scroll top
Cẩn thận với “Đặt lịch hộ tiêm vắc xin" COVID-19
31/05/2021
2801
Ở Nhật Bản, việc tiêm vắc xin COVID-19 hiện đang được tiến hành, ưu tiên cho các chuyên gia y tế. Thêm nữa, việc đặt lịch hẹn tiêm chủng cho người cao tuổi đã bắt đầu và sắp đến ngày người dân bình thường có thể được tiêm chủng. Trong số các bạn đang sống tại Nhật, hẳn sẽ có bạn có nguyện vọng tiêm vắc xin COVID-19. Trong bài viết này, ESUHAI xin giới thiệu với các bạn những chiêu trò lừa đảo "đặt lịch hộ tiêm vắc xin" mà các bạn cần lưu ý trong những trường hợp bị mời gọi.

Nguồn: Adobe Stock

Hiện nay, ở Nhật đang phát sinh việc lừa đảo "đặt lịch hộ tiêm vắc xin” COVID-19. Theo một cuộc khảo sát của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản, trong số các cuộc gọi tư vấn tiêm chủng trên toàn Nhật Bản, đã có khoảng 90 trường hợp được cho là lừa đảo cho đến thời điểm ngày 12 tháng 5. Cơ quan chính quyền địa phương sẽ không yêu cầu chi phí tiêm chủng hoặc thông tin cá nhân. Do đó, trường hợp mà nhận được cuộc gọi mời "đặt lịch hộ tiêm vắc xin” thay cơ quan chính quyền địa phương, thì có khả năng là lừa đảo. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản đang kêu gọi chú ý không nghe theo những lời mời gọi như vậy. Chánh văn phòng Nội các Kato Katsunobu cũng kêu cần thận trọng đối với lừa đảo tiêm vắc xin trong một cuộc họp báo vào ngày 17 tháng 5.

Thêm nữa, Trung tâm Bảo vệ Người tiêu dùng Quốc gia Nhật Bản khuyến cáo người dân không phản hồi các yêu cầu thanh toán tiền tiêm chủng hay các yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân. Bên dưới, ESUHAI xin giới thiệu 2 điều quan trọng và các ví dụ thực tiễn các trường hợp lừa đảo mà các bạn nên hiểu rõ. Dựa vào những điều như dưới đây, các bạn hãy cẩn thận để không trở thành nạn nhân của của các vụ lừa đảo.

1.Hai điều quan trọng nên nắm rõ

① Việc tiêm vắc xin là miễn phí !
⇒ Chi phí cho việc tiêm chủng vắc xin là miễn phí. Vậy nên, các bạn tuyệt đối không phản hồi các yêu cầu thanh toán liên quan đến tiêm chủng, chẳng hạn như "chi phí để được tiêm chủng ưu tiên" và "chi phí tiêm chủng".

② Không có chuyện cơ quan quốc gia, thành phố hoặc các đoàn thể công sẽ đến thăm hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân!
⇒ Các cơ quan chính phủ và đoàn thể chính quyền địa phương sẽ không bao giờ đến gặp bạn để giải thích về vắc xin hoặc hỏi thông tin cá nhân hoặc thông tin ngân hàng, nên các bạn tuyệt đối không được trả lời nếu bị ai đó hỏi.

2.Các trường hợp lừa đảo cụ thể

  • Nạn nhân nhận được một cuộc điện thoại đáng ngờ với nội dung: "Nếu trả 5.000 yên đặt lịch hộ chắc chắn có thể tiêm vắc xin được".
  • Đột nhiên có một người đàn ông đến nhà và nói: “Tôi từ Cơ quan hành chính thành phố đến. Tôi sẽ đặt lịch tiêm chủng hộ bạn”. Trong lúc nạn nhân xác nhận lại bộ phận phụ trách và tên, người đàn ông đó đã rời đi.
  • Nạn nhân nhận được một cuộc điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên chính quyền địa phương với nội dung "đã chấp nhận đặt lịch vắc xin" và bị hỏi thời gian ở nhà và địa chỉ.
  • Nạn nhân nhận được điện thoại với nội dung "Tôi sẽ hướng dẫn bạn đăng ký vắc xin còn dư."
  • Mặc dù chưa đặt lịch hẹn để tiêm vắc xin, nhưng có một cuộc gọi điện đến với nội dung: “Đã nhận được đơn đăng ký tiêm chủng COVID-19. Hãy cho biết ngày nào thuận tiện để tôi đến nhà bạn giải thích. Đây có đúng là địa chỉ của bạn không?” và bị hỏi thông tin cá nhân.

Các bạn Thực tập sinh thân mến!

Khi nghe về lừa đảo, một số bạn có thể cho rằng, "Em không sao", "Em không bị lừa đâu, vì em biết người nào có hành vi kỳ lạ". Tuy nhiên, ý thức cảnh giác về lừa đảo dù cao đến đâu vẫn chưa đủ. Dù có người tự tin cho rằng, "Mình đã nghĩ rằng chắc không có vấn đề gì..." và "Mình đã rất cẩn thận đến mức đó cơ mà..." nhưng cuối cùng cũng lại trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.

Trước tiên, chúng ta hãy hiểu rõ và ghi nhớ hai điều quan trọng đã được giới thiệu ở trên liên quan đến tiêm vắc xin COVID-19: (1) tiêm vắc xin là miễn phí, và (2) chính quyền địa phương không đến nhà hoặc yêu cầu cung cấp thông tin. Và, nếu các bạn gặp phải ai đó khả nghi, nhận được một cuộc điện thoại với nội dung lạ, hoặc nếu nhận thấy “có gì đó không đúng, kỳ lạ, đáng ngờ", thì đừng chần chừ mà hãy ngay lập tức báo cáo - trao đổi với nhân viên của hiệp hội và của công ty. Đừng xem nhẹ hay bỏ qua những điều lạ thường dù là nhỏ nhất. Ngoài ra, các bạn nên cẩn thận để không gặp lừa đảo, đồng thời kêu gọi những người khác và bạn bè cảnh giác với lừa đảo.

Và nếu nhận được thư từ bưu điện liên quan đến vắc xin, các bạn hãy liên lạc ngay cho nhân viên công ty hoặc hiệp hội. Khi tiêm vắc xin, các bạn phải hạn chế làm việc ở công ty và cần quan sát tình hình sau khi tiêm, vì vậy các bạn hãy trao đổi thêm với người công ty để nhận được chỉ dẫn về việc tiêm vắc xin nhé!

Nguồn tham khảo:

  • Về tình hình tiếp nhận liên quan đến "Lừa đảo vắc xin COVID-19 Đường dây nóng Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng" (2) - Dù được thông báo là "đặt lịch hộ tiêm vắc xin" hoặc "Đến nhà để giải thích về việc tiêm chủng", chúng ta không nên trả lời ngay ! - Trung tâm Bảo vệ Người tiêu dùng Quốc gia Nhật Bản
    http://www.kokusen.go.jp/...html (Tham khảo ngày 24/5)
  • Cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo như "đặt lịch hộ tiêm vắc xin" ! -NHK
    https://www3.nhk.or.jp/...html (Tham khảo ngày 24/5)
  • Đặt lịch hộ tiêm vắc xin "cảnh giác lừa đảo" Chánh văn phòng Nội các - Báo Kinh tế Nhật Bản
    https://www.nikkei.com/...html (Tham khảo ngày 24/5)
NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này