Chế độ ăn lành mạnh cùng tư tưởng sống tích cực khiến dân Okinawa, hòn đảo có biệt danh "vùng đất của người bất tử", có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới.
00:00
00:00
Làng Ogimi, vùng nông thôn Okinawa, có tấm bia đá khắc dòng chữ: "Ở tuổi 80, bạn chỉ là thanh niên. Đến mốc 90, nếu tổ tiên vời bạn lên thiên đường, hãy bảo họ chờ đến khi bạn 100, lúc đó bạn sẽ cân nhắc".
Theo thống kê năm 2023, ngôi làng hơn 3.000 dân này có tới 20 người trên 100 tuổi, 1.233 người trên 65 tuổi. Thống kê này đáng chú ý ngay cả ở Nhật Bản, quốc gia có 92.000 người trên 100 tuổi.
Okinawa, hòn đảo phía nam Nhật Bản, từ lâu được mệnh danh là "vùng đất của những người bất tử", bởi tỷ lệ người dân ở đây sống hơn 100 tuổi cao hơn 40% so với những người Nhật khác. Đây cũng được coi là một trong 5 "vùng xanh" của thế giới, nơi người dân sống thọ và hạnh phúc nhất, cùng đảo Sardinia ở Italy, Nicoya ở Costa Rica, Ikaria ở Hy Lạp và Loma Linda, thuộc bang California, Mỹ.
Gần 2/3 người trên 97 tuổi ở đảo Okinawa vẫn sinh hoạt độc lập, ở nhà riêng, tự nấu ăn. Tỷ lệ mắc bệnh tim, ung thư vú và tuyến tiền liệt ở đây chỉ bằng 20% so với Mỹ, tỷ lệ mắc chứng suy giảm trí nhớ bằng một nửa.
Craig Willcox, giáo sư sức khỏe cộng đồng, lão khoa tại Đại học Quốc tế Okinawa, cho biết người dân trên đảo sống thọ nhờ ba yếu tố chính, gồm chế độ ăn uống, tập quán xã hội và di truyền.
Giáo sư Willcox cho hay chế độ ăn và lối sống là hai yếu tố quan trọng nhất, sau đó đến di truyền. Chế độ ăn được xem là khác biệt điển hình của dân Okinawa, khi họ sử dụng 5 khẩu phần trái cây, rau quả trở lên mỗi ngày, cũng như ăn nhiều cá hơn thịt.
Người Okinawa có câu nuchi gusui, tức "hãy coi thức ăn là thuốc". Họ ăn khoai lang, mướp đắng, ngải cứu, gừng, nghệ, những thứ giàu carotenoid như rong biển, rau xanh, trái cây. Carotenoid là sắc tố thực vật có trong rau lá xanh đậm, có tác dụng chống oxy hóa mạnh, góp phần giảm nguy cơ ung thư, giảm viêm, giảm stress và chống lão hóa.
Đậu nành và khoai lang ở Okinawa cũng nổi tiếng tốt cho sức khỏe. Dân trên đảo ăn một loại khoai lang màu tím, tên là beni imo. 67% khẩu phần ăn của dân Okinawa lớn tuổi có khoai lang tím.
Mướp đắng cũng là món quen thuộc trong mâm cơm của người Okinawa. Mướp đắng chứa nhiều chất giúp giảm lượng đường trong máu. Đây có thể là lý do dân đảo ít mắc tiểu đường hơn các nơi khác ở Nhật Bản.
Người Okinawa trước khi ăn còn ghi nhớ một câu nói là hara hachi bu, tức "ngừng ăn khi no 80%". Nguyên tắc này giúp dân đảo chú tâm trong khi ăn uống và không ăn quá nhiều. Trung bình dân Okinawa ăn 1.900 calo một ngày, thấp hơn nhiều so với dân Mỹ, ăn 3.600 calo một ngày.
Bác sĩ Sanjay Gupta, bình luận viên y tế cấp cao của CNN, trong một lần thăm Okinawa cho biết thức ăn được đặt trên khay 6 ngăn, phục vụ hầu hết các bữa, kể cả bữa sáng. Mỗi phần thức ăn sẽ nhỏ hơn, nhưng có thể ăn đa dạng thực phẩm hơn.
Người Okinawa còn tích cực vận động. Bác sĩ Gupta nhìn thấy rất nhiều người lớn tuổi làm vườn tại nhà, tập thái cực quyền trong công viên, đạp xe, chơi bóng vồ cùng bạn bè.
Hầu hết những người trên 100 tuổi ở Okinawa đều làm vườn. Đây vừa là hoạt động thể chất nhẹ nhàng, vừa giúp họ hấp thu tốt lượng vitamin D dồi dào trong ánh nắng, khiến xương khớp chắc khỏe.
Tập quán xã hội đóng góp không nhỏ trong tăng cường tuổi thọ cho người Okinawa.
Ikigai, hay "mục đích sống", là điều rất quan trọng đối với dân đảo. Họ nhắc nhở bản thân về ikigai, về trách nhiệm và giá trị sống mỗi sáng, Dan Buettner, chuyên gia của National Geographic, người tạo ra thuật ngữ "vùng xanh", cho hay.
Tại làng Ogimi, ikigai là nghề dệt vải địa phương. Công việc tỉ mẩn này là một cách để dân đảo duy trì hoạt động xã hội cũng như tăng thu nhập, đóng góp vào kinh tế làng xã.
Xã hội Okinawa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tương hỗ, thông qua việc tham gia các nhóm cộng đồng, gọi là moai. Buettner cho hay moai là cơ chế xã hội giúp kết nối người dân chung sở thích, phát triển cảm xúc.
Trẻ em Okinawa được xếp vào các nhóm moai gồm 4-5 người ngay từ khi còn rất nhỏ và cam kết gắn bó. Nhóm này giống một mạng lưới an toàn, hoặc gia đình thứ hai, hỗ trợ tinh thần lẫn nhau, thậm chí có thể hỗ trợ tài chính.
Truyền thống này đã có từ hàng trăm năm trước tại Okinawa. "Đây là yếu tố quan trọng để tăng tuổi thọ. Sự cô đơn có hại như hút thuốc lá", Buettner nhận định.
Giáo sư Willcox lưu ý một người ở Okinawa có thể tham gia nhiều moai. "Tôi biết một người đàn ông ở làng Ogimi tham gia tới 7 nhóm. Họ rất trung thành với moai của mình. Có nhóm các cụ bà 80 tuổi đã chơi với nhau từ thời tiểu học, có chung thói quen ăn chậm".
Hector Garcia, đồng tác giả Ikigai: Bí quyết sống lâu và Hạnh phúc của người Nhật, đã phỏng vấn 100 người cao tuổi ở Okinawa và nhận thấy toàn bộ đều thấu hiểu ikigai.
"Khi được hỏi, họ đều trả lời rõ ràng, rằng ikgai nằm ở việc làm vườn, nghệ thuật, ở bạn bè... Mọi người đều hiểu mục đích sống của họ và đắm mình vào nó mỗi ngày", ông Garcia nói.