scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Giao lưu Thực tập sinh Esuhai: Ngày về “có hoa”
31/08/2016
2694
Trong tháng 8/2016, công ty Esuhai vui mừng chào đón 35 Thực tập sinh do công ty đào tạo, phái cử làm việc tại Nhật hoàn thành chương trình Thực tập kỹ năng và trở về nước đúng hạn. Rất nhiều Thực tập sinh đã đem về cho mình những tấm bằng N1, N2, N3. Cũng có bạn đã có những trải nghiệm, sự đổi thay vô cùng có giá trị làm hành trang cho ngày trở về cũng như cho cuộc sống mới tại Việt Nam. Đây chính là “hoa” của cả một quá trình sau 01 năm/ 03 năm phấn đấu học tập và rèn luyện tại xứ người.

 

 

Esuhai đã có buổi giao lưu với các bạn Thực tập sinh trở về nước để các bạn chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp học tiếng Nhật đạt kết quả cao cũng như những khó khăn mà các bạn phải đối mặt và cách để vượt qua những trở ngại ấy để ngày về “có hoa”.

 

 

Tham dự buổi giao lưu ngoài các bạn Thực tập sinh về nước, đại diện công ty, các thầy cô trường KaizenYoshidaSchool còn có hơn 30 Thực tập sinh chuẩn bị xuất cảnh sang Nhật làm việc trong tháng 9/2016.

 

Esuhai: Những khó khăn cụ thể mà các bạn Thực tập sinh thường sẽ gặp phải và làm cách nào để vượt qua chúng?

 

Nguyễn Hồng Phước - Thực tập sinh ngành nghề Cơ khí: Mình đã học ở Kaizen trong một năm rưỡi trước khi sang Nhật làm việc. Lúc đầu khi mới sang do không quen âm giọng của người Nhật nên dù có những từ mình đã được học nhưng khi nghe người ta nói vẫn không hiểu. Khi đó mình phải hỏi để người ta chỉ cho mình hiểu chứ đừng ngại hay sợ người ta la. Vì mình là người mới nên họ cũng thông cảm và dễ chịu. Rồi khi gặp những từ mới mình chưa biết thì ghi chép lại rồi tra từ điển hoặc tranh thủ lúc nghỉ giải lao hay khi mọi người rảnh rỗi để hỏi. Cái công ty lo nhất không phải là mình không hiểu hay hiểu chậm mà là khi mọi người không hiểu nhưng vẫn tự ý làm dẫn tới có thể làm sai. Khi đó sẽ không chỉ khiến công việc bị gián đoạn mà còn ảnh hưởng tới mọi người, rồi sản phẩm lỗi đến tay khách hàng sẽ phàn nàn làm mất danh tiếng của công ty.

 


Khi mới đầu, người Nhật sẽ không bao giờ cho mình làm việc khó mà sẽ bắt đầu với các công việc rất là nhỏ nhặt. Nhưng, chính vì những cái nhỏ nhặt đó người ta sẽ đánh giá con người của mình như thế nào, mình là người kỹ tính hay là người nhanh nhảu ẩu đoảng. Có những cái người ta không nói đâu nhưng người ta sẽ quan sát, nhìn cách làm việc xem người này có trách nhiệm hay không. Nếu mình thấy công đoạn nào trước đó người ta làm chưa tốt mà đến mình thì nếu mình có thể sửa được thì sửa giúp người ta luôn còn nếu không được thì phải báo với cấp trên để sửa lại rồi hãy làm tiếp khâu của mình. Bởi quy tắc trong làm việc chính là làm ra sản phẩm tốt chứ không phải làm cho xong việc thì thôi. Vì vậy tính tỉ mỉ, chi tiết là rất cần cho công việc mà mọi người nên để ý.

 

Khi mới sang Nhật chưa quen đường nên việc đi lại rất khó khăn vì đường ở Nhật không có tên đường cụ thể như ở Việt Nam. Nên mỗi ngày chúng ta đi một chút rồi lại đi xa hơn chút so với ngày hôm qua để biết được đường đi cùng những nơi nào buôn bán cái gì…

 

 

Trần Diễm Trúc - Thực tập sinh ngành nghề Trồng rau quả trong nhà kính: Có những công ty Thực tập sinh rất là đông, như công ty mình có tới 70 người và đều là nữ. Dù vô tình hay cố ý đôi khi vẫn không tránh khỏi có những xích mích, vấn đề nhỏ diễn ra. Mới đầu khi mới sang mình cũng lanh chanh, các tiền bối người ta không ghét nhưng có thể người ta sẽ nói con bé này thế này thế kia. Nhưng mà người ta không chia sẻ với mình nên mình cũng không biết. Vì vậy, khi sống tập thể thì mọi người nên để ý thái độ của mình, để ý mọi người xung quanh. Nếu mình bị nói thì mình nên tiếp nhận sau đó hãy xem xét bởi vì dù thế nào đi nữa thì bản thân mình phải có cái gì đó thì người ta mới nói. Rồi từ đó sửa dần.

 

 

Trần Văn Dũng – Thực tập sinh ngành nghề Dập kim loại, là một trong hai Thực tập sinh đạt trình độ tiếng Nhật N1 trong số Thực tập sinh về nước trong tháng 8/2016: Có thể cũng giống nhiều bạn khác, mình đã mang mục tiêu kiếm thật nhiều tiền để phụ giúp gia đình và có vốn trang trải, lo liệu cho cuộc sống sau này tới Nhật. Nhưng công ty mình làm lại không có nhiều việc, mỗi ngày chỉ làm 7,5 giờ, không tăng ca, lương thấp. Những điều đó khiến mình cảm thấy bị “shock”. Mình cùng với hai bạn trong công ty đã mang vấn đề này đến trao đổi với các anh, chị ở Hiệp hội và công ty Esuhai tại đầu cầu Nhật Bản. Các anh, chị cùng gia đình đã động viên rất nhiều. Sau đó cả ba đứa đã quyết định bỏ vấn đề này sang một bên và thống nhất dành thời gian rảnh rỗi để đầu tư học tiếng Nhật. Kết quả là cả ba đều đã đạt được kết quả rất khả quan là N1 và N2 mang về.

 

Esuhai: Trong thời gian tại Nhật, Thực tập sinh vừa phải làm tốt công việc được giao tại công ty lại vừa sắp xếp thời gian để học và thi nâng cao trình độ tiếng Nhật làm “tài sản” quý cho ngày trở về, cho tương lai. Vậy phương pháp mà các bạn đã áp dụng để đạt được kết quả tốt như vậy là gì, có thể chia sẻ để các bạn Thực tập sinh chuẩn bị xuất cảnh được biết và học tập?

 

 

Trần Văn Dũng: Nhiều bạn đặt mục tiêu ba năm phải lấy được bằng N2 rồi N1, còn mình thì chia kế hoạch thành các mốc nhỏ và thực hiện các mốc ấy, như vậy thì sẽ thấy dễ dàng thực hiện hơn.

 

Ở năm đầu thì tập trung vào giao tiếp, học và ghi nhớ từ vựng chuyên môn trong công việc mà mình đang làm. Bắt đầu từ năm hai mới chạy cho chương trình thi tiếng Nhật N2 và cố gắng đạt được N1 trong năm thứ ba. Lúc thi N1 đã bị rớt 2 lần và trước khi về nước 01 tháng đã quyết định thi N1 lần thứ 3 cũng là cơ hội cuối cùng. Các anh, chị, cô, chú ở công ty đã động viên và hỗ trợ rất nhiều và kết quả là mình đã vượt qua nó.  

 

Trong quá trình học thì mình gần như là không mua sách tiếng Nhật, bởi sách khá là đắt. Bên cạnh đó, sách thì có nhiều loại, nhiều nhà xuất bản và được trình bày với nhiều hình thức khác nhau nhưng chung quy lại cũng chỉ có một nội dung. Mình đã tận dụng ưu thế của thời đại công nghệ, tải tài liệu trên mạng xuống để học và tiết kiệm được một khoản tiền mua sách. Bên cạnh đó, mình tận dụng những giờ giải lao trao đổi với các cô chú người Nhật trong công ty về những vấn đề mình không hiểu sẽ học hỏi được nhiều hơn.

 

 

Vũ Văn Trưởng – Thực tập sinh ngành nghề Dập kim loại, là một trong hai Thực tập sinh đạt trình độ tiếng Nhật N1 trong số Thực tập sinh về nước trong tháng 8/2016: Khi sang Nhật mình chỉ mang theo 02 cuốn sách Minna no Nihongo và học hết hai cuốn sách đó. Phương pháp học tiếng Nhật của mình là xem phim Nhật để nghe người ta nói. Lúc đầu xem phim có bản dịch tiếng Việt sau đó coi lại thì chỉ tập trung nghe mà không nhìn chữ dịch. Từ nào thấy hay thì mình tra từ điển để học được nhiều từ vựng hơn. Lúc đầu mình chỉ xem phim để học tiếng Nhật nhưng không biết từ lúc nào mà mình bắt đầu trở nên thích xem phim Nhật luôn, bây giờ khi trở về Việt Nam mà hàng ngày mình vẫn xem (cười).

 

Mình vốn ham chơi hơn ham học, nhưng khi hai bạn cùng phòng đều học chẳng nhẽ mình chơi?! Trước khi qua Nhật mục tiêu của mình chỉ là đạt N3 thôi. Khi đó với mình N3 là cái gì đó cao siêu lắm. Khi thi được N3 rồi lại nhủ thôi thì học “đại” N2 rồi thi và đậu. Khi đó vẫn chưa về nước nên lại tiếp tục học thi N1. Có lẽ mình may mắn. So với nhiều bạn đi du học thì khả năng nói của mình còn thua người ta rất nhiều nhưng mình sẽ hơn người ta kinh nghiệm làm việc ba năm trong nhà máy của Nhật. Sau ba năm về nước bạn sẽ hiểu được giá trị mà mình đạt được là gì.

 

 

Nguyễn Hồng Phước: Bản thân mình may mắn khi đi học và đi làm đều được làm chung với những người giỏi. Vì khi mình học và chơi với họ thì họ sẽ kéo mình lên. Các bạn ít nhất phải chơi thân được với một người Nhật. Khi đi chơi người ta sẽ rủ mình đi, khi gặp vấn đề trong việc học tiếng Nhật hay công việc thì người ta sẽ chỉ cho mình, từ đó dần dần khả năng giao tiếp sẽ tốt lên. 

 

Trần Diễm Trúc: Lúc trước công ty mình có các tiền bối là người Trung Quốc, hiện tại được thay thế bằng người Việt Nam. Lúc trước trong những buổi tiệc BBQ mà Thực tập sinh trong công ty tổ chức thì không có người Nhật nào tham gia hết. Từ khi tụi mình qua thì có một người Nhật trong công ty chia sẻ với mình là: Đây là lần đầu tiên mà tôi thấy cấp trên trong phân xưởng đi hết như vậy. Rất bất ngờ. Người Việt Nam rất hay cười, khỏe khoắn, dễ thương, chịu khó học hỏi và chịu nói chuyện. Mình nghe như vậy cảm thấy vô cùng vui và tự hào cho người Việt Nam của mình. Cũng nhờ đó mà Thực tập sinh chúng mình kết nối được với nhiều người Nhật, học hỏi được nhiều hơn. 

 

Esuhai: Với những gì đã tích lũy được sau thời gian sống và làm việc tại Nhật, bạn có dự định gì khi trở về Việt Nam? Và nếu để gửi một lời nhắn nhủ tới các bạn Thực tập sinh chuẩn bị xuất cảnh thì bạn muốn nói điều gì?

 

Trần Văn Dũng: Khi ở Nhật, ngoài chữ “Tài” mình còn muốn nhắn gửi tới các bạn chữ “Nhẫn”. Đừng thấy người ta làm được chuyện này, chuyện kia rồi mình rối lên thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả. Mỗi người phải có kế hoạch của riêng mình và từng bước thực hiện theo kế hoạch ấy.

 

Nguyễn Hồng Phước: Ba năm này rất là quý giá và nó qua nhanh lắm. Mình thậm chí còn không bết là ba năm đã qua rồi (cười). Công ty mình bây giờ mở chi nhánh tại Bình Dương, mình về làm việc tiếp cho công ty.

 

Trần Diễm Trúc: Nếu có tiếng Nhật tốt thì dù là đi đâu khi ra đường bạn cũng có thể tự lo liệu được cho mình. Bạn chỉ cần nhìn bảng chỉ dẫn hoặc có thể hỏi chuyện mọi người xung quanh để biết được nơi mình cần đến, việc mình cần làm. Khi sống bên Nhật mà biết tiếng Nhật thì cũng như khi mình sống ở Việt Nam vậy. 

 

Mình cũng như Dũng, Trưởng sẽ tìm một công việc liên quan đến tiếng Nhật để có thể khai thác được thế mạnh của mình và phát triển công việc trong tương lai tại Việt Nam. 

 

 

So với ba năm trước, trở về sau 03 năm làm việc và sinh sống tại Nhật, các bạn đã trưởng thành lên rất nhiều. Công ty Esuhai chúc mừng tất cả các bạn và mong các bạn Thực tập sinh trân trọng và phát huy những giá trị tốt đẹp mà mình đã tích lũy để đem lại cho chính mình cơ hội việc làm tốt, thu nhập tốt, cuộc sống tốt hơn ở hiện tại và trong cả tương lai.  



NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này