scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Nhật Bản với quyết định lịch sử
02/07/2014
683
Ngày 1/7, nội các Nhật Bản nhất trí dỡ bỏ rào cản pháp lý ngăn cản quân đội nước này tham chiến ở bên ngoài.

Đây là một trong những thay đổi lớn nhất trong chính sách hòa bình của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và là một bước tiến có ý nghĩa kể từ khi Nhật Bản thành lập lực lượng vũ trang dưới tên gọi Lực lượng phòng vệ (SDF) cách đây 60 năm. Quyết định này sẽ xóa bỏ lệnh cấm quân đội nước này thực thi quyền “phòng vệ tập thể” hay hậu thuẫn nước bạn đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Quyết định nới lỏng những hạn chế trong các hoạt động triển khai quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc lãnh đạo và trong các vụ đụng độ bất ngờ có nguy cơ chuyển thành chiến tranh thực sự.

Những thay đổi từ thụ động sang chủ động

Theo nghị quyết, Nhật Bản có thể triển khai lực lượng ở mức tối thiểu cần thiết trong trường hợp một nước mà Nhật Bản có quan hệ gần gũi bị tấn công và khi “sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa và xuất hiện những nguy cơ rõ ràng đối với quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân” và khi không có lựa chọn khác phù hợp.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản kể từ khi thành lập bị bản Hiến pháp hòa bình thời hậu chiến trói buộc, giờ sẽ có thêm các sự lựa chọn triển khai quân sự liên quan trực tiếp đến an ninh của nước Nhật. Hiến pháp của Nhật Bản chưa từng sửa đổi kể từ khi nó được thông qua sau khi Nhật Bản thất trận năm 1945.

Ngày 1/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản phải đáp ứng được môi trường an ninh đang ngày càng trở nên khắc nghiệt. Phát biểu tại một cuộc họp báo có trưng bày một áp-phích vẽ hình những người phụ nữ và trẻ em Nhật Bản đang di tản khỏi một vùng chiến trận theo giả định trên một tàu Mỹ do bị tấn công, ông Abe nói: “Không có gì thay đổi về nguyên tắc chung là chúng tôi không đưa quân ra nước ngoài”.

Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một số ví dụ về việc Nhật Bản sẽ có thể sử dụng quân đội của mình như thế nào sau việc sửa đổi các điều luật có liên quan được hoàn thiện vào cuối năm nay:

- Bảo vệ tàu chiến Mỹ bị một nước thứ ba tấn công gần vùng biển của Nhật Bản trước khi có sự tấn công trực tiếp vào Nhật Bản, bởi hợp tác với quân đội Mỹ là cần thiết để đảm bảo an ninh của chính Nhật Bản.

- Buộc dừng các tàu để kiểm tra nếu nghi ngờ các tàu này chở vũ khí tới một nước thứ ba đang tấn công các tàu chiến Mỹ ở vùng biển mở gần Nhật Bản mà cuộc chiến này nhiều khả năng sẽ lan tới Nhật Bản - hành động này hiện bị xem là vi hiến và bị cấm vì sử dụng vũ lực.

- Bắn hạ tên lửa khi phát hiện nó bay qua các đảo Nhật Bản nhằm về phía các khu vực thuộc lãnh thổ của Mỹ, và theo yêu cầu của Mỹ.

- Bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình ở nước ngoài: giải cứu công dân Nhật Bản tham gia chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi họ bị tấn công và sử dụng vũ khí nếu cần thiết để bảo vệ các công dân đó.

- Rà phá bom mìn ở Trung Đông: Kế hoạch này, hiện vẫn đang được cân nhắc, sẽ cho phép lực lượng quân đội Nhật tham gia các nỗ lực rà phá bom mìn của LHQ với sự tham gia của nhiều nước nhằm đảm bảo an ninh cho các tuyến đường biển ở Trung Đông, như Eo biển Hormuz, hiện đang là các tuyến giao thông huyết mạch đối với Nhật Bản.

Sau khi thông qua quyết định trên, Chính phủ Nhật Bản dự kiến chuẩn bị khuôn khổ pháp lý bằng cách sửa đổi và xây dựng các đạo luật liên quan để thực hiện việc thay đổi chính sách.

Những sửa đổi còn cần phải được nghị viện thông qua và sẽ có những giới hạn được áp đặt trong quá trình thực hiện. Kể từ sau Chiến tranh thế giới  thứ hai, quân đội Nhật Bản chưa hề tham chiến. Mặc dù các chính phủ kế tiếp nhau đã nới rộng các giới hạn trong điều khoản hòa bình để phát triển lực lượng quân đội hiện đã tương đương với quân đội Pháp và cho phép thực thi các nghĩa vụ phi chiến đấu ở nước ngoài, song lực lượng vũ trang Nhật Bản vẫn bị hạn chế hơn rất nhiều so với quân đội các nước khác.

Thủ tướng Abe thúc đẩy sự sửa đổi này từ khi lên nắm quyền cuối năm 2012, bất chấp các ý kiến chỉ trích từ dư luận và ngay cả trong nội bộ liên minh cầm quyền bày tỏ lo ngại cho rằng Điều 9 Hiến pháp phản đối chiến tranh sẽ mất tác dụng. Ngày 1/7, hàng nghìn người Nhật Bản biểu tình đã diễu hành gần văn phòng của Thủ tướng, giơ những biểu ngữ và hô lớn “Không hủy bỏ Điều 9” và “Chúng tôi phản đối chiến tranh”. Trước đó, ngày 29/6, một người đàn ông ở Tokyo đã tự thiêu sau khi nói rằng ông phản đối cách giải thích lại Điều 9 của ông Abe. Người phát ngôn chính phủ hạ thấp ý nghĩa vụ việc này, nói đây là công việc của cảnh sát.

Người mừng, kẻ lo

Trong bối cảnh sự cân bằng quyền lực trong khu vực đang thay đổi to lớn, bao gồm sự lớn mạnh của Trung Quốc, các chính sách an ninh của Nhật Bản phải linh hoạt hơn. Ông Abe đã thực hiện sự lãnh đạo mạnh để đạt tới sự thay đổi tư duy nhận thức của người Nhật trước tình hình mới, điều mà ông cho rằng có liên quan đến sự phục hưng của Nhật Bản.

Washington từ lâu đã hối thúc Nhật Bản trở thành một đối tác liên minh cân bằng hơn. Động thái trên của Nhật Bản cũng sẽ được phần lớn các quốc gia Đông Nam Á hoan nghênh. Quyền phòng vệ tập thể của Nhật Bản có thể góp phần không nhỏ vào sự ổn định và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương nếu được thực thi minh bạch đi kèm tham vấn các nước láng giềng khu vực.

Mỹ đã hoan nghênh động thái mới của Nhật Bản và cho rằng nó sẽ giúp liên minh Mỹ-Nhật hoạt động hiệu quả hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel phát biểu: “Quyết định này là bước tiến quan trọng của Nhật Bản khi nước này muốn tìm cách đóng góp lớn hơn cho hòa bình và an ninh khu vực cũng như toàn cầu. Mỹ có một mối quan tâm lâu dài tới hòa bình và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và liên minh giữa Mỹ với Nhật Bản là quan trọng cho chiến lược của chúng tôi ở khu vực này”.

Sự chỉ trích của Bắc Kinh đối với động thái mới này của Nhật Bản là có thể hình dung được. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chúng tôi phản đối hành động Nhật Bản cố ý thêu dệt về mối đe dọa từ Trung Quốc hòng phục vụ cho các mục đích chính trị trong nước. Chúng tôi yêu cầu Nhật Bản tôn trọng các mối quan ngại an ninh chính đáng của các nước láng giềng châu Á và thận trọng khi xử lý vấn đề liên quan”.

Hàn Quốc tuy là một đối tác liên minh với Mỹ giống như Nhật Bản song vẫn đang bất bình về giai đoạn thực dân hóa của Nhật Bản đối với bán đảo Triều Tiên hồi thế kỷ trước, cho biết sẽ không chấp nhận bất kỳ sửa đổi nào trong chính sách tác động tới an ninh của Hàn Quốc nếu sửa đổi đó chưa được nước này đồng ý. Các cố vấn của ông Abe nói rằng Tokyo sẽ không có hành động nào liên quan tới nước bạn nếu không được sự chấp thuận của nước đó.

Nước Nhật, dưới chính quyền Shinzo Abe, đang làm một bước nhảy vọt lịch sử nhờ Trung Quốc./.

Theo www.toquoc.gov.vn

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này