scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
ASEAN, đất hứa của doanh nghiệp Nhật Bản
29/07/2013
908
Những vụ mua bán - sáp nhập (M&A) dồn dập gần đây của doanh nghiệp Nhật Bản ở ASEAN cũng như các chuyến thăm của lãnh đạo Nhật tới khu vực này cho thấy dòng vốn đầu tư của Nhật Bản đang đổ sang miền “đất hứa” này thay vì vào Trung Quốc.

Dịch chuyển dòng vốn khỏi Trung Quốc

AFP ngày 26.7 đưa tin cho biết, từ đầu năm đến nay các doanh nghiệp Nhật Bản đã gia tăng các vụ mua bán - sáp nhập quy mô lớn ở Đông Nam Á, cho thấy khuynh hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN.

Toyota ngày 24.7.2013 loan báo đầu tư 230 triệu USD xây nhà máy sản xuất động cơ ô tô ở Indonesia

Tuần qua, các vụ ký kết làm ăn lớn của doanh nghiệp Nhật Bản đồng loạt diễn ra nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Malaysia, Singapore và Philippines.

Mức lương ngày càng gia tăng ở Trung Quốc và những hệ quả tiêu cực của việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã ảnh hưởng quan hệ kinh doanh giữa Nhật và Trung Quốc, khiến đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không còn là ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản.

Vụ tranh chấp quần đảo dẫn đến tình trạng tẩy chay hàng hóa Nhật ở Trung Quốc, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp Nhật. Thay vào đó, họ chuyển sang Đông Nam Á.

Từ đầu năm đến nay, các vụ M & A của doanh nghiệp Nhật tại ASEAN gia tăng đều đặn, đạt 8,2 tỉ USD chỉ trong 5 tháng đầu năm 2013. Đây là một kỷ lục nếu ta so sánh con số 614 triệu USD của cùng kỳ năm 2012, theo số liệu của Dealogic.

Đầu tháng 7.2013, tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ mua 5,6 tỉ USD cổ phần của ngân hàng Ayudhya (Thái Lan); và Sumitomo Mitsui Banking Corp. ký thỏa thuận mua 1,5 tỉ USD cổ phần của ngân hàng PT Bank Tabungan Pensiunan Nasional (Indonesia).

Trước đó Mitsubishi UFJ đã đồng ý mua 20% cổ phần của ngân hàng VietinBank (Việt Nam) trị giá 743 triệu USD, trở thành thương vụ đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

Không chỉ ngành ngân hàng, các doanh nghiệp sản xuất cũng gia tăng dịch chuyển sang Đông Nam Á. Tập đoàn ô tô Toyota ngày 24.7 cho biết nhà máy mới trị giá 230 triệu USD tại Indonesia, chuyên sản xuất động cơ, sẽ bắt đầu hoạt động từ năm 2016. Đây là vụ đầu tư lớn nhất của Toyota ở ASEAN gần đây.

Còn Honda sẽ khởi công nhà máy mới trị giá 551 triệu USD tại Thái Lan cũng trong tháng 7.

Tổng giám đốc hãng ô tô Nissan, ông Carlos Ghosn năm ngoái từng cảnh báo rằng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản - hầu hết đều lệ thuộc thị trường Trung Quốc - cần suy nghĩ hai lần khi đầu tư vào nước này, nơi đã có hàng loạt nhà máy.

"Trước khi quyết định làm ăn tại Trung Quốc, chúng ta nên cẩn thận đánh giá tác động của chính trị đối với tư tưởng của người tiêu dùng như thế nào", vị CEO của Nissan nói với báo Financial Times hồi tháng 10.2012.

Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp

"Các công ty Nhật đang tìm địa điểm khác để đầu tư thay thế thị trường Trung Quốc. Khuynh hướng này còn tiếp diễn từ 5 - 10 năm nữa”, nhà kinh tế Toru Nishihama (viện Nghiên cứu của tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi Life) nhận định.

Sự dịch chuyển đầu tư này, ngoài việc tránh rủi ro ở thị trường Trung Quốc, còn từ việc đồng yen yếu dần so đồng USD từ năm ngoái cùng với chương trình kích cầu kinh tế của chính phủ Abe.

Chính phủ Nhật đã hỗ trợ doanh nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài thông qua các chính sách đối với những thị trường tiềm năng. Chẳng hạn để dọn đường vào thị trường hoang sơ Myanmar, ông Abe vào tháng 5.2013 đã công bố gói viện trợ phát triển và cho vay trị giá hàng trăm triệu USD, xóa khoản nợ 1,8 tỉ USD của nước này với Nhật.

Cò khi đi công cán các nước ASEAN mới đây, tháp tùng ông là hàng chục tập đoàn cỡ lớn.

Điều này được nhà kinh tế Nishihama nhận xét là rất tích cực: “Chính phủ hỗ trợ các định chế tài chính để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ASEAN”.


Công nhân Việt Nam tan ca tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. Khu công nghiệp này là nơi tập trung nhiều nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản

Chạy đua giảm thuế hút vốn đầu tư Nhật

Không chỉ doanh nghiệp Nhật chủ động, mà các nước ASEAN cũng chạy đua đưa ra các ưu đãi thu hút dòng vốn Nhật Bản. Ưu đãi được chuộng nhất là giảm thuế doanh nghiệp. Thậm chí báo Yomiuri Shimbun (Nhật) mới đây còn nhận xét là đang có cuộc chiến giảm thuế để hút nhà đầu tư Nhật tại ASEAN.

Nối tiếp Thái Lan và Myanmar cắt giảm thuế suất thuế doanh nghiệp, Việt Nam mới đây thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, cắt giảm thuế suất trung bình từ 25% xuống còn 22% từ tháng 1.2014 và 20% từ tháng 1.2016. Việt Nam dự định còn hạ thuế suất xuống 18%, để có thể ngang với mức thuế thấp nhất khu vực ASEAN là 17% ở Singapore, theo Yomiuri Shimbun.

Doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam hào hứng với việc cắt giảm thuế này. Ông Hirotaka Masuda, chủ tịch công ty MHI Aerospace Vietnam, một chi nhánh của tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries, có nhà máy sản xuất bộ phận của máy bay đặt tại Hà Nội nhận xét: “Việc giảm thuế diễn ra trùng với việc chúng tôi xây nhà máy mới, rất tiện cho việc kinh doanh”. Nhà máy của ông bắt đầu khởi công trong tháng 7, sẽ hoạt động vào mùa hè năm 2014.

Từng là doanh nghiệp chịu thuế suất 25% thời gian qua, ông Masuda nói: “Giảm được 3% thuế suất sẽ làm lợi nhuận của chúng tôi lớn thêm”.

Thái Lan đã giảm thuế suất thuế doanh nghiệp từ mức 30% năm 2011 còn 20% đầu năm 2013. Trước đó Myanmar đã giảm thuế suất 30% xuống 25% vào năm ngoái. Thái Lan thậm chí còn ưu đãi miễn thuế 8 năm với một số ngành. Còn Myanmar tận dụng giá nhân công rẻ chỉ bằng một nửa so với Việt Nam.

Dĩ nhiên việc giảm thuế là con dao hai lưỡi, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, đó là biện pháp khả dĩ của ASEAN để có thể hướng dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản chảy vào.

Theo Báo Thanh Niên

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này