Tổng lãnh sự Nhật Bản: Doanh nghiệp đang chuyển hướng sang Việt Nam
02/02/2023
624
Nhật Bản kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam trong bối cảnh cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực của Việt Nam ngày càng thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội.
00:00
00:00
Xuất hiện trong chương trình “Cuộc gặp bất ngờ” mừng xuân Quý Mão 2023, ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM chia sẻ suốt hành trình 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam (VN) luôn được Nhật Bản xem trọng, đặc biệt là thế mạnh của nền sản xuất và cung ứng nguồn lao động trẻ đạt chất lượng ngày càng cao.
Những nền tảng và lợi ích chiến lược
. Phóng viên: Thưa ngài Tổng lãnh sự, năm 2023 là dấu mốc kỷ niệm 50 năm VN và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhìn lại chặng đường ấy, ông nhận thấy hai nước đã đạt được những thành công gì?
+ Ông WATANABE NOBUHIRO: Nhật Bản và VN đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Trên cơ sở quan hệ đó, hai bên đã chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược. Hai nước đang thúc đẩy các nội dung hợp tác cụ thể trên nhiều lĩnh vực vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.
Sự phát triển liên tục của VN là vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản, vì vậy, thông qua ODA và các hình thức đầu tư, Nhật Bản đã góp phần vào sự phát triển của kinh tế, xã hội VN. Nhật Bản đang là nước tài trợ ODA lớn nhất cho VN; lũy kế tổng vốn đầu tư FDI của Nhật vào VN đứng thứ ba; tổng quy mô kim ngạch thương mại đứng thứ tư.
Trong hai năm dịch COVID-19, Nhật Bản và VN cũng hợp tác chặt chẽ. Điển hình là năm 2021, Nhật Bản là nước đầu tiên hỗ trợ vaccine cho VN và đã hỗ trợ tổng cộng hơn bảy triệu liều. Ngoài ra, nhờ sự hợp tác của UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM và Bệnh viện Quân y 175, hơn 10.000 công dân Nhật Bản sinh sống tại TP.HCM khi khó tiếp cận với vaccine, bao gồm nhân viên của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, đã được tổ chức tiêm phòng vaccine COVID-19. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, hai nước vẫn hợp tác và hỗ trợ nhau.
. Trong mấy thập niên qua, vai trò của VN trong góc nhìn từ phía Nhật Bản là như thế nào, thưa ông?
+ Nói về vai trò của VN đối với Nhật Bản, có thể thấy VN là một đối tác vô cùng đáng tin cậy. Hai nước có sự hòa hợp, tương đồng về văn hóa. Đặc biệt, Việt-Nhật cùng chia sẻ những lợi ích chiến lược, ví dụ như VN có vị trí địa chính trị mang tính chiến lược ở Biển Đông, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).
Về kinh tế, VN là một cứ điểm sản xuất quan trọng đối với Nhật Bản. Dân số đạt ngưỡng 100 triệu tạo ra thị trường vô cùng hấp dẫn. Tại VN hiện nay có khoảng 2.000 DN Nhật Bản, con số này vẫn còn tiếp tục tăng. Sự già hóa dân số ở Nhật Bản đang khiến Nhật Bản phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động. Vì vậy, nhiều người lao động trẻ từ VN đã đến làm việc tại Nhật Bản, hỗ trợ đáng kể để giải quyết tình trạng thiếu lao động tại đất nước chúng tôi.
Mong năm 2023, VN tiếp tục tăng trưởng Năm 2022 vừa qua là năm TP.HCM chịu ảnh hưởng từ làn sóng dịch COVID-19 xuất hiện từ năm 2021 và là một năm mà tất cả người dân VN cùng đoàn kết để vượt qua khó khăn và khôi phục kinh tế. Thành quả là mức tăng trưởng kinh tế của TP.HCM đã đạt hơn 9%. Tôi mong không chỉ kinh tế mà cả xã hội cũng như nhiều phương diện khác, năm 2023 mọi thứ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và thuận lợi phát triển. Tổng lãnh sự Nhật Bản WATANABE NOBUHIRO
Tăng cường hợp tác giữa thế giới biến động
. Ông vừa đề cập đến FOIP, xin ông cho biết Nhật Bản và VN sẽ hợp tác như thế nào để thúc đẩy tự do, hòa bình tại khu vực?
+ VN là đối tác then chốt và quan trọng của Nhật Bản trong việc hiện thực hóa FOIP. Về chiến lược an ninh, việc tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản và VN ngày càng trở nên quan trọng hơn. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nơi sinh sống của một nửa dân số thế giới, là trung tâm kinh tế thế giới, đồng thời cũng là nơi diễn ra xung đột quyền lực phức tạp giữa các nước.
Để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng của khu vực cũng như toàn cầu, việc đạt được một trật tự tự do và rộng mở tại khu vực này dựa trên các giá trị và nguyên tắc chung như tự do hàng hải, bao gồm cả nguyên tắc thượng tôn pháp luật, là điều không thể thiếu.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra tại Bangkok vào tháng 6-2019 đã thông qua Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (gọi tắt là AOIP), và ASEAN cũng đã khởi động vấn đề này. AOIP thực tế có những nét tương đồng với Mỹ, Úc, Ấn Độ và các nước châu u.
VN là đối tác có thể hiện thực hóa nhiều hợp tác trong cộng đồng khu vực và quốc tế, không chỉ hợp tác song phương mà còn đa phương. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh thế giới chuyển biến ngày càng phức tạp. Với khẩu hiệu “Việt - Nhật đồng hành, Hướng tới tương lai – Vươn tầm thế giới”, chúng tôi kì vọng dịp kỷ niệm 50 năm này sẽ là một cơ hội để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa tinh thần hợp tác trong cộng đồng quốc tế.
Doanh nghiệp Nhật chuyển hướng sang Việt Nam
. Ông nhận định thế nào về triển vọng hợp tác giữa VN và Nhật Bản khi nhìn vào nỗ lực, tiềm năng của VN, đặc biệt sau dịch COVID-19?
+ Trong hai năm trở lại đây, VN đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19. Mặc dù vậy, VN vẫn là cứ điểm sản xuất và kinh doanh quan trọng đối với các DN Nhật Bản. Nhiều DN Nhật Bản đã và đang đầu tư mở rộng vào VN cũng như dịch chuyển các chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang VN.
Theo các cuộc khảo sát của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), các DN Nhật Bản vẫn lựa chọn tiếp tục đầu tư vào VN nhờ vào tình hình chính trị ổn định; có nguồn lao động ưu tú, siêng năng với giá cả hợp lý; tích cực tham gia hiệp định thương mại quốc tế (điển hình như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)…
Ở khu vực phía Nam, cơ sở hạ tầng như Sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái, Cảng Cái Mép-Thị Vải và hành lang Đông Tây đã được phát triển nhanh chóng. Cùng với sân bay Long Thành đang được lên kế hoạch xây dựng, trong 5-10 năm tới, tiềm năng cải thiện cơ sở hạ tầng được đánh giá cao, thu hút sự quan tâm của các DN Nhật Bản.
Trong năm 2023, khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dự kiến sẽ có nhiều hội thảo và sự kiện để tăng cường hiểu biết thương mại lẫn nhau giữa các DN và chính quyền địa phương ở cả Nhật Bản và VN. Tôi chắc chắn rằng Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản sẽ tiếp tục ủng hộ các hoạt động này để hai nước gần nhau hơn nữa.
. Xin cám ơn ông.
Hướng tới năm kỷ niệm sống động, đáng nhớ “Năm 2023 tới là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – VN, tôi mong đây sẽ là cơ hội để hai nước cùng nhau nhìn lại thành tựu 50 năm qua và cùng nhau tiếp tục hợp tác chặt chẽ hướng tới 50 năm kế tiếp” - Tổng lãnh sự Nhật Bản Watanabe Nobuhiro chia sẻ.
Ông cũng cho biết phía Nhật Bản đã công bố Ban tổ chức hướng tới kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt-Nhật từ tháng 4-2022 và đang chuẩn bị cho các sự kiện năm 2023. Trang web Lễ kỷ niệm 50 năm đã được lập và logo của lễ kỷ niệm đã được Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính công bố tại cuộc hội đàm cấp cao VN – Nhật Bản diễn ra tại Campuchia hồi giữa tháng 11-2022.
Dự kiến, sẽ có nhiều dự án được thực hiện từ cuối năm 2022 để chào mừng lễ kỷ niệm quan trọng này, như các chương trình hội thảo, tọa đàm (chủ yếu diễn ra tại Hà Nội). Đặc biệt, phía Nhật sẽ thực hiện dự án hỗ trợ tài chính quy mô nhỏ (khoảng 35 triệu đồng/dự án) cho các dự án của các bạn trẻ ở VN.
Tại TP.HCM, Lễ hội VN - Nhật Bản lần thứ 8 sẽ được tổ chức vào ngày 25 và 26-2-2023 tại Công viên 23 tháng 9. Lễ hội sẽ khởi động cho chuỗi sự kiện của năm kỷ niệm, dự kiến nhiều lãnh đạo và người có liên quan từ Nhật Bản sẽ đến thăm VN.
Ngoài ra, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản cũng có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động trao đổi văn hóa và kinh tế khác nhau để hai nước cùng nhau làm nên một năm kỷ niệm sống động, đáng nhớ.