scroll top
Cuộc đời mỗi người là một chuyến tu hành
08/06/2016
3200
Trong cuốn “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bài thơ như thế này: Nửa đêm “Ngủ thì ai cũng như lương thiện, Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên.”

 

Mỗi người khi sinh ra cơ bản đều giống nhau. Chính sự giáo dục, chính môi trường sống và sự nhận thức của mỗi người mà tạo nên sự khác biệt. Khác biệt hình thành từ chính quá trình tu hành của mỗi người và thành quả của quá trình ấy được người ta đúc kết một cách dí dỏm rằng: Hãy nhìn vào đám ma của một người bạn có thể biết được người đó trong cuộc đời đã sống như thế nào.

 

Mới đây trên mạng có chia sẻ một video clip của Thái Lan với thông điệp rằng thay vì tỏ ra cau có, nóng nảy vì những va chạm nhỏ xảy ra trong cuộc sống thì hãy nở một nụ cười với nhau, vấn đề sẽ được giải quyết theo chiều hướng tích cực. Tương tự như vậy, nếu có thể nói “xin chào” với nhau, cuộc sống xung quanh ta dường như trở nên tươi sáng hơn, có văn hóa hơn.

 

Nhưng… ở thời điểm hiện tại…

Có phải giới trẻ hiện nay đang chửi nhiều hơn chào???!!!

 

 

Có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người lớn đủ tự tin thả con trẻ của mình tự do chơi đùa trước cổng nhà, trong lối xóm hay đi tới trường học? Hay lại lo sợ rằng trong một lúc sơ sểnh nào đó sẽ có kẻ xấu bắt cóc mất con đi???

 

Có quá nhiều bất trắc đã, đang và có thể sẽ diễn ra trong cuộc sống hiện đại, khi mà con người dường như càng ngày càng xa cách nhau. Sự xa cách ấy diễn ra ngay trong mỗi gia đình, mỗi tế bào của xã hội. Và rồi cái tôi của mỗi người có cơ hội phát triển vượt xa cái chung. Người ta có thể đánh nhau khi liếc không vừa mắt nhau; Có thể ghét khi không thấy ưa cái bản mặt hay thậm chí có thể chém giết người bởi một lời nói, bởi một hận thù mà thực ra nếu có thể nói với nhau một lời thì mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. 

 

Từ ngàn xưa ông bà ta đã chẳng có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” hay sao? Thực là vậy. Trong buổi gặp gỡ Thực tập sinh chuẩn bị xuất cảnh đầu tháng 6, chị Hân – một cựu Thực tập sinh và hiện đang công tác tại Esuhai muốn nhờ nhóm hậu bối gửi dùm chị lá thư thăm hỏi tới người cha nuôi ở Nhật của chị. Các hậu bối tò mò rằng làm thế nào mà chị quen được cha nuôi là người Nhật khi chỉ ở bên đó một năm? “Ohayo gozaimas”! Chị cười và trả lời như thế. Chính là bắt đầu từ một lời chào. Hàng ngày khi đi làm về chị thường gặp ông cụ đi tập thể dục trên con đường đó. Chị đã mỉm cười và cúi đầu chào. Chính sự thân thiện chào hỏi đã giúp chị và ông cụ quen nhau và ông ấy đã trở thành một người bạn tốt, một người thân nơi đất khách quê người của chị.

Bạn thấy đấy! Chính lễ nghĩa tạo ra những con người giàu có. Cuộc sống minh chứng rằng, người biết chào hỏi là người có văn hóa. Những người thành đạt, khá giả trong cuộc sống gần như là những người có văn hóa.

Vậy làm thế nào để có văn hóa? Văn hóa bắt đầu từ đâu? Thực ra văn hóa bắt nguồn từ những điều vô cùng đơn giản: lời chào, lời cảm ơn, xin lỗi, cái cúi đầu chào, cái bắt tay trân trọng…dành cho đối phương dù là ai đi nữa.

Ở thời điểm hiện tại có thể chúng ta nghèo khó, nhưng không thể vì thế mà không để ý tới lễ nghĩa, văn hóa. Có những việc xuất phát từ trái tim sẽ đến được trái tim, chỉ cần đó là thực để tâm. Ví dụ như gửi cho nhau một bức thư hỏi thăm, một tấm thiệp chúc mừng nhân dịp nào đó…Bởi lẽ, cuộc sống là điều kỳ diệu. Có những món quà tinh thần đem lại những kết quả, thành công mà đôi khi ta không thể tưởng tượng nổi. 

 

Và tất nhiên, văn hóa không thể là cái riêng, không nên là cái riêng mà cần được cộng đồng cùng nhau xây dựng, gìn giữ và phát triển. Nếu người ta chỉ chào nhau khi người ta quen biết nhau hay người ta chỉ chào nhau ở những nơi, những môi trường được quy định phải chào hỏi và rồi người ta lại quay trở về với cuộc sống thường ngày như trước thì đó không tạo thành văn hóa. 

 

“KaizenYoShidaSchool được xây dựng là một mô hình đào tạo con người có văn hóa. Nếu những người mà trước đó có lối hành xử chưa hay thì khi gia nhập môi trường này cũng sẽ dần thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn, trở nên phù hợp hơn. Để làm được điều đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, không ngại gian ngại khổ. Không có sự thành công nào là dễ dãi cả. Và chính các bạn sẽ là người cùng thầy sẻ chia, lan tỏa cái đẹp, cái hay, cái có văn hóa đến những người khác, đến cộng đồng rộng lớn hơn để từng bước xây dựng nên văn hóa. Xã hội Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào, là một đất nước có văn hóa hay tụt hậu chính là do sự lựa chọn và hành xử của chính mỗi con người trong cuộc sống hiện nay.”


Cuộc sống cũng như cuộc đời là một chuyến tu hành mà ở đó mỗi người  mỗi ngày phải sửa đổi để dần hoàn thiện hơn. Có 05 cấp độ mà mỗi người có thể lần lượt trải qua trong cuộc đời từ thấp lên cao là: cơm áo gạo tiền; Chiếm hữu quyền lực; Coi trọng danh dự; Sự cống hiến và cấp bậc cuối cùng là sự hy sinh. Mỗi người trong cuộc đời phải cố gắng để nâng bậc của mình lên. Và cũng chính mỗi người phải định hướng cuộc đời mình sẽ ở mức độ nào khi nằm xuống.

 

Vậy, trước tiên hãy đừng quên tự đặt ra và trả lời cho câu hỏi: Chúng ta sinh ra để làm gì? 

 

 

Khi câu hỏi này được đặt ra, đã có rất nhiều câu trả lời, phản hồi từ phía học viên trong lớp ODEN. Bạn Hoàng Lê Tuấn Phương cho rằng: “Mình sinh ra để trả nợ đời”. Trong khi đó bạn Phan Trọng Cường lớp Esu 162 lại chia sẻ rằng: “Mình là một phần tử nhỏ của xã hội, phải góp phần giúp xã hội phát triển hơn”…

 

Thực tế là, mỗi một sinh vật, động vật được sinh ra trong Trái đất này đều có chức năng, nhiệm vụ riêng của mình dù chức năng ấy đối với cuộc sống, đối với con người có thể là tốt hoặc là xấu. Con người cũng vậy, và con người khác tất cả các loài sống khác chính là con người có thể lựa chọn chức năng cho cuộc đời của mình. Mình là ai, mình sinh ra để làm gì là do mình tự lựa chọn và đi tìm câu trả lời cho chính cuộc đời mình. Vì vậy, đã được sinh ra làm người thì phải biết quý trọng sinh mệnh của mình, điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải biết quý trọng sinh mệnh của người khác. Cùng với đó, mỗi người hãy xác định cho mình một con đường, một công việc mình yêu thích, mình muốn làm để gắn bó lâu dài, suốt đời. Đó là cách hữu hiệu nhất để giúp chính mình và giúp cuộc đời, xã hội phát triển hơn.

 

Trong cuộc đời này, bạn mong muốn điều gì nhất?

 

 

Một cuộc tranh luận đã diễn ra khi có người nói rằng điều họ mong muốn và cố gắng là giữ sức khỏe thật tốt để có thể làm được những việc mà họ muốn. Thực tế cho thấy, sức khỏe là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bởi trong cuộc sống có nhiều người sức khỏe không tốt, có khiếm khuyết nhưng họ vẫn có thể tạo ra những việc, những thành tựu, sản phẩm mà có nhiều người lành lặn cũng không thể làm ra. Hay lại có những người có sức khỏe tốt nhưng vẫn là thành phần ăn bám gia đình, làm ảnh hưởng tới xã hội.

 

Ngay sau đó lời chia sẻ chân thành của Hồ Bích Ngọc, học viên lớp Esu 148 lại nhận được tràng pháo tay cổ vũ rất lớn từ hơn một trăm học viên trong lớp: “Em muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Nhật. Tương lai gần em sẽ đi Nhật làm việc, tích lũy kinh nghiệm. Trong quá trình làm việc, em sẽ ghi lại, quay lại những điều lý thú làm tư liệu để sau này khi trở về có thể chia sẻ lại cho những học viên của mình. Mẹ từng nói với em rằng trên thế giới này không bán thuốc hối hận. Vì vậy em sẽ cố gắng để sau này khi tới 60, 70 tuổi nhìn lại em sẽ không phải hối hận với những điều mình đã làm.”

 

 

Lại cũng có bạn học viên nêu ý kiến rằng sau này khi có nhiều tiền sẽ đem đi cho người nghèo, làm từ thiện. Đối với ý kiến này, thầy Hiệu trường Lê Long Sơn chân thành mà phân tích rằng: cho tiền là có tội. Nếu thực sự muốn làm việc tốt và thực sự muốn tốt cho người ta hãy cho người ta cái cần câu thay vì cho con cá.

 

Thầy đã kể cho các bạn nghe câu chuyện của nước Nhật rằng, ở nhà ga lớn nhất của thành phố Tokyo có rất nhiều người vô gia cư sinh sống. Họ sống trong những cái hộp các tông và ăn bằng đồ ăn thừa mọi người để lại. Thầy đã từng thắc mắc rằng tại sao nước Nhật giàu có như vậy, có thể viện trợ cho các nước đang phát triển tiền để làm điều này điều kia mà Chính phủ Nhật không xây những khu nhà tình nghĩa hay trợ cấp…Người ta trả lời với thầy rằng, nếu làm vậy thì rất nhanh thôi số lượng người cần hỗ trợ sẽ tăng lên. Rồi những doanh nghiệp, công ty, con người đang gặp khó khăn sẽ ngay lập tức tuyên bố phá sản mà không cố gắng vực dậy nữa. 

 

Con người sinh ra để muốn đi tìm hạnh phúc, để được hạnh phúc. Bạn sẽ hạnh phúc khi bạn còn muốn hạnh phúc và lựa chọn hạnh phúc.

Vậy, hạnh phúc từ đâu mà có?

 

“Hạnh phúc bắt nguồn từ tình yêu. Tình yêu đối với những điều mà chúng ta làm, chúng ta yêu thích, chúng ta phấn đấu. Điều quan trọng là mỗi chúng ta phải nhận thức rõ, phân biệt rõ hạnh phúc nào là đúng đắn và hạnh phúc nào là ảo tưởng, sai trái. Việc học tiếng Nhật cũng như vậy. Muốn học tốt thì phải có tình yêu và niềm đam mê với tiếng Nhật, với văn hóa, đất nước và con người Nhật. Phải có mong muốn được sống và làm việc trong lòng đất nước ấy để học tập nhiều hơn, trải nghiệm tốt hơn, tích lũy cho tương lai nhiều điều giá trị.

 

 

Giống như thầy, thầy có tình yêu với ODEN nên dù hôm nay bị cảm trong người không khỏe nhưng thầy vẫn lên lớp. Bởi vì thầy được nhìn thấy các em, nhìn thấy những khuôn mặt tươi sáng, ánh mắt háo hức lắng nghe những điều thầy chia sẻ. Đối với thầy điều đó làm thầy cảm thấy hạnh phúc. 

Hạnh phúc không ở đâu xa, nó ở ngay trong chính bên trong mỗi con người chúng ta. Vì vậy các em, hãy yêu và đầu tư những gì tốt đẹp cho tương lai: yêu thầy, yêu lớp, yêu công việc mà sắp tới các em sẽ trải nghiệm và thực hành. Không quan trọng kết quả sẽ đi đến đâu, là thành hay bại mà quan trọng là bạn đã cố gắng, đã làm hết sức mình ở mỗi giai đoạn, hành trình ấy với một niềm tin và tình yêu lớn lao. Hạnh phúc sẽ xuất hiện.”


NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này