scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Tăng cường đầu tư, thương mại Việt - Nhật
16/03/2013
859
* TPHCM cần 11 tỷ USD để phát triển hạ tầng Ngày 14/3, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật Bản” do báo Tuổi Trẻ kết hợp báo Mainichi (Nhật Bản) tổ chức. Hơn 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản và Việt Nam đã tham dự và thảo luận xoay quanh các vấn đề về: Sản phẩm Nhật trên thị trường Việt Nam, thế mạnh trong xây dựng hạ tầng của doanh nghiệp Nhật.


Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Gạch Đồng Tâm đang giới thiệu với một số doanh nghiệp Nhật Bản về khu công nghiệp Thuận Đạo, tỉnh Long An

Đây là một hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, giúp doanh nghiệp hai nước có điều kiện giao lưu, tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại.

Đến dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã điểm lại tình hình kinh tế và đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM. Tính đến nay, đã có 550 doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư sản xuất kinh doanh ổn định tại TPHCM trên các lĩnh vực công nghiệp, điện, điện tử, may mặc, thực phẩm… với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỉ USD.

TPHCM hiện đang khuyến khích các dự án công nghệ mới, hàm lượng chất xám cao như: ngành công nghệ thông tin… TPHCM đã có cơ sở hạ tầng và sẵn sàng phục vụ cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Trung Dũng đã giới thiệu tổng quan về thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản; các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Nhật; phương hướng, biện pháp nhằm đẩy mạnh đầu tư thương mại với Nhật Bản.

Ông Dũng cho rằng nét văn hóa và đặc điểm kinh tế của 2 quốc gia có nhiều điểm giống nhau sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp 2 nước tìm hiểu và đầu tư.

Nhật Bản là thị trường lớn, có nhiều tiềm năng và rất chuộng các mặt hàng nông lâm, thủy hải sản Việt Nam như: Cà phê, điều, gạo, đồ gỗ, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, dệt may, nhựa, cao su… Hàng năm xuất khẩu Việt Nam vào thì trường Nhật Bản tăng trung bình 18%, tuy nhiên cũng chỉ chiếm 1,7% nhu cầu thị trường Nhật Bản… Đặc biệt với ngành hàng thực phẩm, khi doanh nghiệp Việt Nam vào được thị trường “khó tính” của Nhật Bản thì sẽ có nhiều khả năng phát triển ở các thị trường khác trên thế giới.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho biết: Các doanh nghiệp Nhật Bản đang dịch chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á. Đây là cơ hội tốt cho sự phát triển sản xuất kinh doanh và giao thương với Nhật Bản. Về cơ sở hạ tầng, nhân sự, kỹ thuật, có thể nói Việt Nam hơn các nước láng giềng và các doanh nghiệp Việt Nam đang sẵn sàng chào đón, ký kết hợp tác.

Ông Kazuya Hashimoto, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Tập đoàn Kanematsu cho biết, các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam hiện được phân chia theo 2 hướng. Thứ nhất là liên kết đầu tư vào các dự án như điện, nước, đường sá ở khu công nghiệp; Thứ hai là thông qua các cơ quan hợp tác như JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) để thực hiện dự án.

Công ty Juky Việt Nam sản xuất máy may công nghiệp tại Khu chế xuất Tân Thuận

Các doanh nghiệp Nhật cũng cho biết phát triển cơ sở hạ tầng là thế mạnh của Nhật Bản và ngỏ ý sẵn sàng hợp tác. Tuy nhiên, điều lo ngại là các dự án hạ tầng chưa tách bạch được cái nào cần liên kết với tư nhân, cái nào là đầu tư công.

Ông Morifusa Ueda, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng chia sẻ rằng 2 năm trước, các doanh nghiệp Nhật đã tìm hiểu hình thức đầu tư PPP (hợp tác công - tư) tại Việt Nam. Tuy nhiên cứ nửa năm, lại có sự thay đổi khiến các doanh nghiệp Nhật rất lúng túng. Vì vậy, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cần có cơ chế hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản cho việc phát triển hạ tầng.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá cao tiềm năng thị trường Việt Nam như có nền kinh tế, chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào. Chỉ riêng năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 25 tỉ USD (trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 13 tỉ USD, nhập khẩu 12 tỉ USD) và Nhật Bản tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.

Về đầu tư, tính đến cuối năm 2012, Nhật Bản giữ vị trí thứ nhất trong số các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 1.800 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký 29 tỉ USD. Về du lịch, ngày càng có nhiều khách Nhật chọn Việt Nam là nơi tham quan, nghỉ dưỡng, mua sắm...

TPHCM cấp bách kêu gọi vốn đầu tư bên ngoài

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, những năm tới TP cần 11 tỷ USD để phát triển hạ tầng trong khi vốn ngành chỉ đáp ứng được 20% nên cần cấp bách kêu gọi vốn đầu tư bên ngoài. Tuy nhiên, khi bàn về cơ hội hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp Nhật cho biết, điều mà các doanh nghiệp Nhật lo ngại là cơ chế đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) chưa thực sự hấp dẫn.

Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam liên kết với doanh nghiệp Nhật để xây dựng hạ tầng tại các khu công nghiệp và một số dự án hạ tầng. Trong đó, có 2 doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Đồng Tâm đã liên kết với các doanh nghiệp Nhật để quy hoạch khu công nghiệp và đầu tư hệ thống xử lý nước ở Long An; và Công ty xây dựng Hòa Bình liên kết với một số doanh nghiệp Nhật để xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài…

Theo Trang tin điện tử Đảng bộ Tp Hồ Chí Minh

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này