scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Esuhai - KYS thăm Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn
28/02/2013
3111

ESO - Sáng ngày 24.02.2013, đại diện công ty Esuhai và các bạn trẻ Kaizen Yoshida School đã đến thăm và trò chuyện cùng các cụ bà ở Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn (469 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, TP. HCM) với mong muốn mang lại niềm vui cùng tình yêu thương ấm áp đến với hơn 60 cụ bà neo đơn trong những ngày đầu Xuân Quý Tỵ 2013.

Anh Sơn Tùng - Đại diện công ty Esuhai và Kaizen Yoshida School gửi đến Dì phụ trách Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn món quà nhỏ đầu Xuân Quý Tỵ 2013

Các bạn trẻ Esuhai – Kaizen Yoshida School đến bên giường thăm hỏi và trò chuyện cùng các cụ bà ở phòng dành cho các cụ liệt

Đẩy bà đi dạo và mát xa khi bà nhức đầu

Ân cần, chậm rãi đút từng thìa cơm, muỗng cháo cho các cụ bà ở phòng dành cho các cụ liệt vào giờ ăn

Cùng hát vang bài hát “Cháu yêu bà” tặng các bà lành vào giờ ăn trưa với tất cả tình thương yêu

Và đến từng bàn ân cần trao tặng các bà những phong bao đỏ thắm mừng tuổi các bà

Dọn dẹp phòng ăn và rửa chén cho các bà sau bữa trưa

Nụ cười rạng rỡ hạnh phúc của bà bên các bạn trẻ Esuhai - Kaizen Yoshida School

“Thăm và trò chuyện cùng các cụ bà ở nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn” là hoạt động xã hội (HĐXH) đầu tiên được triển khai từ kinh phí Quỹ HĐXH Esuhai - Kaizen Yoshida School năm 2013. Esuhai - KYS mong muốn thông qua các HĐXH triển khai trong năm sẽ mang lại nhiều hơn nữa tình yêu thương cùng sự nâng đỡ cho các mảnh đời bất hạnh cần đến lòng quan tâm và sự sẻ chia.

Dưới đây, Esuhai - KYS xin được giới thiệu đến quý độc giả những cảm xúc, tình cảm chân thành của các bạn trẻ Esuhai - KYS sau chuyến đi thăm Nhà DLTTVS để cùng cảm nhận nhiều hơn niềm hạnh phúc khi được chia sẻ…

Sống trên đời cần có một tấm lòng…

Sáng chủ nhật ngày 24/02 cũng như bao buổi sáng chủ nhật khác nhưng thật đặc biệt và vô cùng ý nghĩa với chúng tôi vì hôm nay chúng tôi được cùng với cô giáo trường Kaizen và các anh chị ở Công ty ESUHAI đến thăm các cụ bà ở nhà dưỡng lão tình thương VINH SƠN.

Nhà dưỡng lão nằm trong khuôn viên rộng gần 1.200m vuông dưới những tán lá xanh mát xua đi cái nắng và sự ồn ào của thành phố nhộn nhịp khiến cho lòng người cảm thấy thật yên bình.

Khi chúng tôi đến trò chuyện, các cụ đã cười rất nhiều và rất vui! Trong số hơn 60 cụ đang được nuôi dưỡng tại đây, có rất nhiều cụ sức khỏe quá yếu và không đi lại được. Thật xót xa khi thấy các cụ nằm bất động trên những chiếc giường nhỏ như những chiếc lá vàng héo hắt… Chúng tôi chia nhau đến từng giường xoa bóp tay chân và chuyện trò cùng các cụ… cảm giác của chúng tôi những lúc ấy vui như đang nói chuyện với bà nội, bà ngoại của mình vậy. Đối với chúng ta 1 tiếng đi uống café hay 2 tiếng chơi game thì bình thường nhưng với các cụ già neo đơn nơi đây thì có người đến thăm và trò chuyện trong khoảng thời gian ấy là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao trong tuổi xế chiều của cuộc đời.


Ngoài lời chúc cho chúng tôi mạnh khỏe, học giỏi, làm việc tốt…, các bà còn nắm chặt tay chúng tôi và hỏi "Con có đến nữa không?!" - Lời của bà khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi và xúc động... Mỗi cụ bà nơi đây là mỗi cảnh đời, mỗi quê hương khác nhau. Có cụ bị lạc từ năm 13 tuổi từ vì chiến tranh, sau đó bôn ba từ ngoài Bắc vào miền Nam để sinh sống, làm đủ nghề và không biết mình đã già từ lúc nào, chỉ biết đã sống ở đây được 10 năm. Một cuộc đời khác là một cụ quê ở Quảng Trị, không chồng không con, một thời gian dài cụ sống ở Đà Lạt, sau lần cụ bị té, cụ được chuyển đến đây để điều trị… và còn nhiều cuộc đời không may mắn nữa… Tất cả đều xem đây là ngôi nhà yêu thương của mình.

Nếu có dịp đến thăm và trò chuyện cùng các cụ bà, được tận mắt chứng kiến công việc chăm sóc người lớn tuổi của các dì, các chị tại Nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn hẳn các bạn sẽ càng thêm hiểu ý nghĩa của lời hát “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng”…

Xin được thay mặt cho tất cả học viên xin gửi lời cảm ơn chân thành đến công ty Esuhai và trường Kaizen đã tạo điều kiện cho chúng em có dịp góp một chút công sức nhỏ nhoi của mình vào hoạt động xã hội rất ý nghĩa này. Mong các bạn hãy mở lòng mình để cuộc sống trở nên có ích hơn !

Ước mong trong tương lai, công ty Esuhai và trường Kaizen sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa như thế này nữa để chúng em được tham gia và học tập nhiều hơn nữa.

Các học viên Kaizen Yoshida School


Xin hãy dành thời gian chăm sóc ông bà, cha mẹ lúc về già !

 

Buổi sáng chủ nhật ngày 24/02 là một buổi sáng nhiều cảm xúc khi tôi cùng các anh chị đồng nghiệp công ty Esuhai và các bạn học viên Kaizen Yoshida School đến thăm các cụ bà ở nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn.

Ngôi nhà chung ấy là nơi hội tụ của những cụ bà đã trải qua hơn nửa đời người… mỗi cụ làmỗi số phận, mỗi hoàn cảnhkhác nhau, có cụbơ vơ tuổi già phảitự tìm đến nhà tình thương, có cụ được gia đình đưa vào, có cụ do mồ côi từ nhỏ sống phiêu bạt nên lúc về già được đưa đến tựa nương nơi này... Dù là hoàn cảnh nào thì các cụ đều đang rất cô đơn, rất cần sự chia sẻ, quan tâm, trò chuyện của người thân. Vẫn biết rằng nhà tình thương thường xuyên tiếp nhận sự viếng thăm của các tổ chức, đoàn thể cũng như hàng ngày các cụ được các sơ, các chị chăm sóc rất tận tình… nhưng điều đó dường như vẫn không đủ để khỏa lấp nỗi cô đơn trong lòng của các cụ, nhất là đối với các cụ vẫn còn gia đình, vẫn còn con cháu, nhưng do nhiều lý do mà đã từ rất lâu các cụ chưa được gặp lại người thân...

Nhìn cảnh xế chiều cô đơn như thế, tôi không khỏi chạnh lòng… “Con cái lớn lên, lập gia đình, chúng nó đều có tổ ấm riêng để lo, biết có đủ thời gian để mắt tới người già này hay không? Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi, làm cha làm mẹ chẳng dám trách cứ con cái...” - Lời nói của một cụ mà tôi được tiếp xúc vào hôm ấy đã khiến tôi không khỏi nghĩ suy, có lẽ niềm ao ước, mong mỏi lớn nhất của các cụ chỉ là cầu mong con cháu hiếu thuận, tuổi già không phải chịu cảnh cô đơn...

Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý thì giai đoạn tuổi già con người có xu hướng trở lại thời... trẻ con, có tâm lý thất thường hay giận dỗi. Tình cảm gia đình, khoảng cách giữa các thế hệ đang ngày càng xa nhau nên khó tìm được tiếng nói chung về quan điểm. Đối với người già thì đây là điều khó chấp nhận nên họ dễ có cảm giác buồn phiền, cô đơn, lạc lõng. Vì thế mỗi người - những ai đang còn cha còn mẹ, đang sống cùng các cụ xin hãy dành thêm thời gian quan tâm, chăm sóc cũng như chuyện trò, chia sẻ để các cụ được hưởng trọn niềm vui của tuổi già...!

Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!

                                             (Trích lời dạy nhà Phật)                                                             

Hồng Vân

 

Xin hãy yêu thương và phụng dưỡng đấng sinh thành để trọn đạo hiếu của người con !

 

Trong chuyến đi hoạt động xã hội do Cty TNHH Esuhai & Trường Nhật ngữ Kaizen tổ chức, tôi đã có dịp tiếp xúc với các cụ bà ở nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn, thời gian gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng đã đọng lại trong tâm trí tôi bao cảm xúc và suy nghĩ…

Khi trò chuyện với các cụ bà, tôi biết được nhiều hoàn cảnh khác nhau của các cụ. Một cụ thì không có gia đình lại bị tai biến, chỉ còn người thân là một em trai và em gái nhưng vì hoàn cảnh kinh tế  không thể chăm sóc cụ nên họ đã gửi cụ vào nhà dưỡng lão Vinh Sơn cũng gần 6 năm nay. Một cụ khác thì có 3 mẹ con, người con lớn thì theo chồng xuất ngoại để mẹ và em gái bị tâm thần ở lại sống nương nhờ tình thương của các nhà hảo tâm và các tổ chức xã hội. Tuy nhiên cũng có những cụ đều có con và cháu nhưng không ai nuôi dưỡng các cụ lúc tuổi xế chiều mà lại gửi các cụ vào nhà dưỡng lão, từ đó cũng không đến thăm hỏi…!

Chia sẻ với các cụ, tôi hỏi “Điều gì làm ngoại vui nhất khi ở đây?” Cụ bảo “Ở đây vui vì được các sơ chăm sóc, các đoàn thể thể xã hội thường xuyên quan tâm, động viên chia sẻ, thăm hỏi và nói chuyện cũng như phát quà động viên tinh thần…”. Đang chia sẻ cùng tôi bỗng nhiên đôi mắt cụ thoáng buồn , tôi hỏi “Sao ngoại buồn vậy?” - Cụ bảo: “Có đôi khi thấy mấy cụ bên cạnh có người thân vào thăm hỏi, bà cảm thấy nhớ nhà, nhớ người thân và con cháu quá mà lâu quá nó không vào thăm bà”. Câu nói đó làm tôi thấy nhói trong tim, bởi lẽ tôi cũng là một người con, một người cháu tha phương cầu thực, tôi cũng hiểu tâm trạng của ngoại, của mẹ mình.Lúc về già các cụ đâu cần chi tiền bạc, điều các cụ cần là lời thăm hỏi, quan tâm và chăm sóc… Những giá trị về tinh thần mới đáng quý, mới làm cho các cụ mạnh khỏe sống lâu và từ đó chúng ta mới chu toàn được chữ “hiếu” của đạo làm con. Tôi xin được trích đoạn bài thơ sau:

Con đi đâu con về đâu

Cuộc đời của mẹ là câu trả lời

Cho con nỗi nhớ không rời

Cho con ấm cả chân trời nắng lên

Ngày về tóc mẹ bạc thêm

Cho con chân cứng đá mềm phương xa

Đôi khi nhìn nắng chiều tà

Lòng như thấp thoáng quê nhà nhớ thương

Nhớ thương xin đừng khóc thầm

Lời ru của mẹ ngàn năm vẫn còn

Lời thơ cho ta hiểu được tấm lòng bao dung của người mẹ lúc nào cũng mong cho con mình được lớn khôn, được hạnh phúc, được nên người thế là mẹ vui rồi. Nhưng những người con xa quê nào có hiểu được tâm trạng của người mẹ, đâu có biết mẹ mình cần gì… cứ chạy đi và chạy đi mãi đến một lúc nào đó quay về thì đã muộn. Qua đây tôi cũng xin nhắn nhủ với những người còn mẹ còn cha xin hãy biết quý trọng điều mình đang có, hãy yêu thương và phụng dưỡng đấng sinh thành của mình để trọn đạo hiếu của người con!

Giây phút tạm biệt các cụ, một cụ nhìn tôi và nói “See you again next time”  làm tôi ngạc nhiên và hứa với cụ nhất định rồi ngoại. Con sẽ lại đến thăm ngoại nữa. Ngoại nhớ giữ gìn sức khỏe ngoại nhé !

Phạm Sơn Tùng

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này