scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Nhật sẽ bỏ thi tuyển vào đại học
16/06/2013
809
Chính phủ Nhật sẽ xóa bỏ kỳ thi tuyển vào đại học như bước đầu cho cuộc cải cách đại học toàn diện nhằm phục hưng tinh thần thời Minh Trị là “học để phục vụ đất nước”.

Những thành tích đào tạo nhân tài của Nhật khiến nhiều quốc gia ngưỡng mộ. Năm nay, tạp chí Times Higher Education (Anh) lại xếp Đại học Tokyo (Nhật) vào vị trí quán quân trong danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á. Cách đây vài tháng, cái tên Shinya Yamanaka cũng được xướng lên trong lễ trao giải Nobel y học.

Thủ tướng Abe (thứ hai từ phải sang) nhận các kiến nghị cải cách từ ông Toshiaki Endo, Hội đồng cải cách giáo dục do ông lập ra

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày một cao về trình độ nhân lực trong một xã hội toàn cầu hóa, Tokyo đang nỗ lực cải cách giáo dục bậc đại học theo những tư tưởng canh tân giáo dục từ thời Minh Trị.

“Học để làm gì?”

Trong bước đi đầu tiên, chính quyền Abe đã cho lập lại Hội đồng cải cách giáo dục quốc gia gồm 15 thành viên. Ông Abe nhấn mạnh: “Phục hưng giáo dục là ưu tiên hàng đầu, ngang với phục hưng kinh tế”.

Đó là câu hỏi nhức nhối hiện nay tại Nhật. Câu trả lời thực tế: có bằng cử nhân để xin việc làm tại các công ty, tập đoàn. Nhìn quanh, những người thành đạt trong xã hội Nhật đa số đều bước lên từ nấc thang đại học: từ Thủ tướng Abe tốt nghiệp Đại học Seikei danh giá đến cựu chủ tịch Hãng Toyota Toyoda Shoichiro tốt nghiệp Đại học Nagoya... Trong xã hội công nghiệp cạnh tranh như Nhật, “mảnh bằng” như giấy thông hành vào đời.

Bởi thế, khi tờ Japan Times ngày 7-6 đưa tin Bộ Giáo dục Nhật lên kế hoạch bỏ kỳ thi tuyển vào đại học trong năm năm tới, dư luận nước này không khỏi sửng sốt. Hình ảnh sĩ tử đổ xô đến các đền, chùa cầu nguyện trước ngày thi đại học đã quá quen thuộc với người dân Nhật mỗi năm khi tháng 1 về. “Phải đậu” trở thành một hi vọng và áp lực đối với cả phụ huynh lẫn học sinh. Với năm môn thi căng thẳng diễn ra trong hai ngày, cả xã hội “chìm vào im lặng” dõi theo các sĩ tử. Sau kỳ thi đại học, kết quả cuộc thi này sẽ được các đại học Nhật dùng làm “điểm sàn” để chọn thí sinh tham gia vòng thi riêng của từng trường diễn ra vào tháng 2 và 3. Hai “cửa ải” này khiến thí sinh mệt mỏi. Nay chính phủ cho biết sẽ tổ chức các vòng thi ngay từ bậc trung học phổ thông. Các đợt “kiểm tra thành tích” này diễn ra với tần suất 2-3 lần/năm. Học sinh chọn kết quả cao nhất trong các đợt thi để nộp nguyện vọng vào đại học.

Một nền giáo dục đại học không vì thương mại, tiêu chí đánh giá năng lực không bó hẹp trên thang đo tốt nghiệp từ các đại học danh giá... đang là điều mà những nhà hoạch định giáo dục Nhật hướng đến nhằm thay đổi quan niệm xã hội lâu nay. Trả lời câu hỏi “học làm gì?”, Okuma Shigenobu (1838-1922) - chính khách, nhà giáo dục nổi bật thời Minh Trị - cách đây 130 năm đã đưa ra ba định hướng cho giáo dục: “Phải tạo ra môi trường học thuật độc lập, vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, đào tạo ra thế hệ nhân tài làm rường cột cho quốc gia”. Tuy nhiên, “tư tưởng” ấy nay mai một dần trở thành lựa chọn duy nhất: có bằng để được tuyển dụng.

Theo TTO

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này