scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Dấu ấn hợp tác song phương về Hải quan giữa Việt Nam-Nhật Bản
29/04/2014
1004
Hải quan Việt Nam vừa tiếp nhận thành công Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại. Đây là một trong nhiều hoạt động về hợp tác song phương trong lĩnh vực Hải quan giữa hai nước thời gian qua.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và các đại biểu cắt băng khánh thành thực hiện Dự án VNACCS/VCIS (ngày 25-4)

Theo Tổng cục Hải quan, những hoạt động hợp tác song phương với Hải quan Nhật Bản đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực giúp Hải quan Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách, hiện đại hóa.

Ngoài Dự án VNACCS/VCIS, Nhật Bản còn hỗ trợ Hải quan Việt Nam nhiều lĩnh vực khác, nổi bật là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; viện trợ trang thiết bị kĩ thuật. . .

Về đào tạo nguồn nhân lực, đến nay nước bạn đã hỗ trợ đào tạo (cả ngắn hạn và dài hạn) cho hơn 4.000 lượt CBCC Hải quan Việt Nam (ở cả Nhật Bản và tại Việt Nam), trong đó có nhiều công chức được đào tạo ở trình độ thạc sĩ.

Đặc biệt, Nhật Bản đã giúp đào tạo cho Hải quan Việt Nam hơn 33 chuyên gia chuyên sâu về các lĩnh vực trị giá hải quan, phân loại hàng hóa và kiểm tra sau thông quan.

Tổng cục Hải quan đánh giá, quá trình đào tạo đã giúp Hải quan Việt Nam tạo dựng được đội ngũ cán bộ kĩ thuật có trình độ nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu tiếp cận trình độ (hải quan) tiên tiến của khu vực và thế giới.

Các dự án tiêu biểu (ngoài Dự án VNACCS/VCIS) được Nhật Bản hỗ trợ Hải quan Việt Nam gồm:

- Dự án đào tạo giảng viên chủ chốt (giai đoạn 2005-2007);

- Dự án quản lí rủi ro (2008-2010);

- Dự án tăng cường năng lực cán bộ hải quan cửa khẩu (tháng 10-2009 đến tháng 7-2012). . .

Các dự án hợp tác kĩ thuật về nâng cao năng lực quản lí rủi ro, tăng cường năng lực cho CBCC ở các chi cục Hải quan, các giáo trình, tài liệu đã được chuyển giao cho Hải quan Việt Nam có chất lượng và hiệu quả ứng dụng cao trong thực tiễn.

Liên quan đến viện trợ về trang thiết bị, kĩ thuật, đến thời điểm này, Nhật Bản chính là nhà tài trợ lớn và hiệu quả nhất cho Hải quan Việt Nam. Điển hình là các hệ thống máy soi container lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam (tại cảng Cát Lái, TP.HCM; khu vực cảng Hải Phòng) đã phát huy hiệu quả trong phát hiện, ngăn chặn việc vận chuyển các loại hàng cấm, các hành vi buôn lậu.

Ngoài ra, các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho phòng thí nghiệm, phân tích phân loại hàng hóa XNK cũng đang được Hải quan Việt Nam sử dụng hiệu quả.

Trong khuôn khổ thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 5 (Sáng kiến được thực hiện từ năm 2003, giai đoạn 5 được khởi động năm 2013-PV), Tổng cục Hải quan được giao chủ trì thực hiện các nội dung liên quan đến lĩnh vực Hải quan như: Thúc đẩy sử dụng cơ chế xác định trước; cải thiện cách xử lí khi gặp sự cố về hệ thống hải quan điện tử; chế tài ngay tại cửa khẩu NK.

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện các nhiệm vụ trên, Hải quan Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và triển khai các công việc liên quan đúng kế hoạch như tổ chức đối thoại với Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam để cung cấp các thông tin liên quan và giải đáp vướng mắc cho DN (tháng 12-2013).

Dự án VNACCS/VCIS qua những con số:

2,661 tỉ Yên – là số tiền viện trợ không hoàn lại cho Dự án.

3.000- là số ngày công lao động của các chuyên gia, kĩ sư đến từ Nhật Bản để hỗ trợ thực hiện Dự án.

600- là số lượt công tác các kĩ sư, chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam trong khuôn khổ thực hiện Dự án.

Gần 100- là số lượng kĩ sư, chuyên gia được Nhật Bản cử sang Việt Nam hỗ trợ thực hiện Dự án.

Hơn 30- là số phiên làm việc của các đội ngũ kĩ sư, chuyên gia Nhật Bản và Hải quan Việt Nam đã được tổ chức trong khuôn khổ thực hiện Dự án.


Theo Báo Hải Quan

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này