Các bạn đã bao giờ nghe từ “Sustainable (Bền vững)” chưa? Từ này ghép giữa “sustain (duy trì)” và “able (có thể)”, có nghĩa là "có thể duy trì" và "tiếp tục mãi mãi". Và hiện tại, mọi người dân trên trái đất, không phân biệt quốc gia, cần phải xem xét và sửa đổi hành động của mình để thực hiện một "xã hội bền vững". Vậy thì tại sao việc hướng tới một “xã hội bền vững” ngay từ đầu là điều cần thiết?
00:00
00:00
Nguồn ảnh: Adobe Stock
Cuộc sống hàng ngày của chúng ta đang tốt lên từng ngày và được vây quanh bởi những vật dụng tiện lợi. Tuy nhiên, do các hoạt động kinh tế nhằm tạo ra các vật dụng phục vụ mục đích đó, nên nồng độ khí cacbonic trong khí quyển đang tăng mạnh, và nhiệt độ trung bình trên thế giới cũng tăng lên. Nếu nhiệt độ khí quyển tiếp tục tăng lên với tốc độ này, các chuyên gia dự đoán rằng nhiệt độ sẽ tăng thêm 4,8°C vào năm 2100. Ngoài ra, biến đổi khí hậu đang diễn ra ở nhiều nơi, gây ra các hiện tượng thời tiết bất thường như mưa lớn cục bộ.
Nếu chúng ta tiếp tục sống mà không thay đổi lối sống như hiện tại, thế hệ con cháu của chúng ta trong tương lai sẽ không thể sống trên hành tinh này được nữa. Ngay cả tương lai của chúng ta cũng không được đảm bảo. Để giải quyết thách thức toàn cầu này và tạo ra một "xã hội bền vững", bây giờ chúng ta có thể làm được những gì? Trong bài viết này, ESUHAI xin giới thiệu với các bạn 10 thói quen giúp ích cho môi trường.
1. Mang theo chai đựng nước cá nhân
Các bạn đã từng rơi vào hoàn cảnh phải mua một chai đồ uống đóng chai khi đang đi làm hoặc khi đi ra ngoài, hay là phải thải rác thải là các chế phẩm nhựa plastic khi các bạn mua đem về từ một quán cà phê? Thật lãng phí khi chúng ta vứt đi một rác thải nhựa mỗi lần chúng ta uống một thức uống gì đó phải không nào? Mua một chai đựng cá nhân mà các bạn thích để dùng được nhiều lần, sẽ làm cho cuộc sống của các bạn thoải mái hơn nhiều.
2. Giảm lượng thức ăn thừa
Thức ăn thừa bỏ đi chiếm tỷ lệ rất lớn trong lượng rác hàng ngày. Thế nên, để giảm thiểu lượng rác đó, chúng ta chỉ nên mua lượng thức ăn vừa đủ và cố gắng sử dụng hết lượng đồ ăn đã mua. Dù giá rẻ hay được giảm giá bao nhiêu đi chăng nữa thì chúng ta cũng cố gắng đừng mua quá nhiều đồ ăn, để lâu bị hỏng rồi phải vứt đi!
3. Ý thức tiêu dùng hàng địa phương sản xuất
Nếu người dân sống ở địa phương đó mua rau và thịt trồng tại bản địa, thì sẽ không tạo ra khí thải và nhiên liệu khi xe cộ vận chuyển nguyên liệu thực phẩm. Và chúng ta có thể ăn các nguyên liệu tươi hơn, thật là “Một mũi tên trúng hai đích" phải không nào!
4. Sử dụng những đồ dùng có thể dùng được lâu
Trong thời hiện đại, người ta thường mua đồ rẻ rồi vứt ngay sau đó để mua đồ mới, nhưng rác được sinh ra từ đó lại được xuất khẩu sang các nước nghèo và gây ô nhiễm nguồn nước biển. Rác thải do chúng ta tạo ra không tự nhiên biến mất. Bắt đầu từ việc để ý thức xem chúng ta vứt đi những gì mỗi khi bỏ rác, và tiêu dùng có ý thức hơn về lâu về dài mà không làm mất đi giá trị của những thứ mà chúng ta vẫn còn có thể sử dụng. Vì thật ra có nhiều món đồ mà chỉ cần chúng ta sửa lại một chút là vẫn còn có thể sử dụng tốt.
5. Thử sử dụng văn phòng phẩm sinh thái và thiết bị đầu cuối kỹ thuật số
Nguyên liệu của các món đồ văn phòng phẩm như bút chì và sổ tay là gỗ. Tức là, đồ văn phòng phẩm được sản xuất từ nguồn tài nguyên hữu hạn. Do đó, trong những năm gần đây, các thiết bị đầu cuối kỹ thuật số như điện thoại thông minh và máy tính laptop đã dần thay thế đồ văn phòng phẩm. Chúng ta nên ý thức hơn về việc giảm rác thải hết mức có thể. Thêm nữa, có nhiều loại bút chì và sổ tay được làm bằng cách tái chế, chúng ta nên lựa chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường như vậy.
6. Mang theo túi đựng cá nhân khi đi mua sắm
Túi đựng đồ được làm bằng nhựa, nếu thành rác, thì rất lâu mới có thể phân huỷ. Chúng ta hãy luôn mang theo và sử dụng túi đựng đồ cá nhân (Eco bag). Có nhiều lợi ích khi mang túi riêng như: Túi vừa nhẹ, vừa có thể sử dụng loại túi có thiết kế mà mình yêu thích, mà túi lại chắc chắn hơn túi ni lông ở siêu thị!
7. Thường xuyên tiết kiệm nước và tiết kiệm điện
Chúng ta nên để ý tắt điện và tắt nước thường xuyên để không lãng phí điện và nước. Nếu các bạn chia sẻ thói quen tốt này với những người sống chung và cùng nhau thực hiện thì sẽ hiệu quả hơn. Lại vừa tiết kiệm tiền điện tiền nước.
8. Chọn các sản phẩm hữu cơ (sản phẩm organic)
Các sản phẩm hữu cơ được tạo ra không sử dụng các chất hóa học là những sản phẩm thân thiện với cơ thể con người và môi trường. Chúng ta có thể lựa chọn sản phẩm hữu cơ cho các vật dụng hàng ngày (mỹ phẩm, khăn tắm, quần áo, thực phẩm, v.v.). Nếu chúng ta lựa chọn và sử dụng những sản phẩm được tạo ra dựa trên nền tảng coi trọng môi trường toàn cầu và con người, thì chúng ta sẽ cảm thấy vui vẻ và nồng ấm hơn.
9. Tái chế tài nguyên
Các bạn hãy xem lại trong số rác mà mình vứt đi, có loại rác nào có thể tái chế không? Ví dụ như hộp sữa và giấy là những tài nguyên có thể tái chế để làm ra những thứ khác. Các bạn đừng vứt đi mà hãy mang đến địa điểm thu gom. Và các bạn cũng nên xác nhận lại một lần nữa các quy định về việc vứt rác và thu gom rác tái chế của địa phương các bạn đang sống.
10. Mang theo khăn tay khi đi ra ngoài
Bằng cách mang theo một chiếc khăn tay hoặc một chiếc khăn nhỏ, chúng ta có thể giảm lượng rác giấy sau khi rửa tay. Nếu được, các bạn hãy mang theo chiếc khăn tay yêu thích của riêng các bạn. Sau khi rửa tay, các bạn có thể đề phòng tình trạng không có giấy để lau tay.
Các bạn Thực tập sinh thân mến!
Bây giờ các thuật ngữ sinh thái, thân thiện với môi trường, tái chế và đạo đức hay thường được sử dụng, nhưng mỗi chúng ta có thể làm gì để hướng tới một "xã hội bền vững"? Sống một cuộc sống không ảnh hưởng xấu đến môi trường toàn cầu, sẽ giúp bảo vệ trái đất và bảo vệ tương lai của chính chúng ta.
Rất khó để thực hành đầy đủ tất cả các phương pháp từ 1 đến 10 được ESUHAI giới thiệu trong bài viết này. Nhưng "thử thực hiện từ những điều cơ bản bạn có thể làm" thì sao? Thời gian đầu, bạn có thể thử thực hiện khi cảm thấy phù hợp hoặc khi nghĩ rằng mình có thể làm được. Thay vì hướng đến sự “hoàn hảo”, tại sao chúng ta không thử bắt tay vào thực hiện với ý thức “làm những việc trong khả năng có thể”? Chẳng phải chúng ta nên nghĩ rằng: Nếu như mình cố gắng thì vẫn có thể thực hiện từng bước một phải không?
“Cố gắng một chút” còn hơn là “không làm gì cả”. Dù là hành động nhỏ, nhưng thực ra lại là một đóng góp lớn cho một xã hội bền vững. Lý do là vì càng có nhiều người "cố gắng một chút", thì tác động đến môi trường toàn cầu càng lớn. Nhiều người nhìn thấy hành động của bạn và nghĩ rằng “tôi cũng nên thử làm như vậy,” và tiếp tục lại có nhiều người làm theo thì thật là tuyệt vời. Bạn có muốn thử cố gắng hành động vì môi trường từ những điều nhỏ nhất cùng những điều mà ESUHAI giới thiệu ở trên không nào?