scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
05/07/2014
1272
Công nghiệp chế tạo nói chung và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói riêng đang ngày càng trở thành chủ đề được đặc biệt quan tâm trên các diễn đàn công nghiệp, kinh tế của VN. Tại Đại hội XI Đảng Cộng sản việt Nam diễn ra vào năm 2011, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ đã chính thức được đưa vào Nghị quyết của Đại hội như một trong những định hướng quan trọng cho phát triển CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Do đặc điểm lịch sử, nền kinh tế VN chưa đủ tiềm năng để phát triển nhanh và mạnh các ngành công nghiệp chế tạo, CNHT, vì vậy, ngành công nghiệp Việt Nam kỳ vọng rất lớn vào các nhà đầu tư Nhật Bản - đối tác tin cậy hàng đầu của Việt Nam trong những năm qua.

Chính sách phát triển các ngành CN chế tạo và CNHT của Việt Nam

Trong Dự thảo Quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam đến 2020, tầm nhìn 2030 đã đề ra một số định hướng cho các ngành công nghiệp chế tạo và CNHT. Cụ thể, về các ngành công nghiệp chế tạo, cơ bản hình thành mạng lưới sản xuất, lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này trên cả 3 miền. Tập trung giải quyết những khâu cơ bản là đúc, rèn phôi, nhiệt luyện, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh, gắn kết hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới với sản xuất thử nghiệm và rút kinh nghiệm từ thực tế, tập trung cho các lĩnh vực then chốt, như: đo kiểm, giám định chất lượng sản phẩm xuất xưởng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong 5-10 năm tới, trọng tâm của các ngành công nghiệp chế tạo của Việt Nam gồm: Giàn khoan dầu khí; Động cơ Diezel từ 100 mã lực trở lên; Đầu máy, toa xe phục vụ vận tải đường sắt; Phôi thép và đúc rèn phôi thép hợp kim cao; Một số máy công cụ gia công các chi tiết có kích thước, trọng lượng lớn; Thiết bị phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp và cho công nghiệp chế biến; Thiết bị cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện (trong đó có thiết bị trọn bộ nhà máy nhiệt điện than công suất đến 600 MW). Một số loại thiết bị cho CN lọc dầu, hoá chất; Lắp ráp máy xây dựng và sản xuất thiết bị điện lớn; Một số sản phẩm cơ khí chính xác áp dụng công nghệ cao, cơ điện tử dùng cho các ngành kinh tế quốc dân.

Đối với công nghiệp hỗ trợ, vào năm 2007, Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, hiện nay quy hoạch này đang được rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp yêu cầu phát triển 10 năm tới và phù hợp Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Theo quyết định này, Bộ Công Thương đã ban hành Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, bao gồm 6 ngành, trong đó 4 ngành thuộc CN chế tạo là cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử-tin học và CNHT phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Danh mục sẽ được định kỳ bổ sung, điều chỉnh.

Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, ưu tiên cho các dự án công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, khuyến khích, tạo điều kiện cho việc hình thành các khu công nghiệp chế tạo tập trung, các cụm liên kết (cluster) CN chế tạo, CNHT, nơi các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong các lĩnh vực kể trên có thể cung ứng sản phẩm cho nhau trong mạng lưới sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực CN chế tạo, CNHT, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao cho công nghiệp…

Thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào CNHT

Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò quan trọng hàng đầu của việc hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển công nghiệp chế tạo và CNHT. Đây cũng là lĩnh vực được phía Nhật Bản hết sức quan tâm.

Trong khuôn khổ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã được ký kết giữa hai bên, Việt Nam và Nhật Bản đang triển khai thực hiện Nội dung WT6-1: Kế hoạch hành động nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam, với các nội dung chính: Xây dựng cơ chế thực hiện, xây dựng năng lực và đào tạo nguồn nhân lực, tín dụng cho CNHT, nâng cao năng lực xin cấp tín dụng của các doanh nghiệp CNHT, nâng cao năng lực cho vay của các tổ chức tín dụng, thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên kết thương mại. Hiện tại các nội dung này đã bước sang giai đoạn 3 với các chương trình cụ thể trong các lĩnh vực được lựa chọn.

Việt Nam đã khởi công Khu CNHT số 1 Việt Nam - Nhật Bản tại Quế Võ, Bắc Ninh vào năm 2009, do Tập đoàn Kinh Bắc làm chủ đầu tư, nhằm thu hút các doanh nghiệp CNHT Nhật đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay hệ thống nhà xưởng tại khu công nghiệp đã xây dựng xong nhưng mới có 02 doanh nghiệp Nhật đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp này. Việt Nam kêu gọi các DN Nhật Bản, đặc biệt là các doanh nghiệp ở vùng Kansai tích cực hơn nữa trong việc đầu tư vào Khu CNHT số 1 Việt – Nhật này.

Trong 2 ngành công nghiệp chế tạo quan trọng của Việt Nam là Điện tử và Cơ khí chế tạo, nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như: Toyota; Honda; Yamaha; Canon; Panasonic, Fujitsu… Các doanh nghiệp này tạo ra một thị trường lớn cho việc sản xuất sản phẩm CNHT ngành điện tử và cơ khí tại Việt Nam để cung cấp cho các nhà sản xuất, lắp ráp của Nhật, tiến tới xuất khẩu, đồng thời giúp CN Việt Nam tiếp cận được với những công nghệ tiến bộ nhất.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt khuyến khích và kêu gọi các DN Nhật Bản tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp chế tạo, các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành CNHT. Bên cạnh Khu CNHT số 1 Việt Nam - Nhật Bản ở Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam đã hợp tác với Nhật Bản xây dựng thêm 2 khu công nghiệp chế tạo chuyên sâu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hải Phòng nhằm thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp Nhật Bản, tạo ra các điều kiện sản xuất tốt nhất cho các doanh nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật. Đây là hai khu vực có nhiều lợi thế về vị trí, cảng biển, nguồn nguyên vật liệu, lao động công nghiệp, chính sách thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh năng động… Đề nghị Hiệp hội kinh tế vùng Kansai và đại diện hai địa phương này nhanh chóng xúc tiến các nội dung cần thiết để nội dung này sớm được triển khai, các doanh nghiệp Nhật sẽ nhanh chóng được đầu tư vào Việt Nam. Ngoài các khu công nghiệp nêu trên, đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản - trong xu thế chuyển dịch một số ngành, một số cơ sở chế tạo của Nhật ra nước ngoài để hạn chế tổn thất do các thảm hoạ thiên nhiên mà nước Nhật có nguy cơ cao phải hứng chịu, cũng như để tận dụng nguồn nhân lực trẻ và giảm chi phí sản xuất ngày càng cao ở Nhật.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhật Bản, Chính phủ Việt nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển CNHT trong thời gian tới. Trong đó, Việt Nam tập trung phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng, cải thiện chất lượng đội ngũ lao động, tiếp tục cải cách môi trường đầu tư.

Thực hiện Quyết định 12, hiện nay Bộ Công Thương đã hình thành Hội đồng thẩm định các dự án sản xuất CNHT và quy trình thẩm định các doanh nghiệp có yêu cầu được ưu đãi riêng biệt, có các đóng góp cho phát triển công nghiệp chế tạo Việt Nam. Đây sẽ là các ưu đãi liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất… và các ưu đãi khác.

Nhìn chung, quan hệ hợp tác kinh tế phát triển của Việt Nam và Nhật Bản đã được hình thành và phát triển mạnh mẽ trong các năm qua. Các đóng góp trong phát triển kinh tế xã hội của Nhật Bản cho Việt Nam rất quý báu. Riêng đối với CNHT, các nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản các năm qua đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động chính sách vừa kể trên, các hoạt động của JETRO, JICA, Trung tâm Việt - Nhật… trong đào tạo nhân lực, hỗ trợ nâng cao năng lực thể chế cho các cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam đã và đang mang lại những thay đổi đáng kể cho diện mạo các DN sản xuất CNHT của Việt Nam. Đây là các tiền đề quan trọng để doanh nghiệp hai nước tiếp tục có các hoạt động hợp tác mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo vccinews.vn

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này