scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Phái đoàn ngoại giao nhân dân Nhật Bản tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Việt Nam
02/10/2014
811
Sáng nay, 1-10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung có buổi làm việc với Phái đoàn ngoại giao nhân dân Nhật Bản (FEC) do ông Yoshihico Nakagaki- Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Ủy ban hợp tác văn hóa, kinh tế Việt Nam-Nhật Bản làm trưởng đoàn.

Ông Yoshihico Nakagaki (bên trái) và Thứ trưởng Trương Chí Trung.

Cùng tham gia đoàn FEC sang thăm Việt Nam có 20 thành viên là đại diện một số tập đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản với mục đích tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Yoshihico Nakagaki bày tỏ 4 vấn đề đoàn quan tâm là giải pháp của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); định hướng phát triển các ngành công nghiệp; hiện trạng giá các dịch vụ công ích như điện, nước... tiến tới đảm bảo các doanh nghiệp có thể bù đắp chi phí sản xuất; nguồn vốn để cải thiện cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho phát triển đất nước.

Cảm ơn đoàn vì những quan tâm hết sức thiết thực đến những vấn đề quan trọng của Việt Nam, Thứ trưởng Trương Chí Trung đã trao đổi từng vấn đề.

Về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào AEC, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam thực hiện đổi mới sau nhiều thập kỷ hứng chịu chiến tranh và cấm vận sau đó chuyển từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường. Việc phát triển kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào thị trường, dòng vốn và hỗ trợ từ bên ngoài, do đó, chủ trương của Chính phủ Việt Nam là phát triển trong nước gắn liền với chủ động hội nhập khu vực cũng như quốc tế.

Thực hiện chủ trương này, năm 1995, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của ASEAN, ký kết AFTA (Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN) và có khoảng 10 năm để thực hiện các mục tiêu của xây dựng khu vực tự do ASEAN.

Sau 10 năm hội nhập ASEAN, Việt Nam đã hội nhập với toàn cầu thông qua việc trở thành thành viên của WTO, ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều nước và hiện tại đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh châu Âu (EU)...

Quang cảnh buổi tiếp

Thứ trưởng Trương Chí Trung đánh giá: 20 năm từng bước hội nhập, những cam kết quốc tế đã góp phần lớn giúp Việt Nam hoàn thành những thể chế trong nước, đồng thời từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho tất cả các lĩnh vực kể cả tài chính, ngân hàng...

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, so với yêu cầu, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Để giải quyết vấn đề này, cách đây 3 năm, Chính phủ Việt Nam đã có Chiến lược tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế trong đó tập trung tái cấu trúc đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng thương mại và đến nay đã và đang đạt được những mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng bày tỏ cảm ơn tới các doanh nghiệp Nhật Bản đã tích cực tham gia, trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình tái cấu trúc. Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính Việt Nam nói riêng luôn ủng hộ và mong muốn phía Nhật Bản tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình này- Thứ trưởng Trương Chí Trung nhấn mạnh.

Về nội dung phát triển các ngành công nghiệp, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển cho ngành này, đặc biệt là việc ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ với những chính sách hết sức ưu đãi. Việt Nam hi vọng các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam đồng thời tham gia mạnh mẽ vào quá trình xây dựng chính sách, đề xuất kiến nghị về nguồn lực cho công nghiệp phụ trợ.

Về giá cả các dịch vụ tiêu dùng điện, nước..., Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết, việc quản lý giá các mặt hàng này hầu hết đã theo thị trường. Nhà nước không thực hiện bao cấp giá các dịch vụ này nữa và đưa ra lộ trình rõ ràng, cụ thể để tiến tới đảm bảo các doanh nghiệp đủ chi phí sản xuất.

Thứ trưởng chia sẻ, Chính phủ Việt Nam chủ trương khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực sản xuất các dịch vụ này, do đó, các chính sách được ban hành đều rất ưu tiên nhằm xã hội hóa, khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia như: thuế ưu đãi cao, Nhà nước bảo lãnh các khoản vay vốn; ưu tiên cho vay lại vốn ODA từ các tổ chức quốc tế với lãi suất thấp...

Đồng ý với ông Yoshihico Nakagaki về vấn đề cần giải quyết ngay những yếu kém trong cơ sở hạ tầng của Việt Nam để nâng cao năng lực cạnh tranh,Thứ trưởng chia sẻ, nhu cầu nâng cao cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn nhiều. Chính phủ đã, đang và sẽ đa dạng hóa nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này thông qua các chính sách BOT, BT và tới đây là vận hành chính sách hợp tác công - tư PPP.

Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang giúp Việt Nam hoàn thiện cơ sở pháp lý và đẩy mạnh PPP. Thứ trưởng mong rằng, phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ để thúc đẩy quá trình này trong thời gian tới, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng tại Việt Nam

Theo báo Hải Quan online

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này