scroll top
Lưu ý vào mùa đông: Rất nhiều vi khuẩn trên miệng chai nhựa đang uống dở
17/11/2020
1648
Đồ uống đóng chai trong các chai nhựa PET thật tiện lợi, nhưng các bạn có biết rằng đồ uống đã mở nắp một thời gian sau sẽ xuất hiện rất nhiều vi khuẩn? Khi trời trở lạnh, chúng ta sẽ thường mua nhiều đồ uống ấm nóng đựng trong các chai nhựa PET hơn các mùa khác.

Nhưng vi khuẩn gia tăng không phải chỉ vào mùa hè, mà ngay cả vào mùa đông. Có lẽ khi uống vào chúng ta sẽ không bị ngộ độc ngay nhưng vì sự an toàn của các bạn, chúng ta nên biết cách sử dụng các loại đồ uống đúng cách.

Nguồn: Adobe Stock - Ảnh minh họa cho chai nhựa PET đã khui nắp

1. Đồ uống đóng chai khi đã khui nắp, thì có thể để được bao lâu?

“Nếu đã mở nắp chai và uống chạm miệng trực tiếp, thì hãy uống ngay trong ngày”. Đối với đồ uống bạn đã uống chạm miệng rồi, vi khuẩn trong miệng sẽ xâm nhập vào chai nhựa PET đó. Theo thời gian, vi khuẩn tích tụ trong chai nhựa đó tăng dần lên và có nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Thêm nữa, hãy cố gắng “uống hết nước trong chai càng sớm càng tốt trong vòng 2 đến 3 ngày, ngay cả khi bạn chưa chạm miệng vào chai”. Bởi vì khi đã mở nắp chai, nước bên trong đã tiếp xúc với không khí và vi khuẩn đã xâm nhập vào bên trong chai.

2. Các điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gia tăng

Đầu tiên, nguyên nhân khiến cho vi khuẩn trong chai PET tăng lên là do chúng ta uống trực tiếp bằng miệng. Thêm vào đó, "đồ uống ngọt (có chứa đường)" và "đồ uống ấm" là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Điều này là do các loại đường có trong cà phê ngọt và nước trái cây là môi trường dinh dưỡng đối với vi khuẩn. Thêm nữa, nước ấm là một trong những môi trường khiến vi khuẩn dễ gia tăng. Vi khuẩn vẫn hoạt động trong mùa đông, vì vậy các bạn nên bảo quản đồ uống đã khui nắp vào trong tủ lạnh, các bạn nhé.

3. Hãy lưu ý đến những điều dưới đây

  • Uống nhanh sau khi khui nắp
    Các bạn không nên uống đồ uống đã mở nắp mà để trong không khí một thời gian. Nên uống ngay trong ngày mở nắp. Nếu bạn không uống hết được ngay, hãy cho vào tủ lạnh và nhanh chóng uống hết càng nhanh càng tốt.
  • Đổ nước ra cốc/ly để uống
    Nếu đi bên ngoài thì hơi khó dùng cốc, nhưng khi ở nhà thì các bạn nên dùng cốc để uống nước. Tránh không để miệng chạm trực tiếp vào nước trong chai là điều quan trọng.
  • Đừng để quên ở trong phòng hoặc xe hơi
    Trong phòng hoặc trong ô tô được làm ấm bằng máy sưởi, nên vi khuẩn sẽ dần tăng lên. Nếu để quên không bỏ vào tủ lạnh, hãy đổ phần nước còn thừa đi và vứt chai nhựa PET vào rác tái chế.

Nguồn: Tạp chí hàng quý của Ủy ban An toàn Thực phẩm Nhật Bản "An toàn Thực phẩm" số 4

  • Không nên sử dụng lại nhiều lần
    Chai nhựa rất nhẹ, dễ mang theo và tiện lợi, nhưng các bạn không nên sử dụng lại nhiều lần. Vì vi khuẩn đã xâm nhập vào nên không được vệ sinh. Chai nhựa chưa khui nắp thì an toàn vì vi khuẩn chưa xâm nhập được vào bên trong chai.
  • Không được cho nước nóng vào
    Chất liệu của chai nhựa chịu nhiệt kém. Khi chứa đồ uống nóng, chai có thể bị biến dạng, vì sự an toàn sức khỏe của các bạn, không nên sử dụng chai nhựa thay cho bình đựng nước chuyên dụng.

Nguồn: SUNTORY "Muốn cho trà nóng vào chai nhựa, thì có được không?"

Các bạn Thực tập sinh thân mến!

Kể từ khi COVID-19 bùng phát, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa khác nhau để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19. Rửa tay, súc miệng, khử trùng và đeo khẩu trang đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta.

Mặc dù đã thực hiện các biện pháp trên triệt để, nhưng các bạn có cẩn thận với đồ ăn thức uống mà các bạn đưa vào miệng không? Khi trời trở lạnh vào mùa đông, bạn sẽ nghĩ ngay tới việc làm ấm cơ thể bằng đồ uống nóng đựng trong chai PET. Đặc biệt khi bạn uống trực tiếp, vi khuẩn có thể bám vào miệng chai và xâm nhập vào trong bình đựng nước, chai nhựa, vì vậy các bạn nên uống trong ngày, trước khi vi khuẩn gia tăng.

Nếu để tiếp xúc với không khí một thời gian, thì dù hình dáng bên ngoài không thay đổi cũng rất nguy hiểm. Mặc dù bỏ đi thì lãng phí, nhưng các bạn nên bỏ đi chất lỏng bên trong và tái chế chai đựng. Đừng nghĩ “Chắc không sao vì mình hay uống vậy mà” hay “Thôi kệ, cứ uống đi vậy”, mà nên chú ý uống một cách an toàn và đúng cách vì sức khoẻ của bản thân, các bạn nhé!

Nguồn tham khảo:

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này