scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Bản tin Pháp lý tháng 08.2012
31/08/2012
751

HÀNH CHÍNH - THỦ TỤC

THÊM MỨC THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ

Ngày 13/8/2012 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 134/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí đường Quốc lộ 51.

Chi tiết mức thu phí được BTC quy định tại Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ các trạm thu phí đường bộ tại Km 11 và Km 56+450 Quốc lộ 51 ban hành kèm theo TT này.

Theo đó, các loại phương tiện lưu thông chịu phí bao gồm: xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng; Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn; Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn; Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng Container 20 fit; Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng Container 40 fit.

Đơn vị thu phí phải cấp Biên lai thu phí hoặc hoá đơn giá trị gia tăng cho người nộp phí tùy trường hợp được quy định cụ thể trong TT.

TT có hiệu lực từ ngày 01/10/2012. Thời gian bắt đầu thu phí theo TT này kể từ khi Bộ GTVT ban hành QĐ cho phép thu phí.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ SẢN XUẤT VÀNG MIẾNG

Ngày 23/8/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Quyết định 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm điều hành chính sách tiền tệ và cung cầu vàng miếng trên thị trường.

Theo đó, NHNN giao Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC gia công vàng miếng SJC 99,99% trên nguyên tắc NHNN quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất, nguồn vàng nguyên liệu, khối lượng loại vàng miếng SJC được sản xuất.

Nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC là vàng nguyên liệu của NHNN, vàng miếng đã được NHNN cho phép sản xuất trong từng thời kỳ, vàng miếng SJC do công ty SJC đã sản xuất, gia công có ít nhất một trong các đặc điểm: Không đủ trọng lượng, bị cắt dũa, mài mòn; Bị trầy xước; Bị đóng thêm các dấu hiệu, ký hiệu không phải của công ty SJC; Bị biến dạng.

Bên cạnh đó, Quyết định quy định cụ thể quy trình gia công vàng miếng SJC từ từng nguồn vàng nguyên liệu khác nhau. Đặc biệt là quy trình gia công lại vàng miếng SJC bị cắt dũa, mài mòn, trầy xước, biến dạng…. Quy định này đã làm giảm được nỗi lo của tổ chức, cá nhân đang giữ vàng miếng SJC móp méo không được thu mua hoặc bị ép giá.

Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

LỆ PHÍ CẤP PHÉP CHO VPĐD TĂNG GẤP 3 LẦN

Mức thu lệ phí cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đối với trường hợp cấp mới là 3.000.000 đồng/giấy phép so với quy định cũ là 1.000.000 đồng/giấy phép.

Nội dung trên được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 133/2012/TT-BTC ngày 13/8/2012 về chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Theo quy định của Thông tư 73/1999/TT-BTC ngày 14/6/1999, các trường hợp đã được cấp giấy phép, xin gia hạn thêm thời gian hoạt động không phải nộp lệ phí. Nhưng theo quy định mới, khi cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thì lệ phí sẽ là 1.500.000 đồng/giấy phép. Lệ phí thu bằng Đồng Việt Nam (VNĐ) và là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước.

Sở Thương mại, Sở Thương mại - Du lịch thực hiện việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo quy định tại Nghị định 72/2006/NĐ-CP.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2012 và thay thế Thông tư 73/1999/TT-BTC ngày 14/6/1999.

TÁI CHÍNH - NGÂN HÀNG

ĐIỂM MỚI TRONG HUY ĐỘNG, CHO VAY BẰNG VÀNG

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 24/2012/TT-NHNN ngày 23/08/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 1 Thông tư 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng.

Theo quy định cũ, tổ chức tín dụng không được thực hiện cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các tổ chức tín dụng khác (kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết); không được gửi vàng tại tổ chức tín dụng khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng.

Thông tư 24/2012/TT-NHNN ra đời có sự sửa đổi, bổ sung như sau: Trong trường hợp đặc biệt, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ xem xét, quyết định việc thực hiện vay và cho vay vốn bằng vàng giữa một số tổ chức tín dụng với nhau.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/08/2012.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ GIAO DỊCH TIỀN MẶT

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc nhà nước giao dịch tiền mặt với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tối đa 2lần/ngày và phải thông báo trước thời điểm giao dịch ít nhất 2 giờ.

Đây là một trong những nội dung mới nhất được quy định tại Thông tư 23/2012/TT-NHNN về chế độ điều hòa tiền mặt, giao dịch tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 09/08/2012.

Theo đó, NHNN tổ chức điều hòa tiền mặt trong hệ thống NHNN thông qua hoạt động của Quỹ dự trữ phát hành và Quỹ nghiệp vụ phát hành; thực hiện việc phát hành tiền vào lưu thông và thu tiền từ lưu thông về thông qua hoạt động thu, chi tiền mặt và các hoạt động nghiệp vụ khác của NHNN đối với khách hàng.

Ngoài ra, thông tư còn quy định NHNN chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho khách hàng trên cơ sở số dư tài khoản tiền gửi; Dự báo tình hình thu, chi tiền mặt hàng quý gửi Cục Phát hành và Kho quỹ; NHNN chi nhánh thường xuyên kiểm tra tình hình thu, chi tiền mặt trên địa bàn để xác định cơ cấu các loại tiền mặt chi ra lưu thông.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 24/09/2012 và thay thế Quyết định số 25/2008/QĐ-NHNN ngày 08/09/2008.

LAO ĐỘNG - BẢO HIỂM

QUY ĐỊNH MỚI VỀ XẾP BẬC LƯƠNG

Ngày 27/8/2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư 20/2012/TT-BLĐTBXH về việc sửa đổi một số điều của thông tư 25/2011/TT-BLĐTBXH.

Theo đó người tốt nghiệp cao đẳng nghề làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 3 (quy định cũ là bậc 2) của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh của nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 4 (quy định cũ là bậc 3) của chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành phục vụ.

Đối với người tốt nghiệp trung cấp nghề làm công việc của chức danh nhân viên văn thư thì xếp vào bậc 2 (Quy định cũ là bậc 1) của chức danh nhân viên văn thư; làm công việc của chức danh nhân viên phục vụ thì xếp vào bậc 3(Quy định cũ là bậc 2)của chức danh nhân viên phục vụ theo bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ.
Người tốt nghiệp cao đẳng nghề làm công việc của công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc các ngành, nhóm ngành cơ khí, điện, điện tử - tin học; xây dựng cơ bản, luyện kim, hoá chất, địa chất, đo đạc cơ bản; khai thác mỏ lộ thiên; khai thác mỏ hầm lò và dầu khí thì xếp vào bậc 4 của thang lương 6 hoặc 7 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng. Nếu là tốt nghiệp trung cấp nghề thì xếp vào bậc 3 của thang lương 6 hoặc 7 bậc của ngành, nhóm ngành tương ứng.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2012.   

HÀNH VI BỊ CẤM TRONG HOẠT ĐỘNG BẢO HIỂM

Đại lý bảo hiểm không được thực hiện quảng cáo sai sự thật về nội dung, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, điều kiện và điều khoản bảo hiểm làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm; …

Đó là nội dung được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 124/2012/TT-BTC về hướng dẫn Nghị định 45/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Nghị định 123/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.

Ngoài ra, đại lý bảo hiểm không được ngăn cản bên mua bảo hiểm cung cấp các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hoặc xúi giục bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm không kê khai các chi tiết liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; Tranh giành khách hàng dưới các hình thức; Khuyến mại khách hàng dưới hình thức bất hợp pháp; Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới.

Doanh nghiệp hoạt động môi giới bảo hiểm không được hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng giao kết hợp đồng bảo hiểm; Xúi giục bên mua bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hiện có để mua hợp đồng bảo hiểm mới; Hợp tác với cá nhân, tổ chức (trừ doanh nghiệp môi giới bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 52 Thông tư này) để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn của quá trình môi giới bảo hiểm.…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/10/2012 và thay thế Thông tư 155/2007/TT-BTCngày 20/12/2007.

SẼ TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG VÀO NĂM 2013

Mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Đó là kế hoạch điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2013 đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến tại Công văn 2750/LĐTBXH-LĐTL, ban hành 09/8/2012 vừa qua.

Theo đó, có 2 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng trong doanh nghiệp năm 2013. Phương án 1: Điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo lộ trình đã trình Ban chấp hành Trung ương, mức điều chỉnh tăng bình quân 4 vùng khoảng 36%, cụ thể: Vùng 1: Mức 2.700.000 đồng/tháng; Vùng 2: Mức 2.400.000 đồng/tháng; Vùng 3: Mức 2.130.000 đồng/tháng; Vùng 4: Mức 1.930.000 đồng/tháng. Phương án 2: Căn cứ tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2012 gặp nhiều khó khăn, điều chỉnh tiền lương tối thiểu bằng khoảng 90% so với phương án 1, mức điều chỉnh tăng bình quân 4 vùng còn khoảng 25%, cao nhất là vùng 1 với mức 2.500.000 đồng/tháng.

Mức lương cơ bản vùng của 2 phương án trên đưa ra đều tăng so với mức lương cơ bản vùng áp dụng từ 01/10/2011 đến hết 31/12/2012 từ 500.000 – 700.000 đồng/tháng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng 1, đạt mức nhu cầu tối thiểu. Tuy nhiên Phương án 1 sẽ gây bất lợi cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2012.

Chính phủ sẽ công bố điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp vào tháng 10/2012 và thực hiện từ ngày 01/1/2013.

THUẾ

DOANH NGHIỆP

HỖ TRỢ CHO DOANH NGHIỆP PHỤC VỤ QUỐC PHÒNG

Nhằm cụ thể hóa cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp (DN) trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, ngày 22/8/2012, Bộ Tài chính – Bộ Quốc phòng – Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch 141/2012/TTLT-BTC-BQP-BCA hướng dẫn Nghị định 104/2010/NĐ-CP.

DN trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được Nhà nước đầu tư đủ vốn điều lệ để hình thành tài sản trực tiếp phục vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ; Được miễn tiền thuê đất,  tiền sử dụng và kinh phí để duy trì, bảo dưỡng, sữa chữa và hỗ trợ lương cho người lao động trong biên chế thuế sử dụng đất đối với diện tích đất sử dụng trong thời gian trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; Được cấp thuộc các dây chuyền sản xuất sản phẩm trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất; Được hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập; Được trích quỹ khen thưởng, phúc lợi và quỹ thưởng ban quản lý điều hành, . . .

Một số khoản chi đặc thù của DN này như: chi phí tiền lương, BHXH, BHYT cho thời gian nghỉ chuẩn bị hưu; chi đảm bảo quân trang cho sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp…; chi cho công tác quốc phòng, an ninh… sẽ được hạch toán vào giá thành sản phẩm, dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh

Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/10/2012 và thay thế Thông tư liên tịch 118/2005/TTLT/BTC-BQP ngày 22/12/2005 và 159/2007/TTLT/BTC-BQP ngày 31/12/2007.

DỊCH VỤ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 127/2012/TT-BTC hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình thủ tục công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Theo đó, về tiêu chuẩn điều kiện, tổ chức tư vấn định giá phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm về 1 trong các lĩnh vực hoạt động sau: thẩm định giá, kiểm toán, kế toán, tư vấn tài chính, tư vấn chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp và có ít nhất 3 thẩm định viên về giá đã được cấp thẻ thẩm định viên về giá và đăng ký hành nghề thẩm định giá; đồng thời không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thẩm định giá.

Đối với các tổ chức tư vấn định giá nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam thì chỉ được phép cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa khi hợp tác, liên doanh với các tổ chức tư vấn định giá trong nước được Bộ Tài chính công nhận theo quy định.

Ngoài ra, từ 01/10 đến 31/10 hàng năm, tổ chức tư vấn định giá có trách nhiệm gửi báo cáo về kết quả hoạt động của mình cho Bộ tài chính. Đây là một trong những tiêu chí xem xét, đánh giá để tiếp tục cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp trong năm tiếp theo.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2012 và thay thế Quyết định 100/2007/QĐ-BTC.

MIỄN GIẢM THUẾ ĐỂ THÁO GỠ KHÓ KHĂN

Ngày 30/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân trong năm 2012.

Cụ thể, số thuế TNDN năm 2012 của Doanh nghiệp nhỏ và vừa kể cả hợp tác xã không thuộc các trường hợp: hoạt động trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty sẽ giảm 30%. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: Nông-lâm-thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động xây dựng công trình hạ tầng KT-XH cũng được ưu đãi tương tự.

Bên cạnh đó, hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, HSSV; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ sẽ được miễn thuế khoán (thuế GTGT, TNCN). Đối với những doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân cung ứng suất ăn ca cho công nhân cũng được miền thuế GTGT và thuế thu nhập.

Nghị định cũng quy định về trường hợp miễn thuế TNCN từ ngày 01/7/2012 đến hết ngày 31/12/2012 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 của Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật thuế TNCN.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/9/2012.

AN TOÀN VỀ SINH THỰC PHẨM

CHỈ ĐƯỢC BÀY BÁN THỊT, PHỤ PHẨM TRONG 8 GIỜ

Để hạn chế tình trạng vệ sinh ATTP đang ở mức báo động, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT ngày 20/7/2012 quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo ATTP đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm.

Theo đó, thịt và phụ phẩm được bày bán phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định

Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 08h; trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ 0 - 5oC thì chỉ được bày bán trong vòng 72h từ khi giết mổ. Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ 0 - 5oC chỉ được bày bán trong vòng 24h kể từ khi giết mổ.

Bao bì tiếp xúc trực tiếp với thịt và phụ phẩm phải được SX từ vật liệu an toàn, không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ, bảo đảm chất lượng của thịt và phụ phẩm trong thời hạn sử dụng, phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của PL.

Đối với chủ, người làm việc tại cơ sở kinh doanh thịt, phụ phẩm phải có giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về ATTP và giấy xác nhận đủ sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 3/9/2012.

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này