scroll top
[Thực tập sinh đạt N1] Lê Thị Hợp: 18 tuổi – Tôi đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
12/07/2018
6384
18 tuổi. Tốt nghiệp THPT, từng đi thi đại học và nhận kết quả đậu vào một trường đại học tại Việt Nam. Thế nhưng cô gái trẻ Lê Thị Hợp khi ấy đã quyết định đăng ký học tiếng Nhật tại Esuhai thay vì nhập học ở trường đại học đã đậu. Hợp đã nghĩ, tuổi trẻ hãy cho mình ít nhất một lần được ra nước ngoài để học, để làm và để trải nghiệm nhiều hơn…

Lê Thị Hợp đã trải qua 1,5 năm đào tạo tại Esuhai – KaizenYoshidaSchool. Vào tháng 01/2015, Lê Thị Hợp sang Nhật làm việc với tư cách một thực tập sinh kỹ năng. Tháng 12/2017, Hợp hoàn thành chương trình và trở về nước với tấm bằng N1 tiếng Nhật. Ở thời điểm hiện tại, Hợp đang làm giáo viên tiếng Nhật tại chính là môi trường đã đào tạo và phái cử Hợp sang Nhật làm việc, là Esuhai – KaizenYoshidaSchool.

Hôm nay Esuhai mời các bạn cùng gặp gỡ và trò chuyện với Lê Thị Hợp để nghe bạn ấy chia sẻ về những trải nghiệm tại Nhật và phương pháp mà Hợp đã áp dụng để đạt được trình độ N1 tiếng Nhật nhé!

- Ở tuổi 18, điều gì khiến Hợp quyết định lựa chọn đi Nhật thay vì học đại học tại Việt Nam như rất nhiều bạn bè cùng trang lứa khác?

Lê Thị Hợp: 

Cũng giống như nhiều bạn trẻ, mục đích ban đầu Hợp chọn đi Nhật là để làm việc, kiếm tiền và học tiếng Nhật. Tuy nhiên trải qua một thời gian học tập tại Esuhai – Kaizen, Hợp đã nghĩ ba điều trên rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sau 3 năm trở về, mình sẽ trở thành người như thế nào? Mình sẽ làm gì? Chính những suy nghĩ đó đã giúp mình nhận thức được rằng, ngoài làm việc kiếm tiền, ngoài học tiếng Nhật sẽ còn rất nhiều điều mình phải làm trong 3 năm bên Nhật. Đó là: học tập văn hóa Nhật Bản, thay đổi suy nghĩ bản thân để trưởng thành hơn, học những cái tốt của Nhật Bản để đem về Việt Nam. Và vì vậy có thể nói, mục đích đi Nhật của mình là: làm việc, học hỏi và hoàn thiện bản thân.

-Thực tế là có rất nhiều người muốn đi Nhật nhưng tiếng Nhật lại là một rào cản lớn đối với họ. Vậy Hợp đã làm thế nào để vượt qua và thích nghi được với thứ ngôn ngữ khó nhằn ấy?

Lê Thị Hợp: 

Ban đầu tiếng Nhật với mình cũng khá khó khăn. Mình cũng từng nghĩ chắc mình không làm được, sao mà tiếng Nhật khó quá. 

Mỗi ngày mình đã cố gắng để “thích” nó, cố gắng để tiếp nhận nó và cố gắng không bỏ cuộc. Người ta thường nói, khi mình thích một điều gì đó thì mình sẽ sẵn sàng dành thời gian cho nó và luôn muốn tìm hiểu nó. Có lẽ đó cũng là lý do mà mình đã học được tiếng Nhật và cũng dần dà thích tiếng Nhật luôn (cười).

- Bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn về các phương pháp học tiếng Nhật của bạn cho mọi người biết được chứ?

Lê Thị Hợp: 

Như mình đã nói ở trên là việc học tiếng Nhật ban đầu của mình khá khó khăn, nên mình đã phải đổi rất nhiều phương pháp học. Sau đó mình hiểu ra được rằng việc học thuộc lòng từ vựng trước khi học ngữ pháp là điều rất quan trọng. Nếu như không có một vốn từ vựng nhất định thì việc học ngữ pháp sẽ vô cùng khó. Vì vậy mình luôn cố gắng học thật vững từ vựng trước khi thầy cô dạy ngữ pháp bài mới, từ đó khả năng tiếp thu tiếng Nhật của mình cũng tốt hơn.

Sau khi qua Nhật, thời gian và lịch trình học của mình cũng thay đổi rất nhiều. Khi còn học ở Kaizen thì tiếng Nhật mình học được chủ yếu là qua sách vở và thầy cô, nhưng khi sang Nhật thì các bạn có thể học được từ rất nhiều nguồn: các lớp tình nguyện, người Nhật, internet...

- Bỏ ra 03 năm sang Nhật làm việc, theo Hợp thì bạn đã được và mất gì khi lựa chọn con đường này? 

Lê Thị Hợp: 

Ba năm đi Nhật trở về em nghĩ mình chỉ được chứ không bị mất. Trước khi quyết định đi Nhật em từng đậu đại học ngành Kế toán, nhưng khi ấy thấy được rất nhiều những đàn anh, đàn chị mặc dù học đại học ra có bằng Khá, Giỏi nhưng cũng thất nghiệp nên em đã quyết định chọn cho mình hướng đi mới.

Ba năm nỗ lực cố gắng học tập và làm việc ở Nhật trở về em thấy mình trưởng thành hơn, tác phong và ý thức cũng được nâng cao hơn. Trong ba năm làm việc ở Nhật em có rất là nhiều cơ hội: cơ hội phát triển bản thân, cơ hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật, cơ hội giao tiếp bằng tiếng Nhật với người bản xứ…

Bây giờ em hoàn toàn hài lòng với những gì mình đã làm được và không hối tiếc về quyết định chọn con đường sang Nhật làm việc.

- Được biết ngay sau khi về nước, Hợp đã ứng tuyển vị trí giáo viên tiếng Nhật tại Kaizen. Tại sao Hợp lại chọn Esuhai – Kaizen để làm việc mà không phải là một vị trí khác hay môi trường khác?

Lê Thị Hợp: 

Ngay từ khi còn là học viên của Esuhai - Kaizen mình nhận thấy đây là một môi trường khá là thân thiện, thầy cô nhiệt huyết, nhân viên nhiệt tình, học viên ý thức cao. Vì vậy kết thúc ba năm ở Nhật mình muốn xin vào Esuhai - Kaizen làm việc để phát triển hơn.

05 năm trước khi đến với Esuhai mình hoàn toàn không biết gì về đất nước, con người cũng như tiếng Nhật. Ngay bản thân ở thời gian đầu khi học tiếng Nhật cũng gặp khá nhiều khó khăn, sau đó nhờ sự giúp đỡ của thầy cô Kaizen và anh chị Esuhai mình đã dần quen với tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản, những khó khăn cũng dần biến mất… Từ đó mình có thêm động lực để cố gắng hơn. 

Vì vậy bây giờ khi trở về nước, mình muốn vào Esuhai làm việc với tư cách là một giáo viên, cũng là một người đi trước truyền "lửa" lại cho các thế hệ đi sau, những bạn học viên chưa biết gì về Nhật Bản để giúp các bạn có thể hiểu hơn về văn hóa, con người cũng như ngôn ngữ Nhật Bản.

Những ngày lên lớp, tiếp xúc với các bạn học viên, mình thấy được sự lo lắng trong các bạn. Nhiều bạn lo lắng: "sao mà tiếng Nhật khó quá, văn hóa, con người Nhật sao khác Việt Nam quá…". Chính sự lo lắng ấy là bức tường rào ngăn cản sự phát triển của bản thân các bạn. Vì thế mình muốn dùng chính những kinh nghiệm đã tích lũy được trong ba năm qua ở bên Nhật để truyền đạt lại cho các bạn, giúp các bạn hiểu rằng: Nếu bạn nghĩ tiếng Nhật thực ra không quá khó thì chắc chắn là nó sẽ không khó. Hãy tự mình phá vỡ bức tường rào trong lòng của mình để có thể du nhập được tiếng Nhật, trở thành bạn bè của tiếng Nhật và con người Nhật Bản.

- Hiện tại, một ngày cuả Hợp sẽ diễn ra như thế nào?

Lê Thị Hợp: 

Mỗi ngày mình dành hơn chín tiếng ở công ty. Trong đó khoảng 7 – 7,5 giờ là làm việc. Thời gian còn lại sẽ cùng mọi người dọn dẹp, chuẩn bị cho công việc ngày tiếp theo. Khoảng thời gian này cũng là cơ hội để Hợp giao tiếp nói chuyện với các đồng nghiệp người Nhật trong công ty.

Ở nhà ngoài thời gian sinh hoạt và nghỉ ngơi, mỗi ngày mình sẽ dành từ 30 phút đến 2 tiếng cho việc học tiếng Nhật.

- Ồ, vậy là Hợp vẫn đang miệt mài theo đuổi tiếng Nhật?

Lê Thị Hợp: 

Đúng thế. “Sự học như đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt phải lùi". Các bạn, đặc biệt là những bạn đang học tiếng Nhật cũng hãy thật chăm chỉ học tập nhé!

- Cảm ơn những chia sẻ rất thú vị của Hợp. Chúc cho bạn sẽ luôn thực sự có được hạnh phúc với công việc mà mình đã chọn!

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này

Tin mới