scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Cần chiến lược tiếp cận dài hạn với thị trường Nhật
05/12/2011
1004
ESO - Sau hai năm Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) có hiệu lực, danh mục hàng hoá được cắt giảm thuế quan khi xuất vào Nhật tăng dần với mức thuế suất ngày càng thấp hơn đang tạo thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.



Mặt hàng tôm xuất khẩu sang Nhật được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật có hiệu lực

Xuất khẩu vào Nhật gia tăng

Trong hội thảo “Tác động hai năm thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt - Nhật và hỗ trợ vay ưu đãi đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu từ Nhật” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho biết, quan hệ thương mại hai nước tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau khi có VJEPA. Trong 10 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã xuất sang Nhật 8,54 tỷ USD, nhập từ Nhật khoảng 8,4 tỷ USD. Như vậy, tuy không nhiều, nhưng Việt Nam cũng đã xuất siêu sang Nhật.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam như hàng nông nghiệp, lâm sản, thuỷ sản giá trị xuất khẩu cao đang có nhiều lợi thế ở Nhật do được hưởng thuế suất bằng 0% ngay khi VJEPA có hiệu lực. Có 23/30 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao nhất của Việt Nam được hưởng thuế suất 0%. Đặc biệt mặt hàng tôm được hưởng 0% ngay khi VJEPA có hiệu lực, mực và bạch tuộc cũng sẽ hưởng 0% sau 5 năm.

Các mặt hàng công nghiệp xuất sang Nhật cũng có mức thuế suất rất thấp từ 0% đến 5%. Trong đó, dệt may, giày dép, đồ gỗ, cơ khí cũng có những ưu đãi, đặc biệt cơ khí, cáp điện, máy tính và linh kiện đang hưởng thuế suất 0%.

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng rất tốt các ưu đãi từ ngành hàng này để đưa sản phẩm vào Nhật. Nhiều doanh nghiệp Nhật đặt nhà máy tại Trung Quốc đang muốn chuyển sang Việt Nam nếu các điều kiện hạ tầng của ngành này đáp ứng được. Nếu đón được làn sóng này thì giá trị xuất khẩu ngành thuỷ sản cả nước lên cao hơn nhiều, vì Nhật là thị trường tiêu thụ thuỷ hải sản chiếm đến 40% nhu cầu của thế giới hàng năm.

Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thành phố và Nhật đạt 3,87 tỷ USD (tăng 17,4% so năm 2009), trong đó xuất sang Nhật 1,81 tỷ USD (tăng 21,6% so 2009). Nhiều mặt hàng xuất khẩu chính của thành phố sang Nhật có tỷ lệ tăng trưởng cao so năm 2009 như dệt may 445,8 triệu USD (tăng 6,2% so năm 2009), điện - dây cáp điện 213,9 triệu USD (tăng 43,3%), hải sản 134,3 triệu USD (tăng 20,5%), giày dép 60 triệu USD (tăng 69,4%), rau quả 22,8 triệu USD (tăng 132,6%)…

Làm ăn lâu dài

Tuy nhiên, các tốc độ tăng trưởng trên chưa xứng tầm với kỳ vọng của hai Chính phủ. Doanh nghiệp trong nước chưa tận dụng hết ưu thế do VJEPA mang lại.

Ông Huỳnh Khánh Hiệp cho biết, từ tháng 5/2006, Nhật đã thực hiện Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm sửa đổi, trong đó thắt chặt quy định, bổ sung một số loại hoá chất không được phép có trong thực phẩm và giảm dư lượng hoá chất cho phép. Các tiêu chuẩn công nghiệp của Nhật (JIS) cũng có nhiều điểm khác biệt với tiêu chuẩn quốc tế, trong khi hầu hết các công ty Việt Nam (trừ các công ty liên doanh hay 100% vốn Nhật) từ lâu chỉ chú trọng đến hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, nên gặp lúng túng, khó khăn khi đối mặt tiêu chuẩn này.

Sản xuất sang Nhật cũng nhiều chi phí hơn bởi phải tăng các khâu thiết kế, kỹ thuật, bảo quản, vận chuyển… do người tiêu dùng Nhật rất chú ý và khắt khe về chất lượng, độ bền, sự tiện dụng, các dịch vụ hậu mãi… Hệ thống phân phối ở Nhật khá phức tạp, hàng hoá qua nhiều khâu trung gian nên đến tay người tiêu dùng giá rất cao so với giá nhập khẩu, vì thế doanh nghiệp phải chịu sức ép về giá để đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, trong khi hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng.

Doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thiếu thông tin về thị trường, kinh nghiệm làm ăn với doanh nghiệp Nhật, việc tiếp cận, khảo sát thị trường Nhật là một vấn đề.

Tại hội thảo, Tuỳ viên kinh tế Tổng lãnh sự quán Nhật tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tadashi Kikuchi cho biết ba yếu tố thành công tại thị trường Nhật là thu thập thông tin, chủ động tham gia các hội thảo - hội nghị liên quan đến thị trường Nhật và biết văn hoá kinh doanh của doanh nhân Nhật. Thời gian tới, nhiều doanh nghiệp Nhật sẽ sang khảo sát thị trường Việt Nam, tham quan các khu công nghiệp, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trực tiếp với họ.

Ông Tadashi Kikuchi cho rằng sau hai năm thực hiện VJEPA, giao thương giữa hai nước vẫn tăng lên dù tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn chứng tỏ nhu cầu của thị trường Nhật vẫn rất lớn. Vì thế doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược tiếp cận dài hạn. Cách thuận lợi nhất là đặt mối quan hệ mật thiết tại chỗ với đối tác Nhật để thu thập thông tin, khảo sát thị trường và tìm hiểu văn hoá kinh doanh để thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường và làm ăn lâu dài.

(Chinhphu.vn)

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này