scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
[BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG] Mở ra cơ hội lập thân, lập nghiệp
28/12/2023
209
Nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động đi làm việc ở nước ngoài có cơ hội phát triển bản thân.

Ông BÙI VĂN SỔN, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP HCM:

Giải ngân 619 tỉ đồng

Hiện nay, người lao động (NLĐ) thuộc hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng… đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp (DN) đưa đi làm việc ở nước ngoài nếu có nhu cầu vay vốn sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) hỗ trợ vay. Mức cho vay tối đa bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa NLĐ và DN đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Thời gian vay tương ứng với thời gian NLĐ đi làm việc tại nước ngoài, với lãi suất ưu đãi là 6,6%/năm. Riêng NLĐ tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là NLĐ thuộc hộ nghèo hoặc người dân tộc thiểu số được vay vốn với mức lãi suất 3,3%/năm.

Tính đến ngày 30-11-2023, Ngân hàng CSXH đã giải ngân 619 tỉ đồng cho 7.678 NLĐ vay vốn. Tổng dư nợ đạt 954 tỉ đồng với 17.179 khách hàng còn dư nợ.

Ông LÊ LONG SƠN, Tổng Giám đốc ESUHAI Group:

3 giải pháp nâng chất lượng

Với kinh nghiệm mỗi năm phái cử hơn 2.000 thực tập sinh và kỹ sư, lưu học sinh sang Nhật Bản làm việc, học tập, ESUHAI Group tập trung một số việc quan trọng sau đây để nâng cao chất lượng cho nguồn lao động Việt Nam tương lai:

Thứ nhất, chúng tôi luôn tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, cụ thể là Luật 69 về tiền dịch vụ để giảm gánh nặng cho NLĐ. Tuyệt đối không sử dụng hay liên kết với bất kỳ tổ chức, cá nhân môi giới, trung gian nào, nhằm tránh việc phát sinh các chi phí không phù hợp đối với NLĐ.

Thứ hai, ESUHAI Group đặt trọng tâm trong việc đào tạo tiếng Nhật ở mức tối thiểu tương đương N4 cho đối tượng thực tập kỹ năng và N3/N2 cho đối tượng lao động bậc cao là kỹ sư. Hiện tại, chúng tôi có một trung tâm đào tạo tiếng Nhật với quy mô lên đến hơn 140 giáo viên tiếng Nhật triển khai trên 14 tỉnh, thành của Việt Nam và ký kết hợp tác với 44 trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc.

Thứ ba, chúng tôi đã và đang phát triển chương trình tư vấn nghề nghiệp (Career Coach) cho NLĐ để định hướng công việc và định hướng tương lai khi làm việc tại Nhật Bản.

Ông TRỊNH MINH HÙNG, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh:

Phấn đấu đưa 900 người đi làm việc ngoài nước

Chương trình của Báo Người Lao Động thực hiện rất tốt, với các nội dung phong phú, thiết thực. Hy vọng thời gian tới, báo tiếp tục triển khai nhiều sự kiện liên quan nhằm lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tới cộng đồng. Năm 2023, Trà Vinh có 1.635 người đi xuất khẩu lao động, vượt 187% so với kế hoạch đặt ra. Trong đó, tập trung ở các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc. Năm 2024, tỉnh đặt chỉ tiêu đưa 900 người đi làm việc ngoài nước. NLĐ được hỗ trợ cho vay tín chấp tối đa 150 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ không hoàn lại đối với NLĐ, học sinh, sinh viên đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ông NGUYỄN QÚI QÚY, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam:

Xây dựng kênh thông tin kết nối NLĐ

Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đưa 5.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, riêng năm 2023 đã đưa được gần 1.800 người ra nước ngoài làm việc. Khi nhận được đề nghị phối hợp đưa lao động đi làm việc nước ngoài từ DN, tỉnh sẽ kiểm tra hồ sơ pháp lý cũng như trao đổi tìm hiểu nguyện vọng, mong muốn của DN. Trên cơ sở đó, có văn bản gửi về từng địa phương để hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN hoạt động. Hiện tỉnh đã làm việc với 85 DN, tuy nhiên các DN này đều đến từ các tỉnh, thành khác, chưa có văn phòng, trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh. Do đó, phát sinh không ít khó khăn trong công tác triển khai, phối hợp giữa các bên.

Thông qua sự kiện do Báo Người Lao Động tổ chức, Quảng Nam mong muốn các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý chung NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ trao đổi thường xuyên giữa DN, gia đình và địa phương. Từ đó có thể kịp thời phát hiện các vấn đề bất trắc, tranh chấp có thể xảy ra, bởi hiện việc tạo nguồn, quản lý NLĐ vẫn chủ yếu do DN đảm đương. Bên cạnh đó, xây dựng kênh thông tin kết nối NLĐ hết hạn hợp đồng về nước, nhằm tận dụng được lực lượng lao động nhiều tiềm năng này.

Nguồn | Báo Người Lao Động
Link tham khảo | http://tinyurl.com/yvj74jdh

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này