scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Vai trò của báo chí đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài & các doanh nghiệp dịch vụ
21/06/2019
1565
Định hướng thông tin đúng về chương trình cho độc giả và trở thành “nhà tư vấn” cho các doanh nghiệp là hai trong rất nhiều vai trò của báo chí đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài & các doanh nghiệp dịch vụ phái cử lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Là đơn vị có 13 năm hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và phái cử người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, lĩnh vực được xem là “nhạy cảm” khi liên quan trực tiếp đến con người và mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, vì vậy bên cạnh việc luôn chủ trương chương trình phái cử người lao động sang Nhật làm việc không phải là xuất khẩu lao động mà là chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt Nam thì Esuhai cũng luôn nhận định truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc thông tin tuyên truyền và định hướng hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ, trong đó có Esuhai nói riêng.

 

Với sự bùng nổ của mạng xã hội và thông tin điện tử như hiện nay, người lao động không hề khó khăn khi muốn tiếp cận với những thông tin việc làm tại Nhật Bản hay các thị trường khác. Tuy nhiên chính điều này lại khiến người lao động đang bị mắc kẹt giữa hằng hà sa số luồng thông tin khác nhau được giới thiệu trên mạng. Và nếu có những đơn vị, cá nhân hoặc luồng thông tin không tốt thì ngay tại thời điểm đó không chỉ chính người lao động, không chỉ chương trình, không chỉ công ty đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, không chỉ mối quan hệ hợp tác giữa hai nước bị ảnh hưởng mà sẽ còn tạo ra những tác hại lâu dài về sau liên quan trực tiếp đến cơ hội phát triển việc làm, nghề nghiệp của rất nhiều người lao động nói riêng và sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam nói chung… Lúc này, báo chí truyền thông chính thống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cung cấp, phản ánh các thông tin đúng, đủ, rõ ràng, chính xác và khách quan về thị trường và về hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài cho người dân và các bên liên quan được biết. Điều này góp phần rất lớn trong việc tạo niềm tin cho người lao động về chương trình, đồng thời hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài.

Quan điểm của Esuhai đối với công tác truyền thông từ trước đến nay là luôn chủ trương và mong muốn cung cấp thông tin có tính thời sự, đi vào thực chất và đề cao những giá trị tích cực có lợi cho người lao động, góp phần xây dựng cho hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài phát triển theo chiều hướng tích cực. Trong thời gian tới, Esuhai sẽ phát huy nhiều hơn nữa chủ trương này và cho đến ngày hôm nay Esuhai rất vui mừng khi nhận được sự hưởng ứng từ các đơn vị báo chí và truyền thông.

Dưới đây là những trăn trở và nhận định của Esuhai về vai trò của báo chí với công tác truyền thông cũng như việc phối kết hợp giữa cơ quan báo chí và các doanh nghiệp trong hoạt động đưa người lao động đi làm ở việc nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ nhất: Báo chí đóng vai trò tư vấn

Theo Esuhai, báo chí nên đóng vai trò như là “nhà tư vấn”: tư vấn pháp luật, tư vấn định hướng cho người lao động khi tham gia chương trình làm việc ở nước ngoài, đặc biệt tư vấn mục đích ý nghĩa cụ thể và sâu xa của chương trình hợp tác lao động mà Việt Nam đang phối hợp triển khai cùng các nước để người dân hiểu và thực hiện theo đúng định hướng của chương trình. Bởi trên thực tế hiện nay nhiều người lao động khi ra nước ngoài làm việc đang đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu dẫn đến tâm lý muốn đi nhanh và không chú trọng đến việc học ngoại ngữ, trang bị những kỹ năng làm việc và kiến thức chuyên môn cần thiết, khi bước vào môi trường làm việc thực tế ở nước sở tại dễ xảy ra nhiều bất đồng, áp lực, muốn kiếm tiềm nhanh… dẫn đến việc dễ dàng từ bỏ công việc, vi phạm pháp luật, bỏ trốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống, an toàn tính mạng và tương lai của chính người lao động, công ty tiếp nhận, công ty phái cử và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhằm giảm thiểu những điều đó, báo chí nên phát triển nhiều hơn các tuyến bài viết nhấn mạnh việc đào tạo ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng làm việc, ý thức lao động và ý thức chấp hành luật pháp có ích lợi như thế nào với chính người lao động trước và sau khi xuất cảnh ra nước ngoài làm việc. Bên cạnh đó là những bài viết định hướng người lao động đề cao việc học hỏi kinh nghiệm làm việc, tiếp thu kiến thức ở nước sở tại để áp dụng, phát triển công việc sau khi về nước…

Vai trò “nhà tư vấn” doanh nghiệp của các cơ quan báo chí còn thể hiện ở việc rõ ràng, không nhập nhằng trong việc đưa thông tin về hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Nếu phát hiện điểm nào, doanh nghiệp nào có những biểu hiện thông tin sai lệch, làm chưa tốt, chưa đúng hoặc tiêu cực thì phải làm rõ và chỉ rõ là ai và ở đâu, doanh nghiệp đó nếu muốn tồn tại và phát triển được thì buộc phải làm đúng, làm tốt hơn. Ngược lại, nếu có những điểm sáng, doanh nghiệp có mô hình hay, tích cực thì phản ánh đúng và tuyên dương để nhân rộng và tạo niềm tin cho thị trường, cho người lao động về hoạt động đưa người lao động đi làm việc nước ngoài.

Thứ hai: Báo chí đóng vai trò định hướng thông tin tích cực

Từ thực tế hoạt động của Esuhai cho thấy có rất nhiều người lao động Việt Nam đã thành công sau quá trình làm việc, học tập miệt mài ở nước ngoài, cụ thể là tại Nhật Bản. Họ trở về nước và áp dụng những kiến thức học tập được vào xây dựng sự nghiệp tại Việt Nam. Báo chí rất cần tìm tòi những tấm gương nổi trội, gương thành công hoặc những điểm mạnh, điểm tốt thực tế của lao động Việt Nam để khai thác và giới thiệu thêm nhằm tạo động lực và sự tin tưởng, sự lạc quan suy nghĩ tích cực cho người lao động Việt Nam cũng như thị trường.

 

Theo cảm nhận của Esuhai, những điều tiêu cực, những mảng xám của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã từng xuất hiện trên báo chí trong thực tế nó không phải là phổ biến và chỉ là một số ít trong tổng thể hoạt động chung đang phát triển theo hướng tích cực. Vẫn còn rất nhiều lợi ích, nhiều điểm sáng tích cực mà chính người lao động, các doanh nghiệp, nhà nước và xã hội… sẽ được lợi từ hoạt động này. Vì vậy Esuhai cho rằng rất cần sự tham gia của báo chí trong việc xây dựng thông tin đa chiều, phản ánh các mặt tích cực để chương trình được phát triển mạnh mẽ hơn, để người lao động không bị mất đi những cơ hội việc làm và phát triển thực sự, còn những doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản và làm việc chính đáng có điều kiện phát triển và tiếp tục chắp cánh cho hàng ngàn thanh niên Việt Nam được trưởng thành và phát triển hơn từ chương trình việc làm ở ngoài nước.

Thứ ba: Báo chí nên dành nhiều sự quan tâm và đưa tin hơn cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Các cơ quan báo chí truyền thông nên dành sự quan tâm nhiều hơn nữa đến hoạt động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay, đặc biệt là thị trường lớn như Nhật Bản vì thị trường này không chỉ có nhu cầu lớn về tuyển dụng người lao động mà còn là nơi để người lao động trẻ Việt Nam học hỏi, rèn luyện kỹ năng, tác phong làm việc cũng như tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản mang về phát triển quê hương.

Thứ tư: Định hướng tên gọi cho chương trình

Dù hiện nay chúng ta đã điều chỉnh tên gọi “XKLĐ” thành “Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, tuy nhiên báo chí, rất nhiều người dân cùng các đối tượng liên quan vẫn quen dùng cụm từ “XKLĐ”. Như đã nói ở trên, lĩnh vực mà chúng ta đang làm liên quan trực tiếp đến con người và chính cách gọi tên cũng đã tạo thiện cảm không tốt cho chương trình, cho những người triển khai và cả người lao động khi tham gia. Vậy thì có nên chăng chúng ta cần đề xuất một tên gọi khác ngắn gọn hơn, dễ dùng hơn, đúng bản chất và nâng tầm chất lượng chương trình, ví dụ như là: “Việc làm ngoài nước”, “Việc làm Nhật Bản”, “Việc làm Đài Loan”, “Việc làm Hàn Quốc”

Góp phần phát triển thế hệ nguồn nhân lực Việt Nam trở thành Công dân toàn cầu: Việt Nam hiện nay đang ở thời kỳ dân số vàng và được đánh giá là “cường quốc tầm trung”, xu hướng toàn cầu hóa và thế giới phẳng tạo cơ hội cho nhiều người Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Những người trẻ có ngoại ngữ, có kinh nghiệm, có kỹ năng và tác phong làm việc trong môi trường đa văn hóa, có năng lực chuyên môn và kỹ thuật công nghệ… sẽ có rất nhiều cơ hội trở thành công dân toàn cầu. Họ có thể ra nước ngoài để phát triển sự nghiệp bản thân, khi trở về chất lượng và năng suất lao động được nâng cao, chính những nguồn lực này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, trở thành cú hích trong tương lai Việt Nam hướng đến đưa lao động bậc cao ra nước ngoài làm việc và tiếp nhận trở lại những lao động bậc cao hơn thay vì chỉ đưa lao động giản đơn ra nước ngoài làm việc như hiện nay.

Thứ năm: Cơ chế phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp

Các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc nước ngoài nên có đại diện truyền thông nhằm kết nối và phối hợp trong công tác cung cấp những tư liệu, thông tin đầy đủ, chính xác cho báo chí, xác nhận và xử lý kịp thời những thông tin sai lệch hoặc chưa được kiểm chứng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các bên liên quan. Bên cạnh đó, báo chí cũng cần chủ động liên hệ trực tiếp và cập nhật những tin tức chính xác từ phía các doanh nghiệp nhằm tránh thông tin không rõ ràng, gây hoang mang cho người lao động và các đối tượng liên quan.

Với chủ trương luôn xem chương trình phái cử người lao động sang Nhật làm việc không phải là xuất khẩu lao động mà là chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật Việt Nam. Thông qua “GIÁO DỤC” và “VIỆC LÀM”, Esuhai luôn nỗ lực không ngừng nhằm mang lại hỗ trợ tốt nhất cho người lao động với khát vọng mở ra một tương lai mới tốt đẹp hơn cho các bạn trẻ Việt Nam, cũng như mang lại sự yên tâm cao nhất cho các Hiệp hội, Xí nghiệp, Công ty tuyển dụng Nhật Bản khi tiếp nhận được nguồn nhân lực trẻ ưu tú của Việt Nam. Chính đội ngũ này sẽ trở thành cầu nối tương lai cho sự phát triển Việt – Nhật, tham gia sản xuất để sáng tạo ra thật nhiều giá trị thặng dư cho cuộc sống ngày càng phát triển và phồn vinh hơn.

Nếu báo chí và các doanh nghiệp cùng đồng lòng, chung tay xây dựng và thực hiện tốt các vấn đề đã nêu ở trên thì mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có ý thức lao động tốt, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có tay nghề và nâng tầm chất lượng lao động của Việt Nam thông qua chương trình đào tạo và phái cử ra nước ngoài làm việc để trở về phát triển tại Việt Nam không còn là điều gì đó quá xa vời.

 

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), công ty Esuhai kính chúc tất cả các anh chị em đã và đang làm công tác thông tin truyền thông sẽ luôn giữ được “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” để làm việc và theo đuổi “Nghề cầm bút”, để tiếp tục gặt hái được những niềm vui, hạnh phúc và thành công thực sự trong nghề nghiệp của mình.

Trân trọng! 

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này