯỚC

Esuhai coi “Đào tạo và việc làm” là cốt lõi trong sự nghiệp hoạt động của mình. Công ty mong muốn đào tạo TTS để phái cử sang Nhật Bản, sau đó tiếp tục trở về phát triển sự nghiệp ở Việt Nam. Vì vậy, Esuhai thành lập  phòng “Việc làm trong nước”, đến nay đã trải qua 05 năm hoạt động, với các chi nhánh ở cả 3 miền. Mô hình giới thiệu việc làm của Esuhai thông qua website: vieclamjapan.com. Mặc dù hoạt động này không mang lại lợi nhuận cho công ty, sau 05 năm hoạt động đến nay mới có thể tự trang trải chi phí vận hành và chi phí cho nhân sự, nhưng Esuhai coi đây là “việc cần phải làm” trong sự nghiệp của mình.


Trước khi sang Nhật, TTS được mở CV trên Website Vieclamjapan.com. Esuhai hướng dẫn cho TTS cách thức xin việc khi về nước, tự chủ được quá trình tìm việc của mình, hỗ trợ để các TTS và chủ sử dụng có thể kết nối được với nhau. Trong thời gian 03 năm ở Nhật Bản, TTS sẽ cập nhật CV, và khi về nước rất nhiều TTS đã có công việc ngay.

 

Hàng tháng, công ty tổ chức các buổi đón nhận TTS về nước và xem đó như là buổi lễ tốt nghiệp mà Esuhai đặt ra cho chương trình phái cử mà công ty xem đó là đào tạo Đại học 04 năm (01 năm trước xuất cảnh, 03 năm ở Nhật). Tại đây, các TTS về nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm và quá trình làm việc, học tập tại Nhật cho các học viên khóa sau, đồng thời cũng là dịp để Esuhai đánh giá, khen thưởng, định hướng, tư vấn về việc làm cho các bạn TTS về nước;

 

Sau khi TTS về nước, Esuhai còn tổ chức lớp đào tạo quản lý sản xuất, bởi vì phương châm của công ty là sau khi đi về các TTS này không thể làm công nhân nữa. Trước khi đi, họ đã làm công nhân với mức lương 3- 5 triệu, nhưng khi về sẽ không bằng lòng với mức lương đó. Nếu công ty giới thiệu việc làm mà chỉ là việc làm công nhân thôi thì chắc chắn họ sẽ không làm. Cho nên, nếu muốn lương cao thì đòi hỏi các TTS này phải có những kỹ năng, năng lực quản lý thì mới có thể giới thiệu được việc làm. Esuhai mở khóa đào tạo này để huấn luyện cho họ những kỹ năng quản lý trong sản xuất, các khóa học ngắn hạn cần thiết. Sau đó, công ty sẽ giới thiệu những đối tượng này vào các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

  • VỀ VẤN ĐỀ GIẢM THIỂU TỶ LỆ TTS BỎ TRỐN

Không dùng chế tài về đặt cọc, mà dùng đào tạo để thay đổi nhận thức của học viên;

 

Giúp học viên xác định rõ mục tiêu dài hạn và kế hoạch đạt được mục tiêu, coi việc đi Nhật là quá trình đào tạo và trở về Việt Nam để phát triển sự nghiệp, thay vì sống lưu vong ở nước ngoài;

 

Coi trọng việc lựa chọn đối tác tốt, lựa chọn đơn hàng phù hợp, đàm phán đảm bảo thu nhập và chế độ làm việc tốt để TTS an tâm trong thời gian ở Nhật;

Hỗ trợ TTS, giúp họ an tâm với tương lai công việc sau khi về nước.

 

Theo ông Momoi Ryusuke, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, số lượng TTS Việt Nam tại Nhật Bản đến thời điểm cuối tháng 12 năm 2016 là 88,211 người, vượt qua số lượng TTS Trung Quốc là 81,000 người, và đang đứng số 1, trở thành nước phái cử nhiều TTS sang Nhật Bản nhất. 

Nhu cầu tiếp nhận TTS hàng năm của Nhật Bản rất lớn, trong khi năng lực cung ứng của mỗi DN đều có hạn và còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, với việc phát triển thị trường đang ở giai đoạn “nóng” như hiện nay và sự tham gia của ngày càng nhiều DN, nếu chất lượng TTS không đảm bảo, tình trạng bỏ trốn, vi phạm hợp đồng, vi phạm luật pháp gia tăng, nhiều DN làm kiểu chộp giật, cạnh tranh không lành mạnh thì nguy cơ đánh mất thị trường là rất lớn, kể cả DN làm tốt hay chưa tốt đều sẽ bị ảnh hưởng. 

 

Chính vì vậy, lãnh đạo Hiệp hội XKLĐ và lãnh đạo Ban thị trường Nhật Bản mong muốn thông qua các hoạt động như thế này để lan tỏa những cách làm tốt, xây dựng một cộng đồng DN hoạt động hướng đến cái chuẩn mực và gắn kết chặt chẽ với nhau vì sự phát triển lâu dài của chính DN và sự phát triển thị trường bền vững. Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ, đánh giá cao đề xuất tổ chức của Ban Nhật Bản và tinh thần hăng hái tham gia của các DN. Cũng theo ông, việc tổ chức hoạt động lần này thể hiện rằng các DN như Esuhai đã vượt qua rào cản để sẵn sàng chia sẻ thông tin, cách thức, mô hình làm tốt cũng như không giấu giếm những điểm còn tồn tại cho các DN đồng nghiệp, không ngại chấp nhận sự cạnh tranh, hướng tới sự cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở chất lượng dịch vụ và xây dựng một cộng đồng DN tốt, cùng nhau phát triển.


NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này