scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản
04/06/2016
845
Với khoảng 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, thì việc hai nước cùng là thành viên sáng lập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nếu được Quốc hội 12 quốc gia thành viên phê chuẩn, chắc chắn sẽ mở rộng hơn nữa dư địa hợp tác, phát triển kinh tế song phương trong thời gian tới.

Những tín hiệu lạc quan

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhật Bản hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực đầu tư, hợp tác kinh tế, hợp tác phát triển (ODA), thương mại và du lịch. Tính đến cuối tháng 4.2016, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 2 trên tổng số 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 3.056 dự án trị giá 39,74 tỉ USD.

san sang don lan song dau tu moi tu nhat ban

Liên doanh sản xuất xe máy Nhật tại Việt Nam.

Các dự án của Nhật Bản được triển khai trên 19  phân ngành, lĩnh vực; trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp chế biến, chế tạo với  1.516 dự án, kinh doanh bất động sản  48 dự án, xây dựng 79 dự án…

Nhiều ý kiến cho rằng, với việc cả hai nước cùng là thành viên sáng lập TPP, chắc chắn sẽ mở rộng hơn nữa dư địa hợp tác, phát triển kinh tế song phương. Điển hình mới đây nhất, trong tháng 5.2016, Mitsui OSK Lines - hãng vận tải biển lớn nhất tại Nhật Bản đã khởi công hợp phần B Dự án Cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỉ USD.

Cảng sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2018 và sẽ  tăng gấp đôi công suất của cảng hiện nay để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của những khu công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử gần Hà Nội. Điều đó cho thấy sức hút của Việt Nam đối với doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng lớn.

Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng

Được biết, sau chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản để tham dự Hội nghị Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và thăm chính thức Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đưa quan hệ Nhật – Việt lên tầm cao chiến lược, trong đó xác định hợp tác kinh tế là trọng tâm.

Cụ thể,  Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí trong việc trao đổi các biện pháp thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế và hợp tác trong các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng, năng lượng, hàng không. Nhật Bản cam kết tiếp tục cung cấp ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỉ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á và triển khai sáng kiến kết nối Mê Kông - Nhật Bản…

Đây chính là thời cơ mới, thuận lợi nhất để hai bên  nâng tầm hợp tác đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội trên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những khó khăn và thách thức khi thu hút vốn FDI từ Nhật Bản.

Đó là việc nguồn nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo còn thiếu, cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn yếu kém so nhiều nước trong khu vực, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, còn có khoảng cách giữa chính sách và việc thực thi...

Bên cạnh đó, các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam  hiện nay chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài (với 2.537 dự án, tổng vốn đầu tư 23,59 tỉ USD, chiếm 83% tổng số dự án và 59,36% tổng vốn đầu tư) là con số không phù hợp với mục tiêu tiếp nhận công nghệ và kinh nghiệm quản lý thông qua FDI của chúng ta.

Đặc biệt, để thu hút đầu tư một cách hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường đầu tư, nhất là về thủ tục hành chính và hành lang pháp lý.

Theo Báo Lao động Thủ đô

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này