Báo cáo mới của Chính phủ Nhật Bản cảnh báo lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nước này đang đối mặt với áp lực thiếu hụt đội ngũ y tế nghiêm trọng, và sẽ thiếu gần 1 triệu nhân viên vào năm 2040.
00:00
00:00
Người dân tại một điểm tiêm chủng ở thành phố Kobe, Nhật Bản - Ảnh: KYODO NEWS
Sự bùng nổ của đại dịch, tỉ suất sinh giảm, ít lao động trẻ trong khi người cao tuổi nhiều hơn đang tạo áp lực lớn cho ngành y tế của Nhật Bản, theo báo South China Morning Post ngày 24-10.
Những nhân viên y tế phàn nàn về việc bị kiệt sức lúc cao điểm của đại dịch COVID-19 đã rời ngành, và không được thay thế bằng những người mới do điều kiện công việc quá khắc nghiệt.
Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề lớn hơn là tỉ suất sinh giảm và ít dân số trẻ tham gia lực lượng lao động hơn. Đồng thời, việc cải thiện chăm sóc sức khỏe và thuốc men cũng có nghĩa là nhiều người Nhật đang sống lâu hơn bao giờ hết.
Năm 2040, tổng dân số của Nhật Bản sẽ ở mức 110,9 triệu người, giảm 12,7% từ 125,8 triệu người vào năm 2020, theo thống kê của chính phủ nước này. Vào lúc này, tuổi thọ trung bình của người Nhật cũng tăng 7,5 năm lên 54,2 tuổi, trong khi tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm gần 7 điểm phần trăm xuống còn 5,39%.
Số liệu cũng cho thấy người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 35,3% tổng dân số vào năm 2040, tăng 8,7 điểm phần trăm so với con số hiện tại.
Trong báo cáo thường niên trình bày trước nội các Nhật Bản gần đây của Bộ Y tế Nhật Bản, việc thu hút đủ lao động vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được xác định là "một trong những hạng mục quan trọng nhất mà các dịch vụ an sinh xã hội phải đối mặt".
Tính toán dựa trên tỉ suất sinh và các nhân tố khác, báo cáo cho biết sẽ chỉ có 9,74 triệu nhân viên sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vào năm 2040, thiếu 960.000 người, theo báo Asahi.
"Chúng tôi đã thấy nhiều người rời bỏ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hơn, phần lớn là do áp lực mọi người phải chịu trong vài năm qua", bà Tsukamoto Yoko, giáo sư điều dưỡng tại Đại học Khoa học y tế Hokkaido, cho biết.
Theo bà Tsukamoto, đây là nghề rất áp lực với tỉ lệ bỏ học của sinh viên năm nhất là khoảng 20% trước đại dịch. Dù không có số liệu cụ thể trong đại dịch, song bà Tsukamoto tin con số này trong vài năm qua cao hơn trước đây.
Lương và điều kiện làm việc tốt hơn, nỗ lực nhiều hơn để giữ chân người lao động, nhiều nhiệm vụ được tự động hóa hơn và nhiều lao động nước ngoài hơn có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này của Nhật Bản, theo ông Tateda Kazuhiro - thành viên ban cố vấn cuộc khủng hoảng COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản.