scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Làn sóng đầu tư Nhật sẽ đổ bộ vào Việt Nam
16/03/2013
1829
Giám đốc Công ty Brainworks Asia, Nakajima Kazuo cho biết, hiện Nhật có 1,78 triệu doanh nghiệp, trong đó 99,3% thuộc diện vừa và nhỏ, là nền tảng của kinh tế Nhật. Các đơn vị này có xu hướng tiến vào thị trường Việt Nam.

Ngày 14/3, tại hội thảo Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật, ông Nakajima Kazuo giải thích, kinh tế Nhật chưa hoàn toàn thoát khỏi suy thoái thì thảm họa sóng thần và điện hạt nhân xảy ra. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của doanh nghiệp trong nước. Cũng từ thời điểm đó, các nhà tư bản Nhật đẩy mạnh việc xúc tiến đầu tư sang các nước châu Á. Hiện nay thị trường lớn nhất của Nhật ở nước ngoài là Trung Quốc, kế đến là Việt Nam.

Lãnh đạo Công ty Brainworks Asia phân tích, các doanh nghiệp lớn của Nhật đã đến Việt Nam nhiều năm trước. Vì thế, từ năm 2013 trở đi làn sóng doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam hầu hết sẽ là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổng số doanh nghiệp Nhật có mặt tại Việt Nam khoảng 1.500 đơn vị. Riêng năm 2012 đã có 220 doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam, con số khá ấn tượng và nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở đó.

Để chứng minh cho nhận định này, ông Nakajima Kazuo lấy ví dụ: Công ty phân phối, chuỗi cung ứng hàng hóa nổi tiếng của Nhật - Aeon đã có mặt tại Việt Nam. Đây là nền tảng để các nhà bán lẻ khác từ xứ sở sở mặt trời mọc cũng theo nhau tấn công vào thị trường này. "Doanh nghiệp Nhật sẽ đầu tư mạnh vào các ngành dịch vụ", ông dự báo.

Theo chuyên gia này, Nhật gặp phải vấn đề lão hóa dân số, ít cơ hội kinh doanh nhưng có công nghệ kỹ thuật cao. Trong khi đó, Vệt Nam có dân số khá trẻ, cởi mở và nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh. Các đặc điểm này khiến 2 dân tộc có thể dễ dàng hợp tác cùng phát huy các thế mạnh của nhau.

Nhật đang xúc tiến chương trình hỗ trợ công nghệ và nâng cao kỹ thuật cho doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam

Trong khi đó, đại diện Công ty Kanematsu đánh giá cơ hội phát triển các ngành dịch vụ liên quan đến công nghệ thực phẩm tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Vị này giới thiệu doanh nghiệp đã đặt văn phòng tại TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng và đang mở rộng quy mô hoạt động. Doanh nghiệp còn mang đến hội thảo mô hình kinh doanh và nghiệp vụ xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm để giới thiệu với doanh nghiệp Việt Nam.

"Một trở ngại nhỏ là quy chuẩn chính phủ Nhật đặt ra cho hàng hóa rất cao nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Vì vậy Việt Nam cần điều chỉnh, cải thiện, nâng cao các quy chuẩn để phù hợp với thị trường mới", đại diện Công ty Kanematsu nhận xét.

Ông Morifusa Ueda – Giám đốc kinh doanh Báo The Mainichi (Nhật) cho hay, đến Việt Nam lần này công việc của ông là mang văn hóa kinh doanh của người Nhật đến với bạn bè Việt Nam và ngược lại. Vẫn còn nhiều quy định, pháp lý mà các nhà đầu tư Nhật chưa hiểu rõ hoặc cần được tư vấn cụ thể hơn. "Các ngành nghề doanh nghiệp Nhật quan tâm tại Việt Nam gồm: may mặc, thực phẩm, nông lâm thủy sản và dịch vụ. Nhiều khả năng làn sóng đầu tư các ngành này sẽ tăng lên", ông Ueda nói.

Từng có kinh nghiệm thăm dò, khảo sát thị trường Nhật, Chủ tịch C.T Group, Trần Kim Chung chia sẻ, năm 2010 tập đoàn triển khai mở siêu thị tại Osaka nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì tiêu chuẩn hàng hóa của Nhật rất khắt khe. 2 năm vất vả ở Osaka nhưng vẫn chưa mở xong. "Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu và mở công ty phân phối hàng hóa tại Nhật thì nên sử dụng các đơn vị tư vấn người bản xứ", ông Chung đưa ra lời khuyên.

Thủy hải sản của Việt Nam cũng là một trong những ngành được nhà đầu tư Nhật quan tâm

Theo ông Chung, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với văn hóa kinh doanh của người Nhật là thời gian đầu mọi việc sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu vượt qua được áp lực thì càng về sau sẽ thuận lợi hơn. "Người Việt quen làm mọi việc thật nhanh nhưng người Nhật không như vậy. Họ luôn có sự chuẩn bị chậm rãi và chắc chắn, đi từng bước nhưng vững vàng", ông Chung tiết lộ.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật, Nguyễn Trung Dũng cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt - Nhật tăng trưởng trung bình 18% một năm trong nhiều năm qua. Kết quả xuất nhập khẩu song phương giữa Nhật và Việt Nam tăng cao hơn so với Nhật và các nước khác trong khu vực ASEAN. Năm 2012 Việt Nam xuất 13 tỷ USD và nhập 12 tỷ USD sang Nhật và không có vụ kiện chống phá giá, trợ cấp đối với mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam như các thị trường Mỹ. Dự kiến 2013 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật có thể đạt 15 tỷ USD.

Tuy nhiên, xét về góc độ khai thác thị trường, hàng hóa Việt Nam vẫn chưa tiếp cận hết nhu cầu của thị trường Nhật. Đến nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật mới chỉ chiếm 1,7% của nhu cầu nhập khẩu của Nhật hàng năm. Hàng Việt xuất vào Nhật còn nhiều hạn chế. Đối với hoạt động hợp tác đầu tư, nhiều lĩnh vực 2 nước có khả năng hợp tác nhưng chưa được khai thác.

Ông Dũng cho biết, theo lộ trình, 2.350 dòng thuế sẽ giảm thuế về 0%, đã có 847 dòng thuế về 0% từ năm 2009. Đến năm 2016 các mặt hàng nông lâm, tiêu, rau chân vịt, ngô có mức thuế về 0%. Năm 2014 mức thuế áp cho các mặt hàng bạch tuột, sứa, gừng, chuối, xoài, đậu tương tiếp tục sẽ được điều chỉnh còn 0%.

Doanh nghiệp Việt thường gặp khó khăn khi xuất khẩu hàng sang Nhật nhưng trong thời gian tới việc này có thể được cải thiện. Nhật đang từng bước bắt đầu chấp nhận kết quả kiểm định của một số trung tâm kiểm nghiệm của Việt Nam. Nước này cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểm soát và cải thiện vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. "Cùng với lợi thế này, Việt Nam có thể tận dụng lộ trình giảm thuế để tăng tính cạnh canh. Khuyến khích các doanh nghiệp Nhật liên kết đầu tư nông lâm thủy sản để hạn chế xuất khẩu hàng thô", ông Dũng đưa ra lời khuyên.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật nhấn mạnh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm giữa 2 nước Việt - Nhật có sự khác biệt rất lớn và đang là rào cản kỹ thuật. Với người Nhật, tất cả những sản phẩm liên quan đến con người gồm thực phẩm, kể cả phấn son phải qua quá trình kiểm định ngặt nghèo, vượt cả tiêu chuẩn của Châu Âu. Thế nhưng các doanh nghiệp Việt không nên vì thế mà thả lỏng thị trường này. "Nếu doanh nghiệp Việt có thể đưa hàng sang Nhật, chúng ta sẽ không còn gặp khó khăn khi xuất hàng sang các thị trường khó tính tại châu Âu", ông nói.

Theo VnExpress

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này