scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Trăn trở công nghiệp hỗ trợ
12/09/2013
853
Đầu tư còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực thiếu và yếu… dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào công nghiệp phụ trợ nước ngoài, đang là những trăn trở của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nước ta hiện nay.

Vẫn rất sơ khai

Từ năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT giai đoạn đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020 của Bộ Công Thương. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định nhằm tạo hành lang pháp lý cho chính sách phát triển một số ngành CNHT.

Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đã nhận thức được vai trò quan trọng của ngành CNHT. Tuy nhiên, đến nay ngành CNHT Việt Nam chỉ dừng ở mức sơ khai. Hiện nay cả nước có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến sản phẩm của CNHT và phần lớn phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện ở nước ngoài để sản xuất.

Nếu chia CNHT ra nhiều mức độ theo hình kim tự tháp, CNHT của Việt Nam ở đáy của kim tự tháp, tức còn rất sơ khai. Để bước lên bậc thang kế tiếp, DN Việt Nam cần đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, gia tăng hàm lượng kỹ thuật trong sản phẩm, mở rộng đầu tư.

Ông Hirotaka Yasuzumi, 
Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM

Tại hội thảo “Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động đến DN dệt may Việt Nam” diễn ra ở Đà Nẵng ngày 6-9, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may, cho biết Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với doanh thu năm 2012 đạt 20 tỷ USD, nhưng giá trị gia tăng tạo ra trong nước không nhiều do lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nặng về phương thức gia công.

Chẳng hạn, nguyên liệu bông nhập khẩu hiện chiếm đến 99% nhu cầu, nguồn bông trong nước chỉ đáp ứng 1%. Trong năm 2012 ngành may có nhu cầu 6,8 tỷ mét vải, nhưng nguồn cung trong nước chỉ có... 0,8 tỷ mét, còn lại phải nhập khẩu.

Theo ông Tuấn, nếu tình hình này không được cải thiện, ngành dệt may dễ bị tổn thương khi xuất hiện những thị trường lao động giá rẻ hơn, cũng không thể phát triển ổn định và bền vững. Điều đáng nói, các nguyên phụ liệu phải nhập khẩu, bao gồm vải, da, chỉ khâu cao cấp, nút áo, khóa kim loại... những sản phẩm hỗ trợ đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật không cao.

Hoặc theo số liệu từ Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, hiện nay cả nước có khoảng 210 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 DN sản xuất, lắp ráp xe ô tô. Nhưng các linh kiện, phụ tùng đó chủ yếu là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, xăm lốp, bộ tản nhiệt...

Đặc biệt các ngành cơ khí, điện tử, tin học... nhập khẩu 100% nguyên phụ liệu từ Nhật Bản, Hàn Quốc với giá thành cao. Bất lợi về nguồn nguyên vật liệu này làm cho khả năng cạnh tranh của DN với các thị trường khác gặp rất nhiều khó khăn.

Nguồn nhân lực thiếu và yếu

Theo khảo sát của Công ty Reed Tradex (Thái Lan), ngành CNHT Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều công ty, tập đoàn lớn nước ngoài đã đầu tư xây dựng nhà máy chế tạo và lắp ráp tại Việt Nam. Tuy nhiên, bài toán về nguồn nhân lực đang làm chùn bước nhà đầu tư.

Theo đó, nhân lực phục vụ CNHT hiện nay chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Bởi thời điểm này nguồn nhân lực giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi các thỏa thuận về miễn giảm thuế nhập khẩu chính thức được thực hiện. Từ đây đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng quản lý, ứng dụng và có tính sáng tạo để sản xuất ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Cả nước có 210 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 DN sản xuất, lắp ráp xe ô tô, 
nhưng chủ yếu là sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp.

Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty Esuhai chuyên về đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật, cho rằng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phải đi đôi với sự chuyển dịch cơ cấu nguồn lao động. Trong khi đó Việt Nam đang có sự chuyển dịch không đồng đều giữa các cơ cấu này.

Thí dụ, trong lĩnh vực công nghiệp trọng điểm (có công nghiệp phụ trợ, hóa chất - cao su - nhựa) TPHCM đang thực hiện, cơ cấu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này không có sự dịch chuyển tương ứng. Từ khi thực hiện chương trình đòn bẩy đến nay, số lượng sinh viên theo học ngành này lại giảm 5-10%.

Khảo sát của các chuyên gia ở Bộ Công Thương và Bộ Khoa học - Công nghệ năm 2012, cũng cho thấy trình độ công nghệ của phần lớn DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta mới đạt mức trung bình so với khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị bàn về vấn đề phát triển CNHT, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế khẳng định ngoài những yếu tố về chính sách, vốn, thu hút đầu tư... nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng để đưa ngành này phát triển.

Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực tốt phục vụ cho ngành CNHT, các ngành chức năng cần phải làm rõ mục tiêu, chiến lược phát triển, từ đó có kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng được yêu cầu về công nghệ sản xuất và quản trị kinh doanh của ngành. Trên thực tế, DNNVV đóng vai trò chủ yếu trong việc phát triển CNHT.

Theo đó, cần áp dụng chế độ "thẩm định" với các DNNVV, nhằm sàng lọc DN nào đủ điều kiện sẽ đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề; bên cạnh đó hợp tác với DN FDI để thực hiện chế độ hướng dẫn thực tế; xây dựng tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; liên kết giữa nhà trường và DN.

Theo Báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này