scroll top
Tin này thuộc chuyên mục: Thông tin Nhật Bản
Nhật Bản muốn đẩy mạnh hợp tác công nghiệp với Việt Nam
03/11/2015
743
Đại diện Ủy ban kinh tế Nhật Bản Mê Kông bày tỏ phía Nhật Bản mong muốn trong thời gian tới sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, đầu tư thương mại với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp…

Buổi làm việc giữa Bộ KH&ĐT và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản hôm 27/10

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 27/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi làm việc cùng Ủy ban kinh tế Nhật Bản Mê Kông, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cùng đoàn 70 doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đại diện các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đánh giá, quan hệ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản có nhiều thuận lợi phát triển từ khi hai nước ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 2004, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện năm 2007.
Ngoài ra Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản (VJJI) được khởi xướng từ tháng 4/2003 là diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được 5 giai đoạn và hiện đang trong quá trình triển khai giai đoạn 6, đã đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 tập trung phát triển 6 ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm: điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, tạo sự lan tỏa công nghệ, kỹ năng đối với ngành công nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam.


Hãng Panasonic Nhật Bản giới thiệu sản phẩm mới tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh kỳ vọng với mối quan hệ tốt đẹp, Nhật Bản tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý, khuyến nghị, phản hồi giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.
Về phía Nhật Bản, ông Kobayashi Yoich, Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật Bản Mê Kông cho hay Nhật Bản mong muốn được cập nhật hơn về tình hình ban hành chính sách, xây dựng khung pháp lý tại Việt Nam liên quan đến đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Nhật Bản cam kết nỗ lực hết mình cho sự hợp tác song phương, vì lợi ích của cả hai bên.
Đại diện một số doanh nghiệp, tổ chức của Nhật Bản cũng đề nghị được tháo gỡ vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc kết nối du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản với các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản qua việc thiết lập cơ chế một cửa, nới lỏng quy định liên quan đến xuất nhập cảnh, visa cho người Nhật công tác tại Việt Nam; các vấn đề về lương tối thiểu, số giờ làm thêm, quy định về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng…
Nhật Bản hiện là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu tại Việt Nam với 37,9 tỷ USD của 2.725 dự án đang hoạt động, đứng thứ hai trên 105 quốc gia, là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam với tổng vốn ODA khoảng 2.500 tỷ Yên (khoảng 25 – 27 tỷ USD) trong hơn 20 năm qua, chủ yếu được dành cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Hiện nay, mối quan hệ giữa hai quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ô tô, nông nghiệp... ngày càng được thắt chặt.
Trước đó, ngày 26/10, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản do tỉnh trưởng tỉnh Saitama, ông Ueda Kiyoshi làm Trưởng đoàn cho biết: Các doanh nghiệp của Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới thị trường Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những thị trường được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược hợp tác đầu tư ở nước ngoài, nhất là đầu tư trong lĩnh vực thế mạnh như sản xuất phụ tùng ô tô, linh kiện điện tử, kính quang học, chế biến lương thực, thực phẩm…
Cũng theo ông Ueda Kiyoshi, bên cạnh sự nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp sang hợp tác đầu tư tại Việt Nam, tỉnh Saitama cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành hai nước đối với các hoạt động tìm kiếm cơ hội, mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo ICTnews

NHẬP EMAIL CỦA BẠN VÀO ĐÂY ĐỂ NHẬN BẢN TIN VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO, CÁC THÔNG TIN, KINH NGHIỆM SỐNG, VĂN HÓA NHẬT BẢN TỪ ESUHAI.
tin cùng chuyên mục
chia sẻ của bạn về tin này