scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Tri ân Thầy Nguyễn Đức Hòe – Ánh sáng mở đường bao thế hệ thanh niên Việt Nam
20/11/2020
1607
[Trích từ Facebook Lê Long Sơn - Fanpage Từ điển cuộc sống] Đời người có ba điều may mắn nhất, và ơn trời, gần 30 năm trước tôi đã nhận được một trong ba: đi học gặp được THẦY TỐT. Người đã tận tụy dẫn đường cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam, người nâng bước tôi cho câu chuyện mơ ước đời mình: Thầy Nguyễn Đức Hòe.


ĐAU ĐÁU HOÀI MỘT NỖI “Trồng Người Tài” cho đất nước

Thầy Nguyễn Đức Hòe, người con của quê hương Hưng Yên, vốn là cựu Du học sinh Nhật Bản từ năm 1959-1973. Trong thời gian này, Thầy đã mở các lớp dạy thêm tiếng Nhật cho sinh viên Việt Nam du học tự túc tại Tokyo, cũng như thành lập Đông Du Học xá (cư xá Sinh viên Việt Nam), tiền thân của trường Nhật ngữ Đông Du ngày nay.

Sau khi hoàn thành chương trình Tiến Sĩ tại Nhật, trăn trở mãi rằng đất nước giải phóng rồi thì cần đến rất nhiều người tài đức có kiến thức và kỹ năng chuyên môn về khoa học, kỹ thuật, công nghệ để dựng xây, Thầy đã trở về nước năm 1974.

Ngày về, Thầy kiêm qua nhiều công việc, kể cả tham gia quản lý và phát triển Khu chế xuất Tân Thuận tại TPHCM. Chắc ai cũng biết, đây là một trong những khu chế xuất đầu tiên tại Việt Nam kêu gọi đầu tư từ Đài Loan, Nhật Bản.

Nhưng sâu trong tâm trí, nỗi đau đáu về việc đào tạo thật nhiều nhân tài cho đất nước bằng con đường du học vẫn cứ đeo đẳng Thầy. Trường Nhật ngữ Đông Du ra đời từ những suy tư đó, đào tạo tiếng Nhật và định hướng cho sinh viên Việt Nam sang Nhật học tập, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Đi để trở về, chính những du học sinh đó là nguồn nhân lực giỏi để phát triển quê hương.


Rồi cũng đến lúc thực hiện điều mỏi mong, tháng 4 năm 1991, Thầy thành lập trường Nhật ngữ Đông Du và kiêm Hiệu trưởng trong suốt nhiều năm. Và một năm sau đó, Thầy tổ chức Chương trình Du học Đông Du hỗ trợ các sinh viên đi du học Nhật Bản. Tính đến tháng 4 năm nay, chương trình đã tuyển chọn, đào tạo và đưa 2.136 sinh viên ưu tú sang Nhật. Một công trình vĩ đại đáng thật tự hào của Thầy.

Sự cống hiến rồi sẽ được công nhận. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã trao tặng bằng khen cho Thầy vì đã thúc đẩy việc học tiếng Nhật và du học Nhật Bản trong suốt hơn 60 năm. Đồng thời, Thầy cũng là cầu nối to lớn xây dựng nền tảng quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Ngày 3 tháng 11 vừa qua, Thầy tiếp tục được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương cao quý: "The Order of the Rising Sun, Gold Rays with Rosette" – Huân chương Mặt Trời Mọc vì những cống hiến của Thầy trong việc thúc đẩy sự hiểu biết Nhật Bản và đào tạo tiếng Nhật.

CON ĐƯỜNG TÔI ĐI TỪ ĐÂY MÀ ĐẾN

Mùa hè 1991, giữa giảng đường Đại học Bách Khoa rộng lớn, cậu sinh viên ngấp nghé năm 3 Khoa Cơ Khí là tôi lần đầu tiên gặp được Thầy. Buổi Hội thảo năm đó tổ chức cho sinh viên Đại Học Bách Khoa định hướng con đường tiếp tục sang Nhật học tập khoa học kỹ thuật công nghệ, tương lai trở thành những kỹ sư giỏi trở về góp phần xây dựng, phát triển quê hương đất nước. Đường tôi đi, có lẽ từ đây mà đến.


Cuộc đời luôn có những lương duyên. Hội thảo lần đó cũng là lần đầu tiên tôi được truyền ngọn lửa từ Thầy. Nhờ Thầy, tôi vẽ ra con đường theo đuổi đam mê trở thành một kỹ sư cơ khí – ngành khuôn mẫu, rồi làm việc và học tập kỹ thuật của Nhật Bản, để khi trở về sẽ xây dựng cho mình một nhà máy cơ khí, khuôn mẫu chính xác công nghệ cao.

Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa tháng 10 năm 1994, tôi đã xin đến gặp Thầy và đăng ký học tiếng Nhật tại trường Nhật ngữ Đông Du. Với sự giúp đỡ của Thầy, cơ hội Du học Nhật Bản đến với tôi. Đặt dấu khởi đầu cho sự nghiệp hôm nay của tôi chính là hình ảnh thật tràn đầy nhiệt huyết của Thầy từ ngày ấy.

Tháng 10 năm 1995 tôi sang Nhật. Sau một năm rưỡi hoàn thành chương trình tiếng Nhật nâng cao, tôi học lên Thạc sĩ ngành Cơ khí tại Đại học Tokyo Nokodai. Với ước mơ ban đầu là theo đuổi ngành công nghệ khuôn mẫu, rồi vào làm việc tại một công ty Nhật Bản để học hỏi những kinh nghiệm thực tế.

Nhưng tại thời điểm đó, tôi phát hiện ra một điều: nền công nghiệp phát triển của Nhật Bản là dựa trên nền tảng công nghiệp phụ trợ không phải chỉ là các tập đoàn lớn như Toyota, Sony, Panasonic...mà đó là sức mạnh của gần 4 triệu công ty vừa và nhỏ, có bề dày lịch sử, sở hữu máy móc, quy trình công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong tất cả những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất, chế biến và dịch vụ tạo nên.


Là một kỹ sư cơ khí, tôi có thể xây dựng và phát triển được một doanh nghiệp sản xuất ra một sản phẩm. Nhưng tại Việt Nam, trong tương lai, để phát triển kinh tế cũng cần phát triển nền công nghiệp có quy mô như Nhật Bản với số dân trẻ gần 100 triệu dân.

Trong khí thế phát triển mạnh mẽ sau những năm đổi mới (1990 trở đi) và cầm tấm bằng thạc sĩ trên tay, một con đường khác đã cháy bừng trong tôi. Thay vì xây dựng một công ty cơ khí, tôi muốn đem đến cho nhiều thanh niên có nguyện vọng phát triển sự nghiệp bằng con đường sang Nhật học tập và phát triển nghề nghiệp thông qua cơ hội việc làm tại Nhật Bản. Từ đó, nhiều thanh niên Việt Nam trẻ có cơ hội sang Nhật, vào các công ty của Nhật Bản làm việc trong nhiều ngành nghề để học tập kỹ thuật, công nghệ, gia công, sản xuất với chất lượng cao của đất nước mặt trời mọc. Chính những thanh niên ấy, với một thế hệ đủ lớn, đủ đông sẽ kiến tạo một nền công nghiệp tương lai cho Việt Nam giống như Nhật Bản hôm nay. Ở tuổi 30, lúc ấy tôi chính thức dấn thân vào con đường sự nghiệp này. Thầy Nguyễn Đức Hòe đã ươm mầm một hạt giống là tôi và đã bắt đầu có vẻ nảy mầm xanh tốt.

DẤU SON TRÊN HÀNH TRÌNH

Trở lại Việt Nam, năm 2005, tôi thành lập công ty Esuhai. Một năm sau đó, trường KaizenYoshidaShool cũng chính thức khai giảng lớp học đầu tiên.

Bước đầu là đào tạo tiếng Nhật và tác phong, kỹ năng cũng như định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ tham gia chương trình Thực tập sinh. Sau đó, năm 2008 tiếp tục phát triển chương trình “Xây dựng đẳng cấp và thương hiệu kỹ sư Việt Nam”. Và đến nay là chương trình Lưu học Nhật Bản, chương trình Kaigo (Hỗ trợ chăm sóc cá nhân), chương trình Kỹ năng đặc định.


Công ty Esuhai – Trường KaizenYoshidaSchool luôn không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến quy trình để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ. Esuhai luôn khẳng định “Chọn GIÁO DỤC VÀ VIỆC LÀM là cơ sở cốt lõi cho sự nghiệp xây dựng một Việt Nam phát triển và một Nhật Bản phồn vinh”. Thành tựu đạt được là 6 năm liên tiếp có chứng nhận Doanh nghiệp Xuất khẩu lao động 5 sao do VAMAS (Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam) cấp.

Gần 15 năm sau, tôi, Esuhai – KaizenYoshidaSchool vui mừng đạt được những trái ngọt vì đã đào tạo hơn 20.000 học viên và phái cử hơn 11.500 thanh niên trẻ sang Nhật học tập, làm việc. Trong số đó, hơn 5.000 bạn đã trở về nước và đang làm việc trong các công ty có vốn đầu tư của Nhật hay công ty Việt Nam ở các vị trí quan trọng như: quản lý, chuyên gia kỹ thuật, và cao hơn nữa là trong đó có nhiều bạn đã khởi nghiệp, tự mở doanh nghiệp riêng, trở thành những ông chủ trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, gia công linh kiện, thương mại và dịch vụ. Không ít bạn chọn con đường trở thành giáo viên, tiếp tục truyền kinh nghiệm và tâm huyết cho những thế hệ trẻ kế tục.


THÀNH CÔNG CỦA TRÒ - DANH HIỆU CAO QUÝ NHẤT CỦA THẦY

Từ nỗi đau đáu “trồng người tài”, Thầy đã vun những mảnh đất màu mỡ cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Duyên khởi để tôi gặp Thầy, và tiếp nối hành trình Thầy đã đi, mở ra cơ hội cho hàng ngàn thanh niên như tôi ngày đó. Rồi những bạn trẻ ấy với tài năng của mình, trở thành chủ doanh nghiệp, kỹ sư ưu tú, chuyên gia, là người quản lý dẫn dắt những thế hệ trẻ tiếp theo.

Đây chính là con đường tốt nhất giúp cho những thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp cận cơ hội phát triển nghề nghiệp, tư duy, kiến thức, học được những giá trị thành công của Nhật Bản, lan tỏa những giá trị đó ở Việt Nam và giúp xây dựng một xã hội ngày càng văn minh, hiện đại. Xa hơn, phát triển được quan hệ hợp tác quốc tế, Việt Nam & Nhật Bản và kể cả khu vực Đông Nam Á.

Có được ngày hôm nay, bản thân tôi đã may mắn là học trò của nhiều Quý Nhân, Ân Sư, Thầy Giáo, Cô Giáo. Họ dạy dỗ và dìu dắt tôi nên người, để tôi tiếp tục có những tri thức, tư duy, suy nghĩ rộng lớn hơn. Tất cả những viên gạch đó giúp tôi xây nên mình, dựng nên sự nghiệp hôm nay.


Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin gửi lời tri ân đến những người Thầy, người Cô đã dìu dắt mình. Đặc biệt, xin tri ân Người đã tạo ra một bước ngoặt rất lớn trong đời tôi – Thầy Nguyễn Đức Hòe. Thầy nay đã ở tuổi 82, nhưng mỗi tháng được gặp Thầy, được trò chuyện cùng Thầy, tôi vẫn luôn cảm nhận nhiệt huyết tràn đầy như lần đầu tiên từng gặp ở giảng đường Đại học Bách Khoa mùa hè năm ấy. Cầu chúc cho Thầy và Cô sẽ luôn mạnh khỏe để mãi mãi ngọn đuốc soi sáng cho thế hệ của tôi và những thế hệ tiếp theo. Một lần nữa CON XIN TRI ÂN THẦY.

Trích từ Facebook Lê Long Sơn - Fanpage Từ điển cuộc sống
Link tham khảo:

Facebook Lê Long Sơn: https://tinyurl.com/y6f23zln
Fanpage Từ điển cuộc sống: https://tinyurl.com/y5lckjxb

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này