scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Tin tức & Sự kiện
Thực tập sinh trở về, đừng lãng phí!
08/10/2018
1887
Hằng năm, số lượng thực tập sinh (TTS) Việt Nam từ Nhật Bản hết hạn hợp đồng trở về nước rất lớn.

thuc-tap-sinh-nhat-ban-esuhai-kaizen

Trong 3 năm ở Nhật, họ đã rèn luyện, học tập và trở thành những lao động có kỹ năng, tay nghề cao, có ý thức tác phong chuyên nghiệp. Tuy nhiên, họ lại gặp nhiều khó khăn về việc làm ngay trên chính quê hương mình.

Về Việt Nam được 6 tháng, anh Lê Việt Hưng (quê Nghệ An) cho biết đã tham gia 2 sàn giao dịch việc làm dành riêng cho lao động trở về từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng vẫn chưa tìm được việc. "Ở Nhật Bản, em làm cho xưởng chế tạo cơ khí chính xác với mức lương khoảng 21 triệu đồng/tháng, công ty bao ăn ở. Công việc nặng nhọc nhưng đó là niềm đam mê của mình nên em đã cố gắng học và đạt được chứng chỉ tay nghề chuẩn của Nhật. Ở Việt Nam, công ty về cơ khí chính xác cũng có nhưng họ trả mức lương thấp, không bằng một nửa lương bên Nhật nên em không làm" - Hưng cho biết.

Anh Nguyễn Khắc Tiến (quê Long An) cho biết về nước hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa kiếm được việc làm ổn định. Tiến cho rằng tay nghề hàn của anh đủ để thực hiện những công đoạn hàn khó nhất trong nhà máy sản xuất ôtô. Tuy nhiên, khi Tiến đến trả lời phỏng vấn ở một công ty liên doanh sản xuất ôtô, họ chỉ nhận anh vào bộ phận học việc hàn. Thấy tay nghề không được trọng dụng nên dù được nhận, cuối cùng Tiến cũng rút lại hồ sơ.

Là người từng có 3 năm làm TTS, 2 năm làm kỹ sư tại Nhật Bản, anh Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV V.N.T Việt Nam, cho rằng TTS trở về nước đừng để lãng phí thời gian và tay nghề của mình. Anh Hiếu cho biết những gì TTS có được khi trở về nước là cả một tài sản nghề nghiệp rất lớn, nếu không bắt tay vào việc ngay thì sẽ vô cùng lãng phí.

Theo anh Hiếu, sở dĩ nhiều TTS về nước gặp khó khăn khi tìm việc làm là do chính họ. "Theo tôi được biết thì TTS có xu hướng chê lương thấp hơn ở Nhật, chê vị trí công việc không tương xứng... Điều đó chứng tỏ các bạn chưa thật sự đam mê với nghề hoặc chưa đi đúng hướng. Nếu đam mê, các bạn nên bắt đầu với những thử thách nhỏ, bỏ qua việc so sánh lương hay vị trí công việc. Miễn là được làm đúng việc mình đam mê, thành công và may mắn ắt sẽ đến với các bạn" - anh Hiếu bày tỏ.

Theo ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai - chuyên đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản, cho rằng TTS trở về nước nếu không được phát huy sẽ là sự lãng phí tài nguyên lao động cực lớn. Ông Sơn cho rằng nếu TTS muốn có thu nhập cao thì phải chứng minh được trình độ và tay nghề của mình. Để làm được điều đó, họ vẫn phải học thêm để hoàn thiện.

Ông Sơn nhấn mạnh lực lượng TTS từ Nhật Bản trở về sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn nếu khởi nghiệp. "Học được tiếng Nhật, học được nghề của Nhật, học được tính kiên nhẫn và tác phong của người Nhật thì họ đã có tố chất của một nhà khởi nghiệp rồi" - ông nhận xét.

Theo GIANG NAM - Báo Người lao động

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này