scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Những quốc gia cùng đón Tết Âm lịch với Việt Nam
01/02/2019
1837
Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Mông Cổ, Bhutan, Malaysia, Hàn Quốc, Triều Tiên… là những quốc gia sẽ cùng Việt Nam đón Tết Âm lịch 2019 diễn ra vào ít ngày tới.

 

Tết Nguyên đán là thời khắc đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, khởi đầu của mùa xuân mới, mang đến những hy vọng về mọi sự may mắn tốt lành và tươi mới. Tết Âm lịch cũng là kỳ nghỉ lớn nhất trong năm của những quốc gia này.

Trung Quốc

Nguồn: Flocations

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8/12 âm lịch mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết. Những lễ hội vui Tết Nguyên đán của người Trung Quốc được kéo dài cho đến hết ngày 15/1 Âm lịch.
Người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành.

Một nét đặc trưng trong ngày Tết của Trung Quốc là phong tục mang theo một túi cam quýt có bỏ kèm những phong lì xì mừng tuổi khi đến chơi nhà bạn bè, người thân trong hai tuần đầu năm mới. Trong tiếng Hán, chữ “cam” phát âm gần giống như “giàu có”, còn chữ “quýt” thì lại giống như “may mắn”. Đặc biệt, đối với những đôi vợ chồng trẻ mới cưới, hai loại trái cây này còn được coi như lời chúc sinh con đàn cháu đống…

Hồng Kông

Nguồn: tripz

Tết cổ truyền ở Hồng Kông có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, nhưng cách đón Tết của người Hồng Kông pha trộn giữa truyền thống Phương Đông với nét văn hóa hiện đại của phương Tây.

Người Hồng Kông đón Tết âm lịch cổ truyền với rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí và nghệ thuật biểu diễn như: Hội chợ hoa, biểu diễn pháo hoa, nhạc nước…

Đài Loan

Nguồn: taiwannews

Tết Âm lịch tại Đài Loan kéo dài từ 30 tháng Chạp đến 4 tháng Giêng Âm Lịch. Người Đài Loan có một vài phong tục khá giống người Việt Nam như tiễn ông táo về trời, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ mới…

Tại Đài Loan, mọi người rất coi trọng sự sum họp trong ngày Tết. Kể cả khi một thành viên trong gia đình không thể về kịp, những người còn lại vẫn sẽ để dành một ghế trong bàn ăn cho người đó, thể hiện rằng gia đình họ vẫn có mặt đông đủ, không thiếu một ai.
Những ngày Tết là khoảng thời gian diễn ra nhiều hoạt động vui chơi thú vị ở Đài Loan, các hoạt động chủ yếu phải kể đến như lễ hội thả đèn trời, đốt pháo, rước đèn…

Singapore

Nguồn: marinabaycountdown

Bên cạnh những phong tục giống của Trung Quốc, nét đặc trưng của ngày Tết ở Singapore là những lễ hội hoành tráng: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.

Đây là những hoạt động độc đáo để người dân Singapore vừa vui chơi, vừa thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới.

Mông Cổ

Nguồn: toursmongolia

Một trong hai dịp lễ lớn nhất ở Mông Cổ chính là Tết Âm lịch, còn gọi là Tết Tháng Trắng. Đây không chỉ là một ngày lễ báo hiệu kết thúc mùa đông dài và lạnh lẽo, đón chào một mùa xuân mới, mà nó còn là thời điểm để gia đình sum vầy và thắt chặt mối quan hệ.
Vào thời khắc Giao thừa, người Mông Cổ thực hiện tục uống trà đầu năm. Trước tiên, họ pha trà rót ra 1 chén đầu tiên, đem ra trước sân nhà vẩy khắp 4 hướng. Chén trà thứ 2 dành mời chủ nhà, sau đó lần lượt mời các thành viên khác trong gia đình.

Món ăn truyền thống trong Tết Tháng trắng là các sản phẩm làm từ sữa, bánh, thịt cừu, thịt bò, thịt ngựa, cơm ăn cùng với sữa đông hay cơm ăn chung với nho khô… Đây là những món ăn mang đậm vị biên cương hoang dã của Mông Cổ.

Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng. Sau đó, họ cùng nhau trò truyện, vui đùa, trao đổi các món ăn và thưởng thức chúng.

Malaysia

Nguồn: independent.co.uk

Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc. Theo thống kê, 1/4 dân số Malaysia là người Hoa kiều, do đó họ cũng ăn Tết Nguyên Đán và tết này được gọi là Chinese New Year theo lịch âm giống như Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác.

Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ lớn nhất của Malaysia. Người dân Malaysia thường đến ngôi đền cổ Thean Hou ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur để thắp hương cầu nguyện những điều tốt đẹp cho năm mới, đồng thời chào đón lễ giao thừa.

Một số phong tục trong ngày Tết của nơi đây là lì xì, đoàn tụ gia đình, chúc tết người thân và bạn bè hay lễ hội múa lân, sư, rồng.

Bhutan

Nguồn: wanderlust

Tết cổ truyền của Bhutan được gọi là Losar, diễn ra gần hoặc trùng với Tết Nguyên đán của Việt Nam. Đối với đất nước hạnh phúc nhất thế giới, Tết Losar là một trong những ngày lễ quan trọng nhất. Tết kéo dài 15 ngày và 3 ngày đầu tiên của năm mới được xem là quan trọng nhất với người Bhutan.

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình Bhutan đều tất bật dọn dẹp nhà cửa và dâng lên bàn thờ tổ tiên nhiều thực phẩm và hoa quả để tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no trong năm cũ. Trong dịp này, ở Bhutan cũng có rất nhiều lễ hội thú vị.

Hàn Quốc

Nguồn: wikipedia

Tại Hàn Quốc, Tết truyền thống theo Âm lịch được gọi là Tết Seollah (Seol) bắt đầu từ ngày 1/1 hằng năm và thường kéo dài trong 3 ngày. Tết Seollah là dịp nghỉ lễ quan trọng nhất đối với người dân xứ sở kim chi.

Vào những ngày Tết, mọi người đều mặc trang phục truyền thống Hanbok hoặc chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất đề hành lễ thờ cúng tổ tiên. Rất nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian sẽ được tổ chức vào những ngày này.

Món ăn đặc trưng nhất trong ngày Tết của người dân Hàn Quốc là ttok-kuk - một loại phở nước được chế từ bò hay gà và món canh bánh gạo.

Trẻ em Hàn Quốc cũng được người lớn mừng tuổi, gọi là Sebaedon.

Triều Tiên

Nguồn: koreakonsult

Trước đây, người dân Triều Tiên đón tết vào tháng 10 và tháng 11. Tuy nhiên, hiện tại họ chuyển sang đón Tết Nguyên đán vào mùng 1 tháng Giêng như nhiều quốc gia châu Á. Tết của người dân Triều Tiên kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống không thể thiếu như dán hình động vật lên cửa để cầu may, xem bói, đón trăng mọc…

Tết ở mỗi quốc gia dù có những nét khác biệt do đặc thù văn hóa, song tựu chung Tết Âm lịch vẫn là dịp để các thành viên trong gia đình cùng sum họp, đón chào năm mới và cầu chúc một năm thật bình an và hạnh phúc.

Nguồn: Tổng hợp từ internet. 

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này