scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
TỔNG KẾT & CÔNG BỐ GIẢI THƯỞNG CUỘC THI VIẾT VĂN CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2014
20/11/2014
2630
ESO - “CUỘC THI VIẾT VĂN CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11” lần thứ IV do Esuhai - KaizenYoshidaSchool tổ chức phát động trong toàn thể học viên và cựu học viên sau một tháng triển khai (29.09.2014 - 29.10.2014) đã thu hút hơn 100 bài viết tham dự.

Tất cả các bài viết dự thi dù được đánh máy hay nắn nót viết tay thì trên mỗi trang giấy đều thể hiện lòng biết ơn sâu sắc cùng những tình cảm đơn sơ, mộc mạc mà chân thành, sâu lắng của người học trò gửi đến thầy cô giáo KaizenYoshidaSchool kính yêu - Người chắp cánh ước mơ cho cuộc đời mình!

Cuộc thi không chỉ là cơ hội để các bạn học viên, cựu học viên gửi lời tri ân của mình đến Thầy cô giáo KYS nhân ngày lễ tôn vinh các thầy cô mà còn là dịp để các học viên, cựu học viên phát huy khả năng văn chương, kỹ năng viết cùng tư duy sáng tạo của bản thân đồng thời để lại trong lòng các bạn học viên, cựu học viên kỷ niệm đẹp nhiều ý nghĩa khi là thành viên của mái trường  KaizenYoshidaSchool thân thương.

Dưới đây, Esuhai - KaizenYoshidaSchool vui mừng công bố danh sách các bạn học viên, cựu học viên đoạt giải thưởng “CUỘC THI VIẾT VĂN CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11”

Niềm vui của các bạn học viên khi nhận bằng khen và giải thưởng từ Thầy Hiệu trưởng Lê Long Sơn - Theo thứ tự từ phải sang trái : Học viên Chung Văn Nhân - Giải Nhất, Thực tập sinh Đinh Thị Thúy - Giải Nhì (em gái nhận thay), Học viên Võ Đình Thìn - Giải Ba, TTS Trần Thị Ngọc Nhanh - Giải bài dự thi có lượt "LIKE" nhiều nhất trên FB KYS (chị gái nhận thay), Học viên Nguyễn Thị Hồng Diễm - Nguyễn Thị Tươi - Đỗ Thị Hà Thương (Giải Khuyến khích)

Chị Thanh Hương - Thành viên Hội đồng quản trị công ty Esuhai (bìa phải) trao phần quà lưu niệm cho Ban Giám khảo cuộc thi : Thầy Hiệu trưởng - Giám đốc Lê Long Sơn, chị Chân Thuyên - Ban tổ chức cuộc thi, chị Thùy Trang - Phu nhân Giám đốc và cô Minh Đức - Phó Hiệu trưởng KaizenYoshidaSchool (theo thứ tự từ phải sang trái)

GIẢI NHẤT "NGƯỜI THỦY THỦ KHÓ TÍNH CỦA ĐOÀN TÀU KAIZEN" - CHUNG VĂN NHÂN


GIẢI NHÌ "NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH" - TTS ĐINH THỊ THÚY

NGƯỜI THẦY ĐÁNG KÍNH

Mới mùa thu thôi nhưng sao những cơn gió se lạnh lại về sớm đến vậy. Đang lang thang trong siêu thị tôi bắt gặp một món ăn trông hấp dẫn, bắt mắt và cũng có rất nhiều người đang xếp hàng chờ để được mua nó. Lại gần tôi mới nhận ra là món Oden. Chỉ mới nhìn thấy chữ Oden thôi mà tôi như bị thôi miên, tôi đứng ngẩn ngơ nhìn món ăn đó như một đứa trẻ đang đói bụng và trong dòng suy nghĩ bao ký ức chợt ùa về. Ký ức về một người Thầy luôn tận tâm, về những buổi học kéo dài tới gần 11 giờ đêm với những bài giảng mà khi nghe tôi đã không thể không cười nhưng lại chất chứa trong đó bao ý nghĩa sâu sắc... Hơn 17 năm đi học, nếu có lục tung lại từng trang ký ức về thời học sinh, sinh viên tôi cũng sẽ chẳng thể tìm ra được một người Thầy hay người Cô nào đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đến vậy. Ngay sau khi rời giảng đường Đại học và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới, tôi đã có may mắn gặp Thầy - Người đã làm tôi suy nghĩ, trăn trở sau mỗi buổi học để rồi tôi phải thay đổi. Và rồi mong muốn được tới Nhật đã len lỏi vào trong suy nghĩ tôi lúc nào không hay!

Ngày đó, tôi như một cô gái bước ra từ chiếc hộp được bao bọc kỹ. Tôi nhút nhát và không tự tin với những kiến thức đã được học hay một vài tấm bằng được cấp sau những khoá đào tạo ngắn hạn mà tôi đã tham gia…Ngày đầu tiên học môn Oden Thầy dạy tôi không phải là một học trò đang ấp ủ ước mơ đến Nhật, khi đó tôi là nhân viên mới và được đề cử tham gia buổi học ngày hôm đó. Sau một ngày làm việc, tôi ngồi trong lớp học mà tâm trí cứ để ở nơi đâu, không biết bao lần tôi liếc nhìn chiếc kim đồng hồ, chiếc kim ngắn từ số 8 nhích qua số 9 rồi cứ như thế từ từ nhích dần nhưng Thầy lúc nào cũng say sưa chắc sẽ không thể dừng lại sớm hơn được. Và rồi buổi học cũng kết thúc, tôi ra về mà không thu hoạch được gì cả. Những lần học sau, tôi cũng được đề cử tham gia tiếp nhưng tôi không muốn giống như lần trước nữa, tôi không muốn ngồi đếm thời gian trôi qua một cách lãng phí như vậy. Tôi quan sát mọi thứ xung quanh và lắng nghe những câu chuyện mà Thầy chia sẻ. Phía dưới lớp, các bạn học trò im phăng phắc trong tư thế nghiêm túc, khuôn mặt tươi cười, đôi mắt long lanh như đang chờ đợi điều gì đó... Còn Thầy, một giọng nói truyền cảm đủ nghe và đủ sức thuyết phục trước hàng trăm học viên, đôi mắt luôn rực sáng và tràn đầy năng lượng như vừa mới bắt đầu một ngày làm việc. Các câu chuyện mà Thầy chia sẻ luôn đa dạng, từ những chuyện đơn giản như thể ai cũng nói được đến những câu chuyện tôi chưa bao giờ được nghe, chưa bao giờ được biết đến hay những kinh nghiệm sống mà khi đi học chưa Thầy cô nào truyền dạy cho chúng tôi cả. Cứ như thế, những buổi học tiếp theo không bao giờ nhàm chán với tôi nữa. Có những lúc không khí trong phòng học tràn ngập tiếng cười qua cách diễn đạt khôi hài của Thầy, có những lúc lớp học như lắng xuống chìm trong suy tư khi Thầy định hướng nghề nghiệp và hướng dẫn chúng tôi cách lập kế hoạch cho tương lai.

Tôi vẫn nhớ nội dung buổi học ngày hôm đó. Thầy chia sẻ với các bạn về vấn đề "Những thói quen xấu của người Việt". Thầy đã đưa ra những thói quen không tốt và điển hình đang tồn tại để chúng tôi biết cách giải quyết tốt nhất. Lúc ấy tôi chưa hiểu hết và đã nghĩ vấn đề đó rất đơn giản. Nhưng giờ, sau khi tôi sống và làm việc ở Nhật được ba tháng, tôi đã cảm nhận được rõ hơn điều Thầy dạy. Nếu chỉ là những câu chuyện phiếm nói cho vui thì Thầy đã không cần phải đứng hàng mấy tiếng đồng hồ như vậy. Các bạn chưa qua Nhật, chưa thực sự hiểu được cuộc sống nơi đây ra sao. Có chăng các bạn chỉ biết nhìn qua Facebook hay những trang mạng xã hội mà bạn bè đang làm việc tại Nhật chia sẻ. Các bạn chỉ nhìn thấy những cái ảo, những bức ảnh đi chơi rất đẹp, những món ăn rất ngon hay những món đồ có giá trị... Nhưng các bạn đâu thấy được công việc thực tế của họ ra sao... Vậy nên các bạn luôn nghĩ tới Nhật là sẽ được sung sướng! Các bạn đâu biết rằng cuộc sống ở Nhật có rất nhiều cám dỗ, do đó sẽ rất dễ sa ngã và vi phạm pháp luật.

Cuộc sống nơi đây rất hiền hòa bởi người Nhật luôn có ý thức tự giác cao nhưng một số người nước ngoài đã đến và phá vỡ đi những trật tự kỷ cương của họ. Nơi tôi đang sống có rất nhiều người Việt và một vài siêu thị ở đây có dán bảng thông báo đủ to để thấy được hàng chữ "Ăn cắp là vi phạm pháp luật, sẽ bị trả về nước". Thật đáng buồn  khi có biết bao người nước ngoài ở đây mà họ chỉ viết bằng tiếng Nhật và tiếng Việt ! Sau những trải nghiệm đó, tôi nhớ lại lời giảng tâm huyết của Thầy. Chỉ có Thầy mới đủ tinh tế để có thể cảm nhận và thấu hiểu được những vấn đề hết sức nhạy cảm như vậy để truyền dạy cho những học trò của mình.

Các bạn vào trường chắc chắn mỗi người có một hoàn cảnh, một lý do hay một mục đích khác nhau. Có bạn vì không tìm được việc, có bạn vì bất mãn với cuộc sống ở đây, có bạn muốn chạy trốn một ai đó bằng cách tìm tới môi trường bận rộn và hoàn toàn xa lạ để quên đi nhưng chắn chắn cũng có rất nhiều bạn tới Nhật bởi một niềm đam mê nào đó. Hơn ai hết Thầy là người hiểu các bạn. Thầy mong muốn qua những kinh nghiệm sống được Thầy tâm huyết truyền dạy, các bạn sẽ thành công như Thầy hoặc phải hơn Thầy.

Chắc hẳn các bạn không biết trước giờ lên lớp có những lúc Thầy chỉ ăn vội ổ bánh mỳ. Công việc quá bận rộn đến mức không có thời gian dành cho gia đình hay những việc cá nhân vậy mà chỉ cần không có lịch hẹn gặp khách hàng hay đối tác là Thầy dành thời gian ấy cho những giờ Oden. Tôi thực sự nể trọng và khâm phục chữ "Tâm" rất lớn mà Thầy dành cho sự nghiệp giáo dục. Tôi chưa từng gặp một nhà kinh doanh tài ba nào lại có nhiều tâm huyết và nhiều tình thương dành cho các bạn trẻ chúng tôi đến vậy. Nếu chỉ vì mục đích kinh doanh thì Thầy đã không dồn nhiều tâm huyết và công sức như thế. Thầy không chỉ giúp các bạn trẻ dám ước mơ mà còn hướng dẫn các bạn lập kế hoạch và mục tiêu cụ thể để để biến ước mơ thành sự thật.

Món Oden tôi đang thưởng thức là một món ăn truyền thống từ lâu đời của người Nhật thường được ăn vào mùa đông. Với những nguyên liệu đơn giản nhưng được hầm khá kỹ nên rất bổ dưỡng. Oden - môn học tôi đã được học lại là một món ăn tinh thần giúp bạn nhận ra giá trị của cuộc sống. Bằng sự nhiệt huyết và tấm lòng của Thầy mà môn học này có thể sẽ làm bạn thay đổi tư duy, thay đổi cách suy nghĩ và có thể thay đổi cuộc đời mình.

Giờ đây khi nhớ lại, tôi có cảm giác hối tiếc vì đã bỏ lỡ nhiều buổi học. Tôi cảm thấy có lỗi với Thầy vì đã không chăm chú lắng nghe và để những thứ cảm xúc tầm thường lấn át. Tôi đã ngạc nhiên khi Thầy đưa ra phương pháp mới là rèn luyện cơ thể để nâng cao sức đề kháng và khả năng chịu đựng cho các bạn học viên trong trường. Nhưng giờ tôi mới hiểu được lý do. Đến Nhật làm việc tôi mới hiểu được vì sao người Nhật lại làm việc với cường độ phi thường tới vậy? Họ chăm chỉ làm việc cho tới khi không thể đi làm được nữa, họ biết tiết kiệm trong chi tiêu và không để lãng phí thời gian. Và quan trọng nhất là họ rất khỏe. Có sức khỏe mới đủ sức làm việc, đủ sức chống chọi lại với bệnh tật và những áp lực của cuộc sống thường ngày. Vậy nên với một thể trạng xanh xao, ốm yếu hay cái tính tiểu thư sợ khó sợ khổ bạn sẽ không thể thành công hoặc thậm chí chẳng ai muốn nhận bạn cả.

Khi đã xa mái trường và đến Nhật làm việc, tôi mới cảm nhận được hết tấm lòng của Thầy. Đó là hình ảnh một người Thầy ăn vội vàng ổ bánh mỳ, đứng suốt hàng tiếng đồng hồ chỉ với vài ly trà để chia sẻ kinh nghiệm sống, định hướng tương lai cho các bạn... Khi ấy Thầy đã phải từ bỏ bao thú vui trong cuộc sống thường ngày, thậm chí phải hy sinh cả những bữa cơm gia đình mà những người thân của Thầy đang mong ngóng. Chính sự tận tâm ấy đã tiếp thêm sức mạnh để Thầy thổi bùng lên ngọn lửa đam mê và khao khát nơi mỗi chúng tôi. Từ ngôi trường Kaizen có biết bao bạn trẻ mang theo hành trang và kiến thức sang Nhật để học tập và làm việc. Tôi tin rằng bao công sức và niềm tin Thầy đặt vào chúng tôi chắc chắn sẽ gặt hái được thành quả tốt. Không hẳn tất cả các hạt mầm được gieo đều cho trái ngọt nhưng mong rằng công ơn của Thầy sẽ được đáp trả xứng đáng. 

Ngày tri ân và vinh danh những người Thầy luôn dành tâm huyết cho sự nghiệp trồng người sắp đến. Tôi - một cô học trò bé nhỏ xin được gửi tới Thầy những dòng cảm xúc chân thành nhất. Tôi kính chúc Thầy sẽ luôn thành công trong sự nghiệp đào tạo, sẽ luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc Thầy đang thực hiện. Tôi không cần phải giới thiệu Thầy là ai. Chỉ cần nhắc tới “Oden” thôi là chắc chắn các bạn đang và đã từng theo học tại trường sẽ nhận ra Thầy là ai.

Tôi xin chúc tất cả các Thầy Cô giáo trường Kaizen luôn thật nhiều sức khoẻ, luôn tâm huyết với "nghề" mình đã chọn và sẽ gieo được thật nhiều hạt giống tốt, thu hoạch được thật nhiều trái ngọt.

GIẢI BA "CÔ TÔI" - VÕ ĐÌNH THÌN

CÔ TÔI

Dạo đó, tôi là một sinh viên sắp tốt nghiệp còn mang trong đầu bao suy nghĩ: Rồi đây mình sẽ đi đâu? Làm việc gì kiếm tiền để tồn tại giữa cuộc sống bon chen mà biết bao sinh viên ra trường còn đang thất nghiệp đang làm những việc trái ngành hay làm thêm ở những quán cà phê, nhà hàng để sống qua ngày? Đúng dịp đó diễn ra hội thảo việc làm tại Nhật Bản ở trường tôi do công ty Esuhai và trường KaizenYoshidaSchool tổ chức, tôi đã đăng ký tham gia. Hoàn thành xong những thủ tục ban đầu, hai tháng sau, lớp học tiếng Nhật đầu tiên được khai giảng. Từ đây, các học viên sẽ được đào tạo tiếng Nhật, đào tạo tác phong làm việc với người Nhật và được tìm hiểu về văn hóa, con người Nhật Bản một cách đầy đủ nhất để có thể tự lập khi sống và làm việc trên đất nước Nhật Bản. Và cô Đoàn Thị Đấy được giao nhiệm vụ sẽ giảng dạy lớp chúng tôi ngay tại thành phố Đà Nẵng.

Cô tiếp nhận lớp với bao khó khăn trước mắt khi phải tạm xa gia đình, xa các bạn đồng nghiệp vui tính và cả những học trò thân thương nơi mái trường Kaizen yêu dấu để đến với một vùng đất mới - Miền Trung đầy nắng gió khắc nghiệt. Từ đây, cô phải làm quen với cuộc sống mới xa gia đình, một mình chuẩn bị giáo án và bận rộn với những giờ lên lớp thiếu thốn trang thiết bị dạy học hơn so với các lớp học ở trụ sở chính. Rồi những giờ học đầu tiên cũng được bắt đầu, trở ngại lớn nhất giữa cô trò chính là giọng nói. Người Miền Trung thường nói rất nặng, các bạn lại hay quen dùng tiếng địa phương nên nhiều lúc khiến cô không hiểu phải hỏi đi, hỏi lại. Đến nỗi sáng hôm sau lên lớp cô bảo: “Tối về ngủ rồi cô vẫn nghe tiếng các em nói văng vẳng bên tai nhưng cô không hiểu rõ các em đang nói gì cả.” Những buổi học đầu tiên trôi qua cùng với cảm nhận ban đầu của tất cả chúng tôi là tại sao tiếng Nhật lại phức tạp thế. Để chúng tôi nhanh hiểu bài, cô đã phải mất rất nhiều thời gian biên soạn bài và vận dụng nhiều phương pháp để truyền đạt cách dễ hiểu nhất cho chúng tôi. Cái nắng nóng Miền Trung cuối hè sang thu rất khó chịu đã khiến những giọt mồ hôi lăn dài trên trán cô trong những giờ học... Khó khăn là thế nhưng chúng tôi chưa bao giờ thấy cô phàn nàn hay nản lòng. Cô luôn đến lớp với nụ cười thân thiện để bước vào giờ dạy với tinh thần hăng say nhất vì cô luôn mong muốn mang lại cho lớp những giờ học hiệu quả nhất.

Ngày ngày qua đi những giờ học “a i ư ề ô”, những lời chào và cả những câu hát của cô ghi sâu vào trí nhớ chúng tôi. Không chỉ dạy tiếng Nhật, cô còn giới thiệu về những nét văn hóa rất riêng của người Nhật, từ những cử chỉ nhỏ nhặt như đưa đồ vật cho người khác sao cho họ dễ sử dụng hay cả văn hóa chào hỏi rất lịch sự của người Nhật. Cô đã trang bị chúng tôi tất cả các kiến thức cần thiết khi đến sống và làm việc tại Nhật. Gác lại mọi khó khăn ở phía sau, cô luôn như một người chị, người thân chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như kinh nghiệm cô đã tích lũy được trong thời gian cô làm việc ở Nhật Bản.

Cuộc sống của cô vẫn âm thầm với niềm vui mỗi ngày lên lớp nhưng đâu có ai biết rằng để làm được điều đó cô đã phải kìm nén nỗi nhớ nhà, nhớ người thân và nhất là đứa cháu mới mấy tháng tuổi cứ tròn xoe đôi mắt nhìn cô mỗi khi gặp. Tạm xa gia đình, xa những bữa cơm ấm cúng bên người thân yêu để đến với những bữa cơm bụi vội vã, cô vẫn miệt mài đến trường với chiếc xe đạp cọc cạch cô mới mua khi bắt đầu ra Đà Nẵng. Có những lúc cô bảo xe cô bị hư thắng nhưng không biết chỗ sửa nên đi đường cô rất sợ đụng phải người khác, thế nhưng chưa một lần cô lên lớp trễ dù là trời nắng hay mưa rả rích. Cô bảo: “Niềm vui của cô là được đến lớp để mang đến từng con chữ cho các em, mong sao các em học hành thật tốt để có thể sớm sang Nhật làm việc, tự lo cho cuộc sống của bản thân và phụ giúp một phần cho gia đình. Hơn hết là học hỏi tinh hoa văn hóa của nước bạn để tự thay đổi chính bản thân mình theo hướng tích cực nhất”.

Một tháng ngắn ngủi gắn bó cùng cô trên giảng đường đã để lại trong tôi hình ảnh sống động về một cô giáo trẻ vui vẻ, thân thiện, đầy trách nhiệm và tâm huyết với nghề.

Quả thực lúc đầu khi đăng ký tham gia lớp tiếng Nhật, tôi mong muốn sang Nhật làm việc để có thể làm việc tốt và kiếm được thật nhiều tiền đỡ đần gia đình. Nhưng kể từ khi theo học lớp tiếng Nhật của trường Kaizen tổ chức tại Đà Nẵng do chính cô đảm nhiệm tôi mới chợt nhận ra rằng thế hệ trẻ Việt Nam trong đó có tôi thường có tâm lý ăn xổi ở thì, chạy theo cuộc sống xô bồ của đồng tiền mà quên mất đi những giá trị căn bản làm nên cốt cách con người, thiếu đi cái nhìn sâu rộng để đầu tư đúng hướng cho tương lai của bản thân.

Vẫn sẽ còn đó những khó khăn nhưng tôi luôn mong sao công ty Esuhai và trường Kaizen sẽ mở thêm nhiều lớp học hơn nữa ở Đà Nẵng cũng như một số địa phương khác để góp phần đào tạo thế hệ trẻ, giúp họ làm chủ chính cuộc sống của bản thân và làm giàu cho đất nước. Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 - 11, tôi xin kính chúc quý thầy cô trường KaizenYoshidaSchool và đặc biệt là cô giáo Đoàn Thị Đấy nói riêng dồi dào sức khỏe, luôn dành trọn tình yêu cho nghề để mang đến những bông hoa tốt đẹp nhất cho đời.

Kính mến!

Xem tiếp phần 2 >>

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này