scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Vốn Nhật Bản sẽ chảy mạnh vào Việt Nam
18/03/2013
925
Tại Hội thảo – Xúc tiến hợp tác đầu tư: “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn của các doanh nghiệp Nhật Bản” diễn ra hôm qua (14/3) tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, sắp tới, nguồn vốn đầu tư Nhật Bản sẽ chảy mạnh vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, bởi đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản chọn Việt Nam để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Cơ hội dành cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam sẽ cần 25 tỷ USD mỗi năm để đầu tư vào hạ tầng. Tuy nhiên, hiện nay ước tính ngân sách hàng năm dành cho phát triển cơ sở hạ tầng của cả nước và tư nhân vẫn chưa tới 16 tỷ USD. Riêng tại TP.HCM, từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn hàng năm cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ước tính từ 3-4 tỷ USD, nhưng ngân sách của Thành phố chỉ có thể bố trí khoảng 500 triệu USD mỗi năm.  

Đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) cho biết, trong 5 năm tới, CII cam kết đầu tư ít nhất 23.000 tỷ đồng vào 6 dự án thuộc lĩnh vực cầu đường giao thông, sản xuất nước sạch và xử lý nước thải. Do vậy, CII cũng đang tìm kiếm thêm các đối tác để cùng phát triển dự án. “Chúng tôi mong có cơ hội hợp tác với các đối tác Nhật Bản về tài chính và kỹ thuật chuyên môn trong các dự án CII đang triển khai đầu tư”, đại diện CII nói.

Đại diện Công ty Kanematsu (Nhật Bản) cho biết, công ty này đang sản xuất gia công thực phẩm tại Việt Nam để xuất khẩu qua châu Âu, chủ yếu là thủy hải sản. “Thế mạnh của Việt Nam là các hải sản phong phú. Các xưởng sản xuất thực phẩm ở Việt Nam gia công thực phẩm tốt”, vị đại diện công ty Kanematsu nói và cho biết, thế mạnh của Công ty là có kỹ thuật sản xuất và phát triển sản phẩm. Công ty đang chuẩn bị hợp tác với các nhà bán lẻ tại Việt Nam để bán các sản phẩm ngay tại thị trường Việt Nam.

Theo thống kê, đã có 225 công ty Nhật Bản vào Việt Nam đầu tư trong năm 2012 và khoảng 1.500 – 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam.

Đại diện công ty Brain Works Group (đơn vị chuyên tư vấn cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam) đánh giá, thị trường Việt Nam ngày càng mở rộng, trong khi thị trường Nhật Bản ngày càng thu hẹp. Cơ hội đầu tư tại Việt Nam rất lớn, vì trình độ kĩ thuật trong sản xuất ở Việt Nam còn hạn chế.

“Một công ty phân phối hàng hóa có chuỗi siêu thị lớn của Nhật Bản là Aeon cũng đã đầu tư vào Việt Nam 120 tỷ yên, họ cũng dự định mở các trung tâm mua sắm lớn, trong đó có các gian hàng cho doanh nghiệp khác bày bán sản phẩm của mình. Có thể nhờ đó mà sắp tới, các doanh nghiệp bán lẻ khác của Nhật Bản sẽ theo chân Aeon vào Việt Nam”, vị đại diện công ty Brain Works Group nhận định.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết, năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Nhật Bản hướng tới mục tiêu 29 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2012, trong đó xuất khẩu dự kiến đạt 15 tỷ USD, tăng 20%.

“Để đạt được mục tiêu này và đẩy mạnh hợp tác đầu tư với Nhật Bản, thời gian tới cần thực hiện các thỏa thuận và Hiệp định giữa hai bên, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). Trong đó, cần chú ý thực hiện lộ trình giảm thuế đối với hàng nông lâm thủy sản; khuyến khích các doanh nghiệp Nhật đầu tư, liên kết sản xuất, kinh doanh, chế biến sau thu hoạch đối với hàng nông lâm thủy sản Việt Nam. Cần gắn kết phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở công nghiệp hóa ngành nông nghiệp nhằm tận dụng khoa học công nghệ của Nhật Bản để hạn chế xuất khẩu hàng thô”, ông Nguyễn Trung Dũng nhấn mạnh.

Theo Báo đầu tư

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này