Tăng năng suất lao động, cách nào: Xây dựng một kế hoạch tổng thể
20/08/2019
4435
Việc tăng năng suất lao động trong bối cảnh khan hiếm lực lượng lao động phổ thông là rất khó. Tuy nhiên, vẫn có giải pháp hữu hiệu để thực hiện, phụ thuộc lớn vào chiến lược, sự thấu hiểu
00:00
00:00
PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR):
Tạo cú hích trên diện rộng
Nhận định về năng suất lao động (NSLĐ) không có nghĩa đánh giá người lao động (NLĐ) lười hay chậm chạp, vì NSLĐ của một người phụ thuộc vào môi trường và nhiều yếu tố khác. Thực tế, NSLĐ của mỗi cá nhân phụ thuộc vào mật độ vốn (hoặc còn gọi là cường độ vốn) và cách thức tổ chức xã hội. Cường độ vốn đơn giản là một người làm việc với cái xẻng năng suất sẽ thấp hơn nếu lái máy xúc, nghĩa là năng suất phụ thuộc vào mức độ tích lũy vốn và tri thức công nghệ.
Một yếu tố khác cũng chi phối NSLĐ là tính linh hoạt của thị trường. Doanh nghiệp (DN) đầu tư máy móc, kỹ thuật mà lại thiếu người đáp ứng được yêu cầu cao (thiếu kỹ năng, kỷ luật, tay nghề, lối sống công nghiệp...) sẽ khiến việc cải thiện năng suất chậm.
DN là động lực quyết định để tăng NSLĐ nhưng thời gian qua còn mờ nhạt vì khu vực kinh tế tư nhân còn nhỏ, manh mún, công nghệ thấp, chưa xâm nhập được nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thế nên, muốn tăng NSLĐ xã hội về bản chất, phải cải cách toàn xã hội, thay đổi lối suy nghĩ các thành viên xã hội, thể chế và văn hóa. Cần phải có một phong trào quốc gia về năng suất nhằm tạo một cú hích trên diện rộng.
Ông Đặng Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty CP Thủy đặc sản (Seaspimex):
Cải tiến xoay quanh "4M"
Việc tăng NSLĐ trong bối cảnh khan hiếm lực lượng lao động phổ thông như hiện nay là rất khó. Tuy nhiên, vẫn có giải pháp hữu hiệu để thực hiện, phụ thuộc lớn vào chiến lược và là sự thấu hiểu giữa lãnh đạo và NLĐ.
Về cơ bản, đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị sẽ tăng NSLĐ. Tuy nhiên, liệu sau khi đầu tư thị trường có phát triển, khách hàng có duy trì hoặc tăng đơn hàng như kỳ vọng? Do đó, biện pháp tăng NSLĐ thông qua việc đầu tư vốn nhằm thay đổi quy trình công nghệ hoàn toàn không phải là bài toán dành cho những công ty chưa có "số má" hoặc sản phẩm chưa thuộc hàng "đỉnh".
Phương án mời đơn vị tư vấn để tư vấn đào tạo, huấn luyện đội ngũ và thực hiện các dự án cải thiện NSLĐ, giảm lỗi chất lượng, giảm chi phí sản xuất… là giải pháp phù hợp xu thế chung. Giải pháp này đòi hỏi sự quyết tâm về chi phí, thời gian, tính cam kết cao của lãnh đạo công ty, sự thấu hiểu, thiện chí hợp tác giữa hai bên nên phần lớn hợp đồng tư vấn đổ vỡ trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện cải tiến gây ra những áp lực nhất định, ảnh hưởng quyền lợi của tập thể, cá nhân liên quan… dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột.
Trong môi trường công ty cổ phần có vốn nhà nước, giải pháp mời những nhà quản lý giỏi, có kinh nghiệm về đảm nhận vị trí quản lý cấp cao phụ trách công tác điều hành sản xuất - kinh doanh cũng gặp một số trở ngại. Xung đột trong tư duy, tâm lý và thái độ làm việc của đội ngũ mới - cũ; nhân tố mới chưa có thời gian thâm nhập để thấu hiểu văn hóa, truyền thống của đội ngũ hiện tại dẫn đến đưa ra những quyết định tái cấu trúc mang tính đột phá, vĩ mô vào những giai đoạn chưa "chín muồi". Bên cạnh đó, sự kỳ vọng thái quá và sự nôn nóng nhìn thấy hiệu quả tức thì của lãnh đạo dành cho nhân tố mới, trong khi bài toán tăng NSLĐ phải đi từng bước nhỏ, khiến họ bị áp lực dẫn đến không hòa hợp để cống hiến lâu dài... Ngoài ra, nhận thức và ý thức của NLĐ còn hạn chế nên thiếu chấp hành nội quy để cải tiến hiệu quả.
Để giải quyết bài toán tăng NSLĐ, việc cần làm đầu tiên là xác định rõ thực trạng về các nhóm vấn đề mà công ty đang gặp phải, trên cơ sở đó thành lập các nhóm cải tiến nội bộ hoạt động theo mô hình làm việc nhóm (team work). Trong đó, chọn trưởng nhóm là người nhiệt tình, thấu hiểu về các phương pháp thực hiện cải tiến NSLĐ để tổ chức làm việc theo nhóm với các mục tiêu xoay quanh các yếu tố cơ bản trong quy trình sản xuất gồm 4M là Man: con người - Machine: máy móc thiết bị - Material: nguyên vật liệu - Method: phương pháp làm việc.
Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai:
Chú trọng phát triển đào tạo nghề
NSLĐ khởi nguyên ở khâu đào tạo nghề. Lao động có nghề luôn có năng suất cao hơn nhiều so với lao động không được đào tạo nghề bài bản.
Nhật Bản được đánh giá là quốc gia có NSLĐ cao vì họ có một quá trình đào tạo nghề bài bản được xây dựng từ chính nhu cầu phát triển. Họ đã thành công với mô hình đào tạo nghề Kosen và đã phát triển mạnh mẽ các DN vừa và nhỏ, nền tảng cho sự phát triển công nghiệp.
Trong khi đó, chúng ta chưa tập trung mạnh cho mảng đào tạo nghề. Giáo dục nhiều năm qua đặt nặng bằng cấp, vô tình tạo ra thực tế "thừa thầy, thiếu thợ". Rất may, hiện chúng ta có một lực lượng lao động lành nghề, có chuyên môn cao, được đào tạo bài bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản. Đây là lực lượng quan trọng, động lực để thúc đẩy NSLĐ tại các DN nếu biết tận dụng, sử dụng nguồn lao động này giúp ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển, tạo ra những sản phẩm công nghiệp giá trị hơn, qua đó thúc đẩy NSLĐ tăng cao. Tóm lại, chú trọng phát triển đào tạo nghề sẽ là bước chuẩn bị quan trọng giúp tăng NSLĐ.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Theo ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), để thu hẹp khoảng cách về NSLĐ với các quốc gia phát triển, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, trong đó, các trụ cột khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để tạo ra sự bứt phá về năng suất. Một số nhiệm vụ trọng tâm cho kế hoạch này như: Nâng cao NSLĐ cho DN vừa và nhỏ; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; nuôi dưỡng môi trường đầu tư kinh doanh... Đặc biệt, cải thiện khuôn khổ thể chế về khoa học, đổi mới sáng tạo.
Theo Báo Người lao động
NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.